Xe ô tô Nhật, Mỹ khó giảm giá mạnh

ANTĐ - Mặc dù lộ trình và mức thuế ưu đãi trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) còn là “ẩn số”, song nhiều ý kiến cho rằng giá xe ô tô nhập khẩu từ Mỹ, Nhật vào Việt Nam chưa chắc đã giảm khi TPP có hiệu lực.

Xe ô tô Nhật, Mỹ khó giảm giá mạnh ảnh 1Giá xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc khó giảm

Không giảm được nhiều

Dự báo về xu hướng giảm thuế nhập khẩu, đại diện một doanh nghiệp sản xuất ô tô tại Việt Nam cho rằng, đối với dòng xe dung tích từ 3.0 trở lên, thuế nhập khẩu nhiều khả năng không giảm, vì đây không phải là dòng xe được ưu tiên. Xe dung tích xi lanh lớn được coi là chưa phù hợp với hạ tầng giao thông tại Việt Nam, sử dụng nhiều nhiên liệu nên không được khuyến khích. Xe dung tích từ 2.0-3.0 thuế nhập khẩu sẽ giảm nhẹ và dòng xe dung tích nhỏ hơn có mức giảm thuế sâu hơn. “Mức giảm thuế sẽ căn cứ vào dòng xe nào được chọn là xe ưu tiên” - đại diện doanh nghiệp nói.

Theo nhận định của Công ty cổ phần Chứng khoán ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC), ô tô sẽ là ngành được hưởng lợi khi Việt Nam tham gia TPP. Kim ngạch nhập khẩu ô tô từ Nhật và Mỹ chiếm khoảng 13% tổng kim ngạch nhập khẩu ô tô của Việt Nam. Năm 2014, lượng xe nhập khẩu từ 2 thị trường này có tốc độ tăng trưởng mạnh, lần lượt là 140% từ Mỹ và 90% từ Nhật. Các dòng xe nhập khẩu từ Nhật, Mỹ như: Toyota, Honda, Ford hiện chiếm khoảng 45% thị trường tiêu thụ. 

Dưới góc độ thị trường, đại diện một doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối ô tô tại Hà Nội cho biết, tùy từng năm mà dòng xe ô tô nào bán chạy trên thị trường. Gần đây, dòng xe hạng sang và xe pick-up (bán tải) tiêu thụ tốt, nhưng chủ yếu dung tích xi lanh từ 2.5 trở lên. Do đó, nếu căn cứ vào dòng xe ưu tiên để dự báo mức giảm của thuế nhập khẩu, thì giá các loại xe đang bán chạy như hiện nay không giảm được bao nhiêu. “Thêm nữa, xe nhập khẩu từ Mỹ chủ yếu là xe hạng sang, mà theo phương án điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt vừa được Chính phủ trình Quốc hội thì thuế tiêu thụ các dòng xe này tăng mạnh.

Đối với xe nhập khẩu từ Nhật như Honda, Toyota, Mazda đều có nhà máy sản xuất tại Việt Nam nên thuế nhập khẩu cũng khó có thể giảm mạnh, vì xe nhập nguyên chiếc từ thị trường này nếu thấp hơn quá nhiều so với xe lắp ráp tại Việt Nam, sẽ khiến sản xuất trong nước không thể phát triển” - đại diện doanh nghiệp nhập khẩu dự báo. 

Sản xuất phụ tùngô tô sẽ chuyển về Việt Nam

Tại buổi cung cấp thông tin về TPP, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, có khả năng sản xuất phụ tùng ô tô sẽ dịch chuyển từ các nước khác vào các nước TPP. “Không loại trừ các nhà đầu tư này cũng chuyển vào sản xuất tại Việt Nam. Nhưng thực tế thế nào còn phụ thuộc vào lộ trình và mức giảm thuế” - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói. Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng dự báo, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc cũng sẽ giảm nhưng sẽ có lộ trình và tùy thuộc vào dung tích xi lanh. 

Bình luận về dự báo trên, đại diện doanh nghiệp sản xuất cho rằng, doanh nghiệp là người tạo ra xu hướng, nhưng hiện nay xu hướng này chưa rõ. Giả sử nhà đầu tư nước ngoài muốn tận dụng nguồn lao động giá rẻ tại Việt Nam thì họ sẽ phải cân nhắc về hạn chế lao động chưa được đào tạo, tay nghề thấp. Thêm nữa là phải đầu tư nhà xưởng, máy móc mới để sản xuất, trong khi họ vẫn có nhà xưởng ở nơi khác. TPP sẽ có tác động đến ngành ô tô tại Việt Nam nhưng tôi chưa thấy những ảnh hưởng lớn”. 

Chính phủ vừa chốt phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với các dòng xe ôtô nhập khẩu để trình Quốc hội. Theo đó, từ ngày 1-7-2016, dòng xe có công suất lớn sẽ tăng mạnh thuế TTĐB. Cụ thể, xe ôtô có dung tích xi lanh trên 3.0 đến 4.0 sẽ tăng thuế TTĐB từ 60% lên 90%.

Xe có dung tích xi lanh trên 4.0 đến 5.0 tăng thuế từ 60% lên 110%. Xe có dung tích xi lanh trên 5.0 đến 6.0 tăng thuế từ 60% lên 130%. Với xe trên 6.0 sẽ tăng tới 2,5 lần mức thuế hiện hành từ 60% lên 150%. Đối với dòng xe ưu tiên có dung tích xi lanh dưới 2.0, thuế TTĐT sẽ giảm từ 5-25%.