Xây dựng điều kiện kinh doanh vận tải tắc từ tư duy tới giải pháp

ANTD.VN - Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh vận tải đã được Bộ GTVT trình Chính phủ lần thứ 4. Tuy nhiên, khả năng rất cao là Bộ GTVT sẽ tiếp tục phải soạn thảo lại và trình lần thứ 5.

Cắt 1 nhưng thêm 3 điều kiện khác

Nhìn nhận về bản Dự thảo Nghị định trình Chính phủ lần thứ 4 vừa qua của Bộ GTVT, nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực cho rằng, Dự thảo Nghị định cắt bỏ được 1  điều kiện kinh doanh thì lại thêm vào “N” điều kiện kinh doanh khác để trói doanh nghiệp, chứ không phải mở.

Đặc biệt, dù đã là Dự thảo Nghị định trình Chính phủ nhưng những định nghĩa, khái niệm và quy định đưa ra khá lập lờ, khó hiểu, thậm chí là không rõ ràng khiến những đối tượng sẽ chịu tác động của Nghị định hoang mang.

Theo các chuyên gia, sở dĩ có tình trạng này là bởi, trong toàn bộ quá trình xây dựng Dự thảo Nghị định, đơn vị chắp bút vẫn bị tắc từ tư duy, loay hoay với các loại hình vận tải mới, không biết định danh ra sao, xếp vào mục nào để quản lý cho rõ ràng. Điều này thể hiện ngay từ định nghĩa của Dự thảo Nghị định, Bộ GTVT đã đưa luôn điều kiện kinh doanh vào.

Bộ GTVT đang khá lúng túng trong việc xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 về kinh doanh vận tải

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico cho rằng, Dự thảo Nghị định “cắt một nhưng thêm 3, thậm chí thêm 5 điều kiện khác”. Có những điều kiện tưởng được cắt bỏ, nhưng thực chất lại thêm vào ở chỗ khác với nội dung na ná.

“Nguy hiểm nhất là những điều kiện mà Dự thảo Nghị định đưa ra sẽ ngăn cản sự phát triển, ngăn cản sự tiến bộ, ngăn cản hội nhập công nghệ. Chính phủ yêu cầu công nghệ 4.0 nhưng nhìn vào Dự thảo Nghị định vừa trình Chính phủ lần thứ 4 vừa qua thì mới chỉ dừng lại ở hô hào, khẩu hiệu mà chưa đi vào thực tế

Tôi cho rằng Dự thảo Nghị định này đang đi ngược lại mong muốn, yêu cầu của Chính phủ về cải cách hành chính, về điều kiện kinh doanh. Thậm chí, đi ngược lại mong muốn, mục tiêu của Bộ GTVT đề ra", luật sư Đức bày tỏ.

Soạn đi soạn lại chưa đạt yêu cầu

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban cải cách môi trường kinh doanh, Viên Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra, tổng số điều kiện kinh doanh cắt bỏ của Dự thảo Nghị định là 12 điều kiện kinh doanh, nhưng có tới 19 trang là điều kiện kinh doanh bổ sung.

“Tôi đánh giá trong tổng số điều kiện kinh doanh bổ sung gồm 85 điều kiện, trong tổng số 85 điều kiện này thì có 64 điều kiện kinh doanh được bổ sung thêm vào; có 21 điều kiện kinh doanh được quy định theo quy định của Bộ trưởng Bộ GTVT, mà theo quy định của Bộ trưởng Bộ GTVT thì không biết là quy định này còn “đùm” với điều kiện "con cháu" khác nữa không?”, bà Thảo đánh giá.

Cũng theo bà Thảo, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã có báo cáo gửi Chính phủ đóng góp ý kiến liên quan tới Dự thảo Nghị định. Cụ thể như, trong Chương 1 của Dự thảo thì CIEM kiến nghị sửa đổi cả 3; Chương 2 là quy định vận tải bằng xe ô tô có 9 điều thì chúng tôi kiến nghị sửa đổi 8 điều. Chương 4 về quy định hợp đồng vận tải có 2 điều thì chúng tôi kiến nghị sửa cả 2 điều. Chương 5 về cấp giấy phép kinh doanh có 8 điều chúng tôi kiến nghị sửa đổi 5 điều….”, bà Thảo thông tin.

Còn theo Luật sư Trương Thanh Đức, những bất cập hiện nay không chỉ nằm ở Dự thảo Nghị định thay thế mà đã mang tính hệ thống.

“Trong khi Luật Giao thông đường bộ 2008 vẫn giữ nguyên, thì 3 Nghị định hướng dẫn trước đây và sắp tới là Nghị định thay thế này có nội dung quá khác nhau. Chưa kể một loạt Thông tư hướng dẫn khác nhau lại tiếp tục quy định các nội dung khác nhau. Vì khác nhau như vậy, nên nếu có cái đúng, chắc chắn sẽ tồn tại những nội dung chưa đúng với tinh thần Luật Giao thông đường bộ” - luật sư Đức phân tích.

Đặc biệt, Nghị định 86/2014/NĐ-CP đã tạo ra một số quy định bất hợp lý, gây khó khăn, làm đội chi phí, tăng giá thành vận chuyển, như cấp phép vận tải nội bộ, quy mô kinh doanh (số lượng xe)… “Có thể nói, một số quy định trước đây phần nào đã góp phần bóp méo Luật Giao thông đường bộ 2008”, ông Đức nhìn nhận.

Đánh giá về bản Dự thảo Nghị định lần này, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, những nội dung thay đổi chưa phải đổi mới, càng không phải đột phá, mà mới chỉ là sửa chữa những điểm nhầm lẫn, vô lý, cản trở phát triển.

Vì vậy, Dự thảo này đã chuẩn bị nhiều lần mà vẫn không đạt yêu cầu. Điều này cho thấy, chúng ta đang bị “tắc”, ở đây có thể coi là “tắc tư duy” hay “tắc giải pháp”, cần phải có một sự thay đổi đồng bộ, chứ không thể sửa chữa chắp vá mãi được.