Xe hợp đồng dưới 9 chỗ trước nguy cơ bị tước quyền ứng dụng công nghệ

ANTD.VN - Trong khi luật pháp không cấm việc kinh doanh hộ cá thể thì Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/NĐ-CP của Bộ GTVT vừa trình Chính phủ mới đây có điều khoản có thể gây cản trở hoạt động của nhóm đối tượng này. 

Nguy cơ trái luật

Cụ thể, tại lần trình Dự thảo Nghị định lần thứ 6 vào ngày 5-10 vừa qua, Bộ GTVT đã đưa ra quy định, tất cả những xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi trở xuống sẽ không được sử dụng hợp đồng điện tử. Nếu muốn ứng dụng công nghệ thì buộc loại hình xe này phải chuyển qua hoạt động taxi, hoặc phải sử dụng hợp đồng bằng giấy.

Như vậy, vô hình trung, nếu quy định này được thông qua sẽ là một rào cản đối với các doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh, nhất là các hộ kinh doanh cá thể, bởi theo quy định, chỉ có các hợp tác xã, doanh nghiệp mới được kinh doanh vận tải bằng khách bằng taxi. Nếu muốn tiếp tục được hoạt động, hộ kinh doanh cá thể này sẽ buộc phải đi ngược lại xu thế thời đại, quay về thời điểm hợp đồng giấy, ký tá giao kèo trực tiếp, thủ công.

Xe hợp đồng dưới 9 chỗ có nguy cơ bị tước quyền ứng dụng công nghệ trong hoạt động

Ông Đặng Quang Vinh, Phó trưởng Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương phân tích, Dự thảo Nghị đinh thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP đề xuất một sự thay đổi chính sách rất lớn. Đó là không cho phép xe hợp đồng dưới 9 chỗ tiếp tục được kết nối với hành khách thông qua các phần mềm gọi xe (như FastGo, T.Net, Grab, Vato…) và buộc xe hợp đồng phải chuyển đổi sang loại hình taxi (nếu muốn áp dụng phần mềm).

Phương án do Bộ GTVT đề xuất mang lại lợi ích rất nhỏ so với những chi phí, tác động tiêu cực mà đề xuất này gây ra cho tất cả các bên. “Nếu thông qua Nghị định này sẽ có nguy cơ trái Luật Giao thông đường bộ, Luật Giao dịch điện tử”- ông Đặng Quang Vinh cho hay.

Nên đặt quyền lợi người dân ở trung tâm

Theo một số chuyên gia, hiện nay, không một quốc gia nào trên thế giới đưa ra giải pháp bắt buộc xe hợp đồng đã được cấp phép hoạt động chuyên nghiệp phải chuyển đổi sang loại hình taxi, chỉ vì doanh nghiệp muốn ứng dụng công nghệ.

Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải đang kinh doanh vận tải theo hợp đồng bằng xe dưới 9 chỗ, nếu chuyển đổi, sẽ phải chịu chi phí chuyển đổi phù hiệu xe hợp đồng thành xe taxi và chi phí lắp đèn, mào taxi…

Nếu lựa chọn giữ nguyên loại hình xe hợp đồng không dùng phần mềm đặt xe, các đơn vị này sẽ bị tước quyền ứng dụng công nghệ và do đó, buộc phải quay lại sử dụng phương thức giao dịch truyền thống (hợp đồng giấy). Người tiêu dùng sẽ bị mất đi một sự lựa chọn đặt xe và di chuyển bằng xe hợp đồng và phần mềm trên điện thoại thông minh.

“Khi xem xét Dự thảo Nghị định này, Chính phủ nên đứng từ nhiều góc độ để hiểu rõ tác động tiềm tàng của quy định, trong đó, phải đặt quyền lợi của người tiêu dùng làm trung tâm. Cần có các giải pháp tổng thể, cơ bản và lâu dài cho các mô hình kinh doanh mới, dựa trên công nghệ, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại”- ông Đặng Quang Vinh nêu quan điểm.

Cũng theo ông  Đặng Quang Vinh, với quy định này, các hãng taxi truyền thống là đối tượng được lợi nhất vì áp lực cạnh tranh giảm đi, Bộ GTVT cũng giảm áp lực kiện cáo từ các hãng taxi truyền thống trong khi thiệt thòi nhất là người tiêu dùng. Theo ý kiến chuyên gia này, giải pháp căn cơ là cần sửa Luật Giao thông đường bộ 2008 theo hướng không quản lý theo hình thức kinh doanh với những đặc điểm nhận dạng cảm quan, tập trung quản lý các rủi ro về an toàn và phúc lợi người tiêu dùng trên nền tảng công nghệ hiện đại.