Vận tải khách Hà Nội- Hải Phòng:

Xe nhiều khách ít, nhà xe “choảng nhau“

ANTĐ - Hệ số sử dụng ghế trên các chuyến xe khách chạy Hà Nội- Hải Phòng chỉ đạt 42%. Trong khi có đến 16 doanh nghiệp với 225 phương tiện, chạy 375 chuyến xe/ngày đêm trên tuyến này đã dẫn tới hiện tượng “bảo kê”, tranh giành khách không lành mạnh.

Nhân viên bế xe, Sở GTVT cũng bị "dọa"

Tại cuộc họp giữa Bộ GTVT và các đơn vị cơ quan liên quan về hoạt động vận tải tuyến Hà Nội-Hải Phòng vào chiều 6-5-2015, ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Giám đốc Sở GTVT Hải Phòng cho biết, số lượng doanh nghiệp (DN) tham gia tuyến Hải Phòng-Hà Nội là 16 đơn vị với 225 xe. Trong đó, Hải phòng có 10 đơn vị với 191 xe; Hà Nội có 6 đơn vị với 34 xe. Biểu đồ tần suất hoạt động 375 chuyến/ngày đêm/16 tuyến với 10 phút chuyến. Tỷ lệ xe trung bình chạy tuyến là 89%. Sản lượng 7.800 hành khách tương ứng hệ số 42%.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội đánh giá, với tần suất hoạt động như vậy là quá đông, gấp đôi tần suất hoạt động của một tuyến xe buýt nội đô Hà Nội.

Đánh giá về tình hình hoạt động của DN và đội ngũ lái xe, ông Thọ cho rằng, các đơn vị vận tải hiện vẫn còn tình trạng chưa chấp hành điều kiện kinh doanh, vi phạm đăng ký, niêm yết chạy sai hành trình, xe xuất bến cố tình dừng đỗ lâu ở bến Gia Lâm, Lương Yên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, phóng nhanh vượt ẩu, chèn ép khách, tắt thiết bị hộp đen, cạnh tranh bằng cách dùng “cò mồi” kèo chéo hoặc “bắt chẹt” hành khách…

Vận tải khách tuyến Hà Nội- Hải Phòng từ lâu đã rất nhức nhối

Ông Thọ thừa nhận hiện tượng gây mất trật tự qua phản ánh của đơn vị vận tải là có, thậm chí có trường hợp đối tượng nhắn tin, đe dọa và yêu cầu một số xe đang lưu thông trên đường phải chạy chậm lại để xe khác chạy lên trên nhằm chèn ép và bắt khách, đặc biệt có hành vi gây thương tích cho lái xe.

Là đơn vị quản lý hoạt động xe trong bến, đại diện Bến xe Lương Yên cho biết, tuyến Hải Phòng có 96 xe xuất bến ngày. Trước đây, có 1 số đối tượng nhận là nhân viên điều hành của doanh nghiệp vận tải nhưng lại “núp bóng” đối tượng “cò mồi” câu kéo khách, thậm chí hành hung nhân viên của bến xe.

“Xe đến giờ xuất bến vẫn cố tình đi chậm. Lái phụ xe tuyến Hải Phòng manh động đến mức đánh cả Phó Giám đốc bến xe Lương Yên. Hiện một số bảo vệ, nhân  viên của bến có tâm lý e ngại các nhà xe chạy tuyến Hà Nội- Hải Phòng”, đại diện Bến xe Lương Yên tiết lộ.

Thượng tá Lê Hồng Thắng, Trưởng phòng CSHS, Công an TP Hải Phòng cho biết, ngay 1 cán bộ của Sở GTVT Hải Phòng cũng đã 5 lần bị đe dọa. Và tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN vận tải đã diễn ra trên nhiều tuyến quốc lộ. Như trên địa bàn TP Hải Phòng ở QL10 còn phức tạp hơn QL5. “QL10 còn có dấu hiệu dữ dội hơn. Hành khách bị bắt ép dừng đỗ vào mua đồ, nếu không mua sẽ bị hành hung, chửi bới. Hay các nhà xe đánh, chém nhau gây thương tích… Chúng tôi phải lập hai chuyên án, bắt và khởi tố một số đối tượng thì tình hình mới yên".

