"Xin" tiếp tục bán quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương

ANTD.VN - Vào cuối năm nay, cao tốc TP. HCM-Trung Lương theo hình thức BOT sẽ hết hạn bán quyền thu phí, tuy nhiên, Tổng Công ty Cửu Long kiến nghị Bộ GTVT cho phép tiếp tục được bán quyền thu phí thêm 1 năm.

Theo đó, hợp đồng mua bán quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM-Trung Lương có thời hạn 5 năm (từ ngày 1-1-2014 đến hết ngày 31-12-2018) cho Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh với giá 2.000 tỷ đồng.

Để đầu tư dự án đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc việc đầu tư đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận theo hình thức hợp đồng BOT và phương án Nhà nước hỗ trợ đầu tư bằng quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM-Trung Lương. Thời gian dự kiến ngay sau khi kết thúc hợp đồng bán quyền thu phí và nhà đầu tư đã hoàn thành dự án đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận theo hình thức hợp đồng BOT.

Đại diện nhà đầu tư muốn tiếp tục bán quyền thu phí đối với cao tốc TP. HCM- Trung Lương

Tuy nhiên, quá trình triển khai dự án kéo dài, đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận (giai đoạn 1) dự kiến hoàn thành vào quý 2-2020. Như vậy, phía Tổng công ty Cửu Long nhìn nhận, sẽ xuất hiện “khoảng trống” thời gian thu phí từ ngày 1-1-2019 đến 30-6-2020 và sau đó sẽ bàn giao cho nhà đầu tư của dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận tiếp nhận thu phí.

Để đảm bảo khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công một cách có hiệu quả, tuân thủ các quy định của pháp luật, Tổng công ty Cửu Long kiến nghị Bộ GTVT cho phép tiếp tục bán quyền thu phí dự án đường cao tốc TP.HCM-Trung Lương sau khi kết thúc hợp đồng bán quyền thu phí vào cuối năm nay.

Song song đó, Tổng công ty Cửu Long đề nghị Bộ GTVT giao Tổng công ty Cửu Long lập đề án bán quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM-Trung Lương, trình Bộ xem xét, trình cấp thẩm quyền chấp thuận.

Cụ thể, các bước triển khai đề án được thực hiện theo tiến trình bao gồm danh mục tài sản hạ tầng đường bộ đề nghị bán quyền thu phí; phương án bán quyền thu phí; thời hạn bán quyền thu phí; quản lý, sử dụng số tiền thu được từ bán quyền thu phí…

Sau đó, Bộ GTVT trình Bộ Tài chính xem xét, ban hành quyết định bán quyền thu phí đồng thời thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá để xác định giá khởi điểm bán đấu giá; đàm phán, thương thảo, ký kết hợp đồng vào cuối năm nay.

Cao tốc TP.HCM-Trung Lương dài 62km gồm 6 làn xe, được thiết kế với vận tốc 120 km/giờ, kinh phí xây dựng hơn 9.000 tỷ đồng.

Theo quyết định phê duyệt kết quả bán đấu giá quyền thu phí cao tốc TP.HCM-Trung Lương của Bộ GTVT, từ ngày 1-1-2014, Công ty Yên Khánh sẽ được thu phí tại 4 trạm trên tuyến đường là Chợ Đệm, Tân An, Bến Lức và Thân Cửu Nghĩa.

Trước đó, khi cao tốc TP.HCM-Trung Lương vừa hoàn thành, Công ty CP Phát triển đường cao tốc BIDV (BEDC) đã đàm phán mua quyền thu phí tuyến đường với giá hơn 9.100 tỷ đồng trong 25 năm. Tuy nhiên, do khó khăn trong vay vốn từ các tổ chức tín dụng nước ngoài và hiệu quả tài chính của dự án thấp nên cuối năm 2011 BEDC thông báo không mua.

Cao tốc TP. HCM-Trung Lương là cao tốc đầu tiên bán quyền thu phí cho tư nhân, và cũng là cao tốc duy nhất đến thời điểm này được bán quyền thu phí. Nhiều tuyến cao tốc như Nội Bài- Lào Cai, Hà Nội- Hải Phòng... cũng đã có nhà đầu tư "thăm dò" mua lại quyền thu phí,  trong đó có cả nhà đầu tư nước ngoài. Song, hầu hết các nhà đầu tư đều lo ngại về cơ chế hoàn vốn.