Vi phạm hàng không tăng 40%, đề nghị thêm chế tài xử phạt

ANTD.VN - Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng dự kiến sẽ tăng nặng mức xử phạt đối với một số hành vi, bổ sung một số hành vi vi phạm khác.

Dự kiến sẽ tăng nặng mức xử phạt đối với các hành vi phạm trong lĩnh vