Xử lý đường ngang giao cắt đường sắt: Địa phương không thể chờ Trung ương

ANTD.VN - Trong việc xử lý đường ngang dân sinh giao cắt với đường sắt các địa phương phải tích cực và chủ động, không thể cứ trông chờ vào nguồn ngân sách Trung ương.

Mở đầu cuộc họp trực tuyến về tình hình trật tự ATGT với các tỉnh, thành phố chiều 16-3, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết, hàng năm, việc sơ kết 3 tháng đầu năm về tình hình trật tự ATGT thường tổ chức vào cuối tháng 3, nhưng do tình hình TNGT trong quý I- 2017 diễn biến phức tạp nên phải tổ chức luôn vào giữa tháng 3 để cùng các địa phương bàn giải pháp kéo giảm TNGT trong những tháng tới.

Theo Phó Thủ tướng, trong quý I-2017, TNGT đã giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Tuy nhiên, tình hình trật tự ATGT còn diễn biến phức tạp, trong 2 tháng đầu năm và những ngày đầu tháng 3, đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, còn xảy ra một số vụ cháy xe ô tô kinh doanh vận tải, gây thiệt hại về tài sản, gây bức xúc trong dư luận. Tình trạng xe dù bến cóc tăng mạnh, gây bất bình đẳng trong hoạt động kinh doanh vận tải, tình trạng ùn tắc giao thông còn diễn biến phức tạp. 

Báo cáo từ Ủy ban ATGT quốc gia cho thấy, trong 2 tháng đầu năm 2017, cả nước đã xảy ra 3.465 vụ TNGT, làm chết 1.570 người, bị thương 2.660 người. So với cùng kỳ năm 2016, TNGT giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương.  Trong đó, phần lớn  là số vụ TNGT xảy ra trên đường bộ, chiếm tới 3.415 vụ.

Tại cuộc họp, nhiều địa phương lo lắng về những đường ngang dân sinh giao cắt với đường sắt. Đại diện UBND tỉnh Hà Nam thông tin, dù hệ thống đường ngang dân sinh là tồn tại lịch sử nhưng tỉnh không đủ “sức” để làm đường gom. “Mong Chính phủ cấp kinh phí để tỉnh Hà Nam làm đường gom. Hà Nam xin nhận làm thí điểm việc này”, lãnh đạo tỉnh Hà Nam kiến nghị.

Tuy nhiên, trả lời kiến nghị của các địa phương, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, trong việc xử lý đường ngang dân sinh giao cắt với đường sắt các địa phương phải tích cực và chủ động, không thể cứ trông chờ vào nguồn ngân sách Trung ương. “Nếu địa phương cứ tiếp tục chờ Trung ương thì không biết chừng nào mới xong và chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến những vụ  TNGT nghiêm trọng liên quan đến đường sắt và đường ngang giao cắt”, Phó Thủ tướng nói.

Liên quan đến việc Hà Nội và TP.HCM ra quân lập lại trật tự đô thị, “giành” lại vỉa hè cho người đi bộ, Phó Thủ tướng biểu dương Hà Nội đã có cách làm rất căn cơ và quyết liệt, đồng thời đề nghị Hà Nội tiếp tục phát huy. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, Hà Nội cũng như các thành phố lớn cần lưu ý, tiếp tục tổ chức giao thông đô thị tốt, tuyên truyền để người dân có ý thức giữ gìn trật tự đô thị vỉa hè, đặc biệt, không để tình trạng đua xe trái phép tái xuất.