Nhân viên y tế cho trẻ uống vaccine bại liệt ở Lahore, Pakistan |
Phát hiện những đợt bùng phát lẻ tẻ
Chiến dịch thanh toán bệnh bại liệt của Pakistan đang gặp khó khăn sau khi quốc gia Nam Á 240 triệu dân này báo cáo trường hợp nhiễm virus bại liệt thứ năm trong năm nay. Trong đó, 4 ca bại liệt đã xuất hiện ở tỉnh Balochistan, phía Tây Nam giáp Afghanistan, trong khi ca mới nhất được phát hiện ở tỉnh Sindh - miền Nam nước này, làm dấy lên lo ngại về tính khả thi của việc loại trừ bệnh bại liệt trong tương lai gần.
Cô Natalia Molodecky, nhân viên của GPEI tại trung tâm ứng phó khẩn cấp với bệnh bại liệt của Pakistan tại Islamabad cho biết, các phát hiện vừa qua đặc biệt đáng lo ngại vì nó cho thấy, virus đã được tái lập trong các ổ chứa lịch sử của Pakistan, từ đó lây lan diện rộng. Trong khi đó, ông Malik Mukhtar Bharath, điều phối viên về các dịch vụ y tế quốc gia trong chính phủ của Thủ tướng Shehbaz Sharif, cho biết: “Các ca bệnh năm nay là một lời nhắc nhở đáng chú ý rằng không có trẻ em nào có thể hoàn toàn an toàn cho đến khi Pakistan thành công trong việc loại trừ hoàn toàn bệnh bại liệt”.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh bại liệt, thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, có thể dẫn đến liệt hoặc thậm chí tử vong, vẫn còn lưu hành ở 2 quốc gia Afghanistan và Pakistan. Năm ngoái, Pakistan ghi nhận 6 trường hợp nhiễm virus này. Theo Sáng kiến Xóa bỏ Bệnh bại liệt Toàn cầu (GPEI), Pakistan đã tiến rất gần đến việc loại bỏ bệnh bại liệt sau khi chỉ phát hiện một trường hợp vào năm 2021. Nhưng tới nay, cả Pakistan và Afghanistan vẫn tiếp tục phát hiện những đợt bùng phát lẻ tẻ, đặc biệt là ở những vùng xa xôi với khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe bị gián đoạn. Các chuyên gia cảnh báo rằng, Pakistan có thể chứng kiến sự gia tăng đột biến số ca mắc bệnh bại liệt trong thời gian tới và nguy cơ tái bùng phát virus ở những khu vực có nguy cơ cao là có thật.
Nguyên nhân và cách thức hành động
Giới chuyên gia cho rằng, các ca nhiễm mới nổi ở Pakistan là do nhiều yếu tố. Tiến sĩ Hamid Jafari, Giám đốc về phòng ngừa bệnh bại liệt tại Khu vực Đông Địa Trung Hải của Tổ chức Y tế Thế giới nhận định:
“Pakistan và Afghanistan vẫn là môi trường rất phức tạp và đầy thách thức. Các nguyên nhân chính dẫn đến rủi ro bao gồm sự dịch chuyển dân số lớn, tình trạng mất an ninh ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận và chất lượng tiêm chủng ở các khu vực bị nhiễm bệnh, kết hợp với các cộng đồng có sự do dự đáng kể về vaccine và tỷ lệ tiêm chủng định kỳ thấp”.
Tiến sĩ Jafari cho biết: “Tất cả 5 trường hợp được báo cáo trong năm nay ở Pakistan đều có liên quan đến 2 cụm di truyền liên quan đến biến thể YB3A sau khi lây truyền xuyên biên giới Afghanistan”. Ông phân tích thêm, điều này một phần liên quan đến việc hồi hương của những người di cư Afghanistan, do đó đã phát hiện virus ở những khu vực không có bệnh bại liệt trong nhiều năm.
Cùng với đó, thiên tai bao gồm mưa xối xả, sóng nhiệt và lũ lụt tạo ra khiến người dân phải sơ tán, tỷ lệ tiêm phòng/ uống vaccine thấp trong khi hệ thống nước thải tạo điều kiện cho virus bại liệt xâm nhập vào các hồ chứa nước. “Thiếu nước uống sạch buộc người dân phải uống nước không hợp vệ sinh, càng làm gia tăng rủi ro”, Tiến sĩ Fareeha Irfan, bác sĩ y tế công cộng bang Punjab cho hay.
Đó là chưa kể, ở Pakistan, các chiến binh Hồi giáo và giáo sĩ theo đường lối cứng rắn thường đổ lỗi cho chương trình tiêm chủng là vỏ bọc của các điệp viên phương Tây cùng âm mưu “triệt sản trẻ em Hồi giáo”. Xu hướng do dự về vaccine nếu như trước kia chỉ giới hạn ở tầng lớp ít học trong xã hội thì hiện nay, ngay cả những gia đình có học thức cũng không muốn cho con mình dùng vaccine, đặc biệt là vaccine đường uống.
Các chuyên gia cho rằng, trong suốt năm 2024, cơ quan chức năng Pakistan cần khẩn trương và rà soát kỹ lưỡng những người di cư và tất cả trẻ em chưa được tiêm chủng. “Chúng ta phải đảm bảo những đứa trẻ này được tiêm phòng để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát và đảm bảo các hồ chứa, những trung tâm dân cư lớn không mắc bệnh bại liệt trong hơn 2 năm, nhằm ngăn chặn virus càng sớm càng tốt”, Tiến sĩ Hamid Jafari nói.
Mô hình phát hiện các ca bệnh cho thấy rõ ràng rằng dân cư sống ở các huyện giáp ranh đang góp phần vào sự tồn tại và lây lan của virus bại liệt. Ông Jafari nhấn mạnh: “Sự phối hợp và cộng tác chặt chẽ hơn dọc các khu vực biên giới của Afghanistan và Pakistan, được gọi là “hành lang virus”, là điều cần ưu tiên trong những tháng tới”.