Dẹp "bảo kê" trong 1 tháng?

Đại tá Lưu Thanh Hiệp, Phó Trưởng phòng 9, Cục CSGT Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho rằng, quản lý Nhà nước về ATGT còn lỏng lẻo trong khi Quốc lộ 5 chỉ có 1-2 tổ tuần tra của Cục dọc tuyến đường.

Hơn nữa, tình trạng “bảo kê”, tranh giành khách không lành mạnh giữa các DN vận tải diễn ra trên nhiều tuyến quốc lộ của cả nước.

Đồng tình quan điểm này, theo Phó Chánh Thanh tra Bộ GTVT Trần Văn Trường, một số doanh nghiệp có đầy đủ giấy tờ kinh doanh vận tải nhưng lại khoán trắng cho lái xe, buông lỏng quản lý, kiểm tra giám sát hoạt động của phương tiện và lái xe.

Ngay tại cuộc họp, ông Lại Anh Dũng, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Bến xe Hải Phòng cho biết, việc các xe khách sau khi xuất bến chạy “lờ đờ” để bắt khách trách nhiệm chính thuộc về lực lượng thanh tra GTVT. Bến xe không thể quản lý được.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho rằng, nếu như vậy thì bến xe chỉ việc thu tiền của các doanh nghiệp vận tải mà không làm gì. “Chỉ cấp phép rồi thu tiền, không biết DN hoạt động ra sao, đi đứng như thế nào thì đơn giản quá”, ông Trường bày tỏ.

Để chấm dứt tình trạng “bảo kê”, tranh giành khách trên tuyến Hà Nội- Hải Phòng, ông Trường yêu cầu trong tháng 5 Sở GTVT Hà Nội và Hải Phòng thanh tra một số DN vận tải nằm trong “danh sách đen” mà lực lượng Công an đã rà soát.

“Trong 1 tháng làm thế nào phải giải quyết tình trạng “bảo kê”, cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN vận tải trên tuyến Hà Nội- Hải Phòng. Nếu phát hiện có thể chuyển sang xử lý hình sự”, ông Trường đề nghị.

Công an Hà Nội mạnh tay với cò mồi xe khách
Tại cuộc họp, Đại tá Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc CATP Hà Nội cho biết, từ năm 2012 Công an Hà Nội đã thành lập lực lượng 142 để tập trung đấu tranh phòng chống tội phạm trên các tuyến xe khách, bến xe và trên xe buýt. Lực lượng 142 luôn có mặt tại các bến xe khách liên tỉnh mới mục tiêu quét sạch “cò mồi”. Từ đầu năm 2015 đến nay, các tổ công tác 142 CATP Hà Nội đã xử lý 104 vụ việc, 443 đối tượng cò mồi.

“Qua những vụ việc như thế này mang lại tính răn đe cao, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại các bến xe. Ngoài ra, Công an Hà Nội còn phối hợp với bến xe, ký cam kết với các doanh nghiệp vận tải không sử dụng “cò mồi” để lôi kéo khách”, Đại tá Đào Thanh Hải cho hay. Theo đó, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, cò mồi chèo kéo khách tại các bến xe trên địa bàn Hà Nội đã giảm rõ rệt.

Bên cạnh việc đảm bảo trật tự, an toàn giao thông tại các bến xe khách, riêng trên tuyến Quốc lộ 5  đoạn qua Hà Nội, CATP đã phối hợp với bến xe, Sở GTVT đảm bảo trật tự, tập trung tuần tra kiểm soát, mật phục để xử lý các đối tượng cò mồi cạnh tranh không lành mạnh.