PCI nói lên quan điểm, kinh nghiệm địa phương

ANTĐ - Trước quan điểm bảng xếp hạng chỉ số PCI của Hà Nội chưa phản ánh thực tế khách quan năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Edmund Malesky - Phó giáo sư khoa quan hệ quốc tế và Thái Bình Dương - Đại học California tại San Diego, Tiến sĩ ngành kinh tế chính trị quốc tế - Đại học Duke, Durham, Hoa Kỳ, Trưởng nhóm nghiên cứu PCI tại Việt Nam.
PCI nói lên quan điểm, kinh nghiệm địa phương ảnh 1
Ông Edmund Malesky - Phó giáo sư khoa quan hệ quốc tế và Thái Bình Dương - Đại học California tại San Diego, Tiến sĩ ngành kinh tế chính trị quốc tế - Đại học Duke, Durham, Hoa Kỳ, Trưởng nhóm nghiên cứu PCI tại Việt Nam.
PV: Sau 8 năm công bố bảng xếp hạng cạnh tranh PCI tại nhiều các tỉnh thành ở Việt Nam, ông nhận được những phản hồi gì từ phía chính quyền địa phương và các doanh nghiệp?
Ông Edmund Malesky: Những phản hồi từ phía chính quyền địa phương và các doanh nghiệp là rất quan trọng. Chúng tôi muốn PCI trở nên hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách quốc gia và cấp tỉnh. Mục đích thực sự không chỉ đơn giản là xếp hạng các tỉnh. Mục tiêu cuối cùng là để cho các cán bộ tỉnh có cái nhìn khách quan nhất về cộng đồng doanh nghiệp và những đánh giá của doanh nghiệp đối với các chính sách và nỗ lực của chính quyền địa phương. Để làm được điều đó, nhóm nghiên cứu đã cố gắng tập trung vào các lĩnh vực mà các nhà lãnh đạo tỉnh quan tâm nhất.

Mỗi năm, chúng tôi có mặt ở 10 - 30 tỉnh thành để thực hiện quá trình khảo sát. Tại đây, nhóm nghiên cứu sẽ trình bày kết quả và thảo luận về môi trường kinh doanh với chính quyền địa phương. Cùng với tài liệu thu thập được, chúng tôi sẽ đưa ra cái nhìn chính xác về những gì mà chính quyền tỉnh đang cố gắng để đạt được. Trong năm 2009, nhóm nghiên cứu đã thực hiện một số thay đổi trong phương pháp phản ánh những mối quan tâm của chính quyền các địa phương. Bởi lẽ trong quá trình thực hiện, nhiều tỉnh cho rằng, nhóm khảo sát đã cho giảm chỉ tiêu đo lường, “thiên vị” các doanh nghiệp địa phương và những chỉ số này đã lỗi thời.

Ngay sau khi khởi động xếp hạng PCI, chúng tôi đã có một cuộc họp với Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội. Đó là một cuộc thảo luận cởi mở, giải thích về những chính sách của Hà Nội đối với các doanh nghiệp tư nhân đầu tư trong nước và đã đưa ra những lý giải cho sự suy giảm của Hà Nội.

PV: Được biết, trong tổng số hàng nghìn doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động kinh doanh tại Hà Nội, đánh giá xếp hạng cạnh tranh mà VCCI đưa ra chỉ được khảo sát với hơn 200 doanh nghiệp. Liệu kết quả này có phản ánh chính xác môi trường đầu tư và kinh doanh của Hà Nội?

Ông Edmund Malesky: Thực tế, chúng tôi đã khảo sát 597 công ty, trong đó có 256 công ty tư nhân và 341 công ty nước ngoài đang hoạt động tại Hà Nội. Tuy nhiên, những đánh giá của các công ty nước ngoài không được tính trong bảng xếp hạng chỉ số PCI. Quá trình lấy mẫu PCI phản ánh chính xác nhất môi trường kinh doanh đang tồn tại của Hà Nội. Chúng tôi đảm bảo tính chính xác bằng cách có danh sách của các doanh nghiệp nộp thuế từ cơ quan thuế Việt Nam; phân chia các công ty này thành 24 thành phần dựa trên độ tuổi, khu vực, và quyền sở hữu công ty. Sau đó, lấy mẫu ngẫu nhiên thuộc mỗi nhóm đối tượng và một mẫu đại diện của các công ty này sẽ được chọn.

Những mẫu được lấy ngẫu nhiên tại Hà Nội đều đáp ứng những tiêu chí có trong cơ sở dữ liệu nên có thể khẳng định nó thể hiện sự khách quan của các doanh nghiệp về môi trường kinh doanh tại Hà Nội. Nhóm nghiên cứu đã gửi phiếu điều tra đến 1.000 công ty tại Hà Nội. Tuy nhiên, tỷ lệ đáp ứng chỉ khoảng 26%, trong số đó 30% phiếu điều tra đã không đến tận tay doanh nghiệp do địa chỉ hoặc số điện thoại không chính xác. Mặc dù, chúng tôi có một đội ngũ sinh viên cộng tác cùng, liên tục kêu gọi các công ty điền vào phiếu điều tra, song đây thực sự là công việc khó khăn. Bởi, chúng tôi hiểu rằng ở các thành phố lớn như Hà Nội, rất ít công ty mặn mà với những phiếu điều tra như vậy. Tuy vậy, với mong muốn có một phân tích chính xác nhất, chúng tôi đã cố gắng hết sức, thậm chí có những công ty phải gửi phiếu điều tra đến lần thứ 4. 

PV: Không chỉ các doanh nghiệp ở Hà Nội mà nhiều doanh nghiệp ở các địa phương khác đều cho rằng kết quả xếp hạng còn thiếu tính thực tế, dựa trên “cảm tính”. Ông nhận xét như thế nào về phản ứng này của các doanh nghiệp?

Ông Edmund Malesky: Mỗi năm, chúng tôi đều mô tả quá trình lấy mẫu một cách khá chi tiết, những công ty mà chúng tôi đã nói chuyện... Nhóm nghiên cứu tạo ra một phiên bản trong tập dữ liệu (loại bỏ các nhận dạng công ty) có sẵn để tất cả các nhà phân tích, có thể tái tạo thống kê về sự chính xác cho các câu hỏi và câu trả lời mà chúng tôi đã điều tra. Hơn nữa, sự lựa chọn mẫu là hoàn toàn ngẫu nhiên, do đó không có sự thiên vị trong quá trình lựa chọn để đưa ra kết quả xếp hạng PCI.

Các doanh nghiệp cho rằng kết quả xếp hạng PCI dựa trên kinh nghiệm hay cảm tính của nhóm nghiên cứu là hoàn toàn không thể. Bởi, PCI đơn giản là tập hợp những ý kiến của các công ty. Nhóm nghiên cứu cũng không áp đặt ý tưởng nào vào chỉ số, mà đơn giản chỉ là đặt câu hỏi liên quan đến kinh nghiệm của các công ty để có câu trả lời trung thực của họ. Rất khó để có thể đưa ra quan điểm về những phản ứng của các doanh nghiệp nếu không biết cụ thể những phản ứng đó là gì. Tuy nhiên, nói một cách khái quát, tiêu chí đánh giá CPI mà chúng tôi đang thực hiện là những đánh giá khoa học và khách quan nhằm mục tiêu cung cấp thông tin chính xác cho các nhà hoạch định chính sách Việt Nam.

PV: Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu, xin ông cho biết những tiêu chí đánh giá mà VCCI đưa ra đối với những doanh nghiệp Việt Nam có gì khác so với các nước khác trên thế giới. Những phản hồi của doanh nghiệp các nước này?

Ông Edmund Malesky: Có thể nói không cường điệu rằng PCI là một ví dụ điển hình của sự chặt chẽ khoa học và khách quan. Chúng tôi đã lấy mẫu hơn 8.000 công ty đại diện cho Việt Nam và 256 đại diện cho Hà Nội. Điều này cho thấy PCI rõ ràng là rất khắt khe. Mỗi năm, chúng tôi đều nhận được một số yêu cầu phân tích dữ liệu của các nước. Hầu hết các doanh nghiệp này đều quan tâm đến kết quả điều tra chỉ số PCI-FDI hơn là PCI, trong đó, hầu hết khảo sát được thực hiện dựa trên quan điểm của các công ty trong nước.

PV: Theo ông đây chỉ là bảng đánh giá tham khảo hay phản ánh đúng thực tế khách quan của từng địa phương?

Ông Edmund Malesky: Mục đích của PCI là nói lên quan điểm, kinh nghiệm địa phương, của cộng đồng doanh nghiệp một cách chính xác khách quan nhất có thể. Qua đó, có thể cung cấp chi tiết về mọi khía cạnh của môi trường kinh doanh như thủ tục đăng ký, tiếp cận đất đai, minh bạch, cơ sở hạ tầng, lao động… Sẽ là sai lầm nếu các nhà hoạch định chính sách bỏ qua các kết quả PCI, chỉ bởi lý do họ không thích, hay đơn giản là bỏ qua những gì mà các công ty nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh, thành nói về chính sách và khả năng cạnh tranh của địa phương mình.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!