Paris xấu xí vì cảnh đốt phá của phong trào phản kháng "Áo vàng"

ANTD.VN - Sau nhiều tuần thu hẹp quy mô, ngày 16-3, cuộc biểu tình “Áo vàng” lại tái diễn tại Thủ đô Paris, Pháp và nhanh chóng chuyển thành bạo lực. 

Paris xấu xí vì cảnh đốt phá của phong trào phản kháng "Áo vàng" ảnh 1Người biểu tình đốt các vật dụng trên đường phố Paris

Những người biểu tình đốt ngân hàng và đập phá các cửa hàng ở Thủ đô Paris. Một chi nhánh của Ngân hàng Banque Tarneaud, một cửa hàng túi xách cao cấp và hai sạp báo trên đại lộ Champs Elysees đã bị đốt. Mái hiên bằng vải bạt của quán bia nổi tiếng ở Paris, nơi cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy ăn mừng chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2007, cũng bị đốt.

Đây là tuần thứ 18 liên tiếp, các cuộc biểu tình phản đối Chính phủ diễn ra, bất chấp Tổng thống Emmanuel Macron đã phần nào có nhượng bộ. Tháng 12 năm ngoái, ông Macron tìm cách xoa dịu cuộc khủng hoảng bằng cách công bố gói biện pháp trị giá 10 tỷ EUR (11,4 tỷ USD) để hỗ trợ người hưu trí và người lao động có thu nhập thấp, đồng thời xóa bỏ kế hoạch tăng thuế nhiên liệu, nguyên nhân làm bùng lên phong trào phản kháng “Áo vàng”.

Để nắm bắt tâm lý người biểu tình, chính quyền tổ chức các buổi tranh luận công khai trên mạng và tại các tòa thị chính về sinh thái, thuế, quyền công dân, dân chủ và các dịch vụ công trong ba tháng. Đây được coi là cơ sở để nghiên cứu ban hành các biện pháp mới và dự thảo luật mà chính quyền hy vọng có thể đưa ra sớm nhất là vào tháng 4.  

Có điều những biện pháp của ông Macron, bao gồm lời hứa tăng lương tối thiểu và giảm thuế cho người thu nhập thấp, mà một số nhà phân tích cho là “hào phóng” đến mức có thể đẩy ông vào thế khó khăn với Liên minh châu Âu (EU) vì không đáp ứng tiêu chuẩn của tổ chức này, vẫn chưa thể làm động lòng người dân Pháp. Một cuộc thăm dò của Viện nghiên cứu chính trị Cevipof công bố hồi tháng 1-2019 cho thấy 77% người dân Pháp đang mất lòng tin vào các chính trị gia, tỷ lệ cao chưa từng có trong lịch sử nước này.

Vẫn như trước đây, trong con mắt của những người biểu tình, ông Macron là Tổng thống của người giàu, chỉ biết ưu ái người có tiền mà thờ ơ với người nghèo. Họ bất mãn vì ông Macron không đồng ý thay đổi chính sách giảm thuế với người giàu vì cho rằng nó giúp khuyến khích đầu tư. 

Xem ra, hố sâu ngăn cách hai bên vẫn chưa thể thu hẹp. Đúng là kinh tế Pháp đã phục hồi nhưng tốc độ tăng trưởng còn ở mức thấp. Nếu không có biện pháp kích thích khiến những người giàu đổ tiền vào đầu tư, Pháp sẽ khó có mức tăng trưởng cao ổn định. Tăng thuế thu với người giàu, ông Macron khó có thể thực hiện được tham vọng cải cách cơ bản nền kinh tế Pháp như ông đề ra trong chiến dịch tranh cử Tổng thống.

Trong khi đó, phong trào “Áo vàng” không còn đồng nhất như trước. Bản thân những người biểu tình hiện nay cũng không mang theo một thông điệp yêu cầu cụ thể nào. Mọi hành động chỉ đơn thuần là tụ tập, đốt phá và cướp bóc. Thậm chí có ý kiến cho rằng, biểu tình “Áo vàng” đang dần biến tướng và chỉ tập trung tại đây những đối tượng bất hảo, có tư tưởng và hành động côn đồ. Bằng chứng cho thấy, những khẩu hiệu dân chủ, yêu cầu quyền lợi cho người lao động không còn được đưa ra.

Đó là lý do vì sao Quốc hội Pháp đã phải đề xuất một luật mới được gọi tên là “Kiểm soát biểu tình” mà bản chất là “chống côn đồ”. Theo luật đó, người biểu tình có thể tập trung, truyền tải những thông điệp của họ nhưng không được quyền đốt phá, cướp bóc. Những người mang theo vũ khí, vật liệu gây sát thương hoặc cháy nổ sẽ bị bắt giữ. Nước Pháp vẫn chưa thể bình yên.