Vụ lái xe đâm xuống sông Hồng: Những nguyên nhân gây mất lái và cách xử trí

ANTD.VN - Thông tin về vụ chiếc xe ô tô Mercedes mất lái trên cầu Chương Dương đâm xuống sông Hồng hôm 3-11 khi vừa được đăng tải đã ngay lập tức thu hút sự chú ý của dư luận. Để tránh gặp phải tình huống đáng tiếc tương tự, bạn hãy ghi nhớ kỹ những lưu ý dưới đây.

Như Báo ANTĐ điện tử đã đưa tin, khoảng 19h30 tối 3-11, chiếc xe ô tô Mercedes - GLC 300 đang lưu thông trên cầu Chương Dương, hướng từ quận Long Biên vào nội thành Hà Nội bỗng mất lái đâm va rất mạnh làm bật tung lan can cầu và lao xuống sông Hồng.

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Giám đốc CATP Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị Cảnh sát giao thông, Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô và các đơn vị chức năng khác, cùng Công an các quận Long Biên, Hoàn Kiếm tập trung tìm kiếm cứu nạn chiếc xe ô tô và những người ở trong xe.

Trao đổi với PV báo ANTĐ sáng 4-11, Trung tá Tô Anh Dũng, Trưởng CAQ Long Biên cho biết, sau 5 giờ tích cực tìm kiếm, lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã phát hiện chiếc xe ô tô gặp nạn trôi vào khu vực chân cầu Chương Dương, cách vị trí được xác định rơi 20 mét và áp dụng kỹ thuật công nghệ cao để làm nổi chiếc xe, đồng thời dùng ca nô lai dắt về khu vực bến thuộc địa bàn phường Bồ Đề, quận Long Biên để trục vớt.

Chiếc xe ô tô gặp nạn được lực lượng cứu nạn trục vớt lên bờ

Đến 1h30 sáng 4-11, công việc trục vớt chiếc xe gặp nạn đã được hoàn tất. Lực lượng cứu hộ đã phải dùng máy móc công nghiệp để cắt thân xe, đưa hai nạn nhân là nữ giới, đã tử vong ra khỏi xe.

Chiều tối 4-11, Công an quận Long Biên (Hà Nội) cho biết, đã xác định được danh tính 2 nữ nạn nhân.

Danh tính nạn nhân thứ 2 của vụ tai nạn là B.K.C. 21 tuổi, trú tại Hoàng Đạo Thành, Kim Giang, Thanh Xuân, Hà Nội.

Trước đó, Công an quận Long Biên phối hợp với phòng CSGT Công an TP Hà Nội xác minh biển số xe, số khung, số máy chiếc xe trên mang tên N.T.T.H. (SN1989, địa chỉ Trần Đăng Ninh, Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội).

Kiểm tra chiếc xe ô tô, phát hiện có 1 đăng ký xe ô tô, 1 giấy phép lái xe, 1 đăng kiểm, 1 bảo hiểm mang tên N.T.T.H., ở địa chỉ trên và 1 giấy CMND mang tên Trịnh Văn Thứ, SN 1976, HKTT Hòa Nam, Ứng Hòa, Hà Nội.

Công an quận Long Biên đã phối hợp Viện KSND quận tiến hành khám nghiệm hiện trường và đưa thi thể của 2 nạn nhân về nhà xác Bệnh viện Đức Giang.

Theo lực lượng chức năng, nạn nhân thứ 2 là chị B.K.C là sinh viên vừa tốt nghiệp đại học được vài tháng, đang làm kinh doanh bất động sản cho một công ty.

Hiện tượng xe mất lái do rất nhiều nguyên nhân gây ra và hậu quả của nó thường rất nghiêm trọng, thương tâm.

Những nguyên nhân khiến xe mất lái

“Mất lái” dùng để diễn tả hiện tượng người điều khiển phương tiện mất kiểm soát chiếc xe. Trong hầu hết các trường hợp, sự việc diễn ra rất bất ngờ và nhanh đến mức người điều khiển phương tiện hầu như không kịp phản ứng. Nhiều khi tai nạn xảy ra rồi vẫn không biết vì sao lại bị như vậy.

Mất lái có thể do nhiều nguyên nhân, gồm khách quan và chủ quan

Thực tế, nguyên nhân tai nạn có rất nhiều, từ khách quan, chủ quan. Một là lỗi kỹ thuật của xe (nổ lốp, một chi tiết nào đó trong hệ thống lái hoặc các bộ phận liên quan bị hỏng hóc, kẹt cứng, hệ thống bánh xe chưa được cân chỉnh chính xác...); Hai là lỗi điều khiển xe của người lái (không làm chủ tốc độ, không làm chủ được chân ga, chân phanh, vào cua ở tốc độ cao, đi trên những đoạn đường trơn trượt...).

Nhiều trường hợp, khi xe chạy thẳng trên đường nhưng vị trí vô lăng không cân và thẳng với hướng xe chạy, khiến người điều khiển phương tiện phải thường xuyên phải ghì tay lái và giữ vô lăng bằng hai tay để xe chạy theo hướng thẳng. Điều này đặc biệt không tốt nếu bạn là người kinh doanh vận tải mà công việc thường phải chạy xe đường dài liên tục ngày này qua ngày khác. Những sự căng thẳng và mệt mỏi không cần thiết làm cho nghề lái xe đường dài trở thành một nghề rất khó khăn nặng nhọc và căng thẳng.

Trong một số trường hợp chúng ta có thể nhìn thấy bằng mắt thường những xe (nhất là xe buýt và xe tải) đi thẳng nhưng đầu xe và đuôi xe không thẳng hướng với nhau. Hiện tượng này được gọi là “vẹo cầu”. Hoặc có những xe chỉ đi một chuyến đường dài là phải thay nguyên một dàn lốp và càng chạy đường càng nhẵn càng ăn lốp nhanh. Tất cả các lỗi trên là những lỗi kỹ thuật liên quan đến “góc đặt bánh xe”, hay gọi nôm na là "độ chụm bánh xe".

Việc xảy ra sai lệch về “góc đặt bánh xe” vốn diễn ra rất từ từ và không gây hậu quả ngay lập tức. Chính vì vậy mà nó rất nguy hiểm vì làm cho người lái xe quen dần ovới sự sai lệch về kỹ thuật và tự bỏ công sức để “bù trừ” hiện tượng sai lệch của phương tiện giao thông bằng cách thường xuyên phải ghì một lực vào tay lái để cho chiếc xe đi thẳng.

Nhưng trong thực tế sử dụng, đa số chúng ta chưa quan tâm đúng mức đến khía cạnh kỹ thuật này mà thường chỉ quan tâm đến thiết bị phanh hãm, đèn, còi… Ngay cả các trạm đăng kiểm cũng chỉ đo độ trượt ngang tổng của cả hai bánh xe trước, nếu độ chụm bên phải dương 5 mm và bên trái âm 5 mm thì khi xe chạy thông qua thước lái sẽ chia đều cho hai bên. Kết quả là độ chụm tổng vẫn = 0 (khi xe qua đĩa kiểm tra trượt ngang máy cũng không phát hiện ra lỗi).

Sở dĩ có thực tế trên là bởi việc kiểm tra và hiệu chỉnh “góc đặt bánh xe” là một lĩnh vực kỹ thuật mới và đòi hỏi máy móc kỹ thuật hiện đại và độ chính xác cao (đầu tư lớn) mới có thể đáp ứng được yêu cầu này.

Cách phòng tránh và hạn chế trường hợp xe mất lái

Nên bảo dưỡng xe thường xuyên để tránh các lỗi kỹ thuật gây ra tai nạn

Để hạn chế hỏng hóc trên xe có thể dẫn tới mất lái, bạn nên bảo dưỡng định kỳ hệ thống lái và các chi tiết liên quan như: vô lăng, rô-tuyn lái, vòng bi, gioăng cao su, luôn kiểm tra áp suất lốp, căn chỉnh góc đặt bánh xe...

Khi lái xe, không phóng nhanh, vượt ẩu, đi đúng tốc độ, giữ khoảng cách an toàn với các xe lưu thông trên đường. Khi đi qua những địa hình trơn trượt, mưa ướt, phải giảm tốc độ, ít nhất 10% so với tốc độ ngày nắng trên đường thẳng; giảm 20% nếu ôm cua. Không nên phanh gấp, kéo phanh tay khi xe bị trượt bánh, tăng khoảng cách an toàn với xe phía trước.

Tại những đoạn vào cua, bạn áp dụng cách chém cua hết mức có thể để giảm góc cua. Khi đi đường đồi núi có nhiều khúc cua tay áo thì phải lái xe áp vào bên núi, giảm tốc khi vào cua có bề mặt đường nghiêng về phía ta-luy âm (phía bên vực).

Xử lý thế nào khi xe mất lái?

Khi xe chỉ mới mất trợ lực lái, người điều khiển xe cần giữ chặt vô-lăng bằng hai tay để duy trì quyền kiểm soát.

Tài xế vẫn có thể đánh lái nhưng nặng hơn. Phanh gấp hoặc xe chạy tốc độ quá chậm sẽ khiến việc lái bằng tay trở nên khó hơn.

Người điều khiển xe cần bình tĩnh để giảm tốc từ từ. Đồng thời, bật đèn cảnh báo nguy hiểm hoặc đèn xin vượt và cẩn trọng đưa xe vào khu vực có thể đỗ an toàn.

Trưởng hợp xe bị mất lái, tài xế sẽ không có nhiều sự lựa chọn. Điều quan trọng lúc này là giữ bình tĩnh, suy nghĩ rõ ràng, phản ứng dứt khoát để giảm tối đa thương vong và tổn thất. Nếu mặt đường phía trước khô, vắng xe, phanh gấp để dừng xe ngay lập tức.

Nhưng nếu mặt đường ướt hoặc có tuyết, cần rà phanh, tránh phanh gấp để duy trì kiểm soát hướng di chuyển. Bởi khi bánh bị khóa cứng, lực bám ngang không còn, xe sẽ bị văng đi. Về số thấp phanh bằng động cơ.

Nếu đường nhiều xe hoặc là đường cao tốc, việc đầu tiên cần làm là phát tín hiệu cảnh báo bằng đèn, còi để những người tham gia giao thông khác biết. Xe chạy trong đêm, cần bật đèn cảnh báo sự cố, nháy đèn pha - cốt liên tục để gây sự chú ý. Giảm tốc chậm để các xe khác có đủ thời gian phản ứng.

Phối hợp việc nhấp nhả phanh chân, phanh tay, về số để tìm quyền kiểm soát xe. Chuẩn bị tâm thế có một cú va chạm. Nếu khoảng cách với các xe phía sau đã giãn ra, phương án đạp phanh gấp cũng nên được tính tới.