Vì sao ít thương vụ M&A trong lĩnh vực giao thông?

ANTD.VN - TS Nguyễn Anh Tuấn- Cố vấn cao cấp của diễn đàn M&A cho rằng, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) trong lĩnh vực hạ tầng có nhiều rủi ro, chưa hấp dẫn nhà đầu tư ngoại.

Các dự án hạ tầng giao thông chưa hấp dẫn nhà đầu tư ngoại

Trả lời báo chí tại cuộc họp báo về Diễn đàn M&A 2019 với chủ đề “Thay đổi để bứt phá”, TS Nguyễn Anh Tuấn cho hay, các dự án hạ tầng, nhất là dự án giao thông vận tải như: dự án đường cao tốc Bắc- Nam hiện đang ít thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư ngoại.

“Nguyên nhân bởi các dự án trong lĩnh vực này thường có thời gian thu hồi vốn lâu và hay gặp rủi ro về chính sách. Luật pháp của các nước thường quan tâm đến đảm bảo đầu tư và phòng ngừa rủi ro, luật pháp của ta chưa đủ để họ tiếp cận.

Chưa kể, các dự án này thường phải giải phóng mặt bằng rất phức tạp, thường phải giải quyết bằng tố tụng, rất mất thời gian, phiền phức… nên lĩnh vực này chưa hấp dẫn vốn ngoại”- ông Nguyễn Anh Tuấn nói.

Theo TS Nguyễn Anh Tuấn, cùng là dự án hạ tầng nhưng có thể nhà đầu tư ngoại quan tâm, mua lại các dự án điện, đặc biệt là điện mặt trời thời điểm này đang phát triển. Còn trong lĩnh vực giao thông, do luật pháp chưa quy định chặt chẽ hoạt động M&A nên doanh nghiệp Việt có thể bán lại các trạm thu phí… nhưng chưa có nhà đầu tư nào quan tâm.

“Hay như dự án đường cao tốc Bắc- Nam, kêu gọi đầu tư từ doanh nghiệp Hoa Kỳ, châu Âu là khó. Cần hoàn thiện chính sách, quy định trong lĩnh vực này trước”- ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.

Theo ông Lê Trọng Minh- Tổng Biên tập Báo Đầu tư, một số lĩnh vực M&A hứa hẹn bứt phá trong năm 2019 là bất động sản, tài chính và bán lẻ, hàng tiêu dùng, ngành sản xuất dịch vụ. Đây là những lĩnh vực có nhiềm tiềm năng nhưng còn “nghẽn” do chính sách hoặc đang có sự cạnh tranh khốc liệt.

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Thành Thống cho hay, Việt Nam đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nhằm tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Với đầu tư nước ngoài, chủ trương của Việt Nam tới đây là sẽ áp dụng hình thức đầu tư mới, đầu tư xuyên biên giới không góp vốn (NEM), mở rộng phương thức M&A, nhằm tạo cơ hội rộng mở để thị trường M&A Việt Nam có bước đột phá.

Giới chuyên gia dự báo, giá trị M&A năm 2019 có thể đạt mốc 6,7 tỷ USD, bằng 88,16% so với năm 2018.