Pakistan: Những thiếu nữ bị giết vì "cứng đầu" trong hôn nhân

ANTĐ - Lợi dụng lúc mọi người trong gia đình đi vắng, 4 gã đàn ông đã đột nhập vào nhà Maria Abbasi (18 tuổi, giáo viên ở huyện Murree), đánh đập cô rồi châm lửa đốt. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do Maria Abbasi “dám” từ chối lời cầu hôn của con trai một hiệu trưởng trường học tư nhân mà cô đang giảng dạy, người đã ly dị vợ và nhiều gấp đôi tuổi cô.

Bị thiêu vì “dám” từ chối lời cầu hôn

Sự việc đau lòng này xảy ra vào tối 30-5 tại làng Davel, huyện Murree, đông bắc Pakistan. Theo lời ông Rafaqat Abbasi - cậu của nạn nhân, hôm đó, gia đình đến dự một đám tang ở thị trấn gần đó, Maria được giao nhiệm vụ ở nhà trông cô em gái 5 tuổi.

Sau đó, họ nhận được tin Maria “đang bốc cháy”. Vội vã trở về nhà, họ tận mắt chứng kiến một cảnh tượng khủng khiếp. Maria đang nằm trên sàn, toàn thân bỏng rát, thoi thóp thở. Cô nhanh chóng được đưa tới Viện Y khoa Pakistan ở Islamabad, cách nhà 50 km cấp cứu. Nhưng tất cả đã quá muộn, do bị bỏng tới 85% cơ thể, cô giáo xấu số đã qua đời vào ngày 1-6.

Kết quả khám nghiệm tử thi ban đầu cho thấy, nạn nhân đã bị một nhóm người khống chế, đánh đập, tra tấn rồi đổ xăng thiêu sống. Dì của nạn nhân Maria cho rằng mâu thuẫn nảy sinh khi hiệu trưởng trường học nơi Maria làm việc đề nghị cô cưới con của ông ta. Gia đình nhà hiệu trưởng kia đã gửi lời cầu hôn Maria 6 tháng trước. Họ hứa ngoài những món đồ hồi môn có giá trị, Maria sẽ được giữ vị trí là người điều hành ngôi trường sau khi đám cưới diễn ra.

Nhưng gia đình Maria nhận thấy con trai của ông hiệu trưởng này có tuổi đời đáng bậc cha chú Maria, anh ta lại từng có một đời vợ và một cô con gái. Một người đàn ông như thế này khó đảm bảo hạnh phúc cả đời cho Maria.

Sau những ngày suy nghĩ đắn đo, cuối cùng gia đình Maria quyết định từ chối lời cầu hôn. Theo lời gia đình Maria, có thể vì cay cú, vì thấy mất danh dự mà gia đình nhà hiệu trưởng đã tìm đến trả thù.

Hiện, cảnh sát bang Punjab cho biết họ đã bắt được 3 nghi phạm có liên quan đến vụ thiêu sống. Cha nạn nhân cho rằng hiệu trưởng trường học nơi Maria làm việc cũng là 1 trong số 4 kẻ tấn công. Cảnh sát bang Punjab đang nỗ lực điều tra vụ việc và sẽ nhanh chóng có thông báo chính thức.

Sát nhân vì danh dự

Sau khi vụ việc xảy ra, những người cao tuổi trong làng đã cố gây sức ép để bố nạn nhân giữ im lặng về vụ việc vì đây là vấn đề liên quan đến danh dự. Cả gia đình Maria đều bị dân làng gây áp lực để giải quyết vụ việc bên ngoài tòa án. Trong khi nghi án cô giáo Maria bị “trả thù” chưa được làm sáng tỏ, thì ngày 8-6, thành phố Lahore rùng mình trước vụ án mẹ đẻ tự tay thiêu sống con gái vì… tự ý lấy chồng.

Theo AP,  Parveen, mẹ của Zeenat Rafiq đã trói con gái vào chân giường, tưới dầu hỏa rồi châm lửa thiêu. Hàng xóm nghe thấy tiếng la hét chạy sang nhưng bị người nhà Rafiq chặn ngoài cửa.

Khi cảnh sát tới nơi họ phát hiện một thi thể cháy đen gần cầu thang và đã bắt giữ Parveen. Sheikh Hammad, một sĩ quan cảnh sát địa phương cho biết Parveen thừa nhận đã giết con gái với sự trợ giúp của con trai là Ahmar. “Tôi không hề hối hận”, Hammad thuật lại lời bà mẹ. Một cảnh sát khác cho biết thi thể có dấu hiệu bị đánh đập và ngạt thở.

Hassan Khan, chồng của nạn nhân cho biết, cả hai yêu nhau từ khi còn trên ghế nhà trường và anh đã nhiều lần ngỏ lời cầu hôn nhưng đều bị người nhà Rafiq từ chối. Cuối cùng, họ chạy trốn vào tháng trước để kết hôn.

Cũng theo Khan, bà Parveen và ông chú từng đến thăm Rafiq 3 ngày trước, thuyết phục Rafiq trở về tổ chức hôn lễ trước sự chứng giám của gia đình để không bị coi là kẻ chạy trốn. 

Mỗi năm có hàng trăm phụ nữ bị sát hại ở Pakistan. Thủ phạm thường là người nhà. Họ bị trừng phạt vì vi phạm nguyên tắc bảo thủ về tình yêu và hôn nhân ở quốc gia này. Nếu một người phụ nữ quan hệ tình dục mà không kết hôn, hoặc kết hôn mà không được gia đình chấp thuận, sẽ bị coi là vết nhơ danh dự và chỉ có thể loại bỏ vết nhơ đó bằng cách giết chết cô gái.

Trong thập niên 1970, Pakistan bắt đầu cho áp dụng Luật Hồi Giáo Sharia với quan niệm “Tha thứ và đền bù”. Theo luật Sharia, nạn nhân có thể tha thứ cho kẻ đã làm hại mình, đổi lại sẽ được đền bù bằng tiền. Nếu nạn nhân qua đời, gia đình nạn nhân có “quyền” tha thứ kẻ gây tội để nhận được tiền đền bù.

Quan niệm này của Luật Hồi Giáo Sharia đã khiến cho kẻ gây tội không bị trừng phạt, chính quyền không được can thiệp, mọi quyết định nằm trong tay gia đình nạn nhân. Khi kẻ gây tội (giết người) lại là người nhà nạn nhân thì người trong gia đình có thể “tha thứ” và mọi chuyện như không có gì xảy ra. 

Năm 2004, Tổng Thống Pakistan Pervez Musharraf ban hành đạo Luật Hình sự (bổ túc). Đạo luật này không những làm chặt chẽ thêm sự trừng phạt “kẻ sát nhân vì danh dự”, mà còn thêm án tử hình cho kẻ sát nhân. Tối cao Pháp viện Pakistan còn cho phép người phụ nữ Pakistan được lập gia đình không cần phải được bố mẹ cho phép. Nhưng trên thực tế 2 đạo luật này vẫn không sao lấp được lỗ hổng gây ra bởi Luật Hồi giáo Sharia: Tha thứ và đền bù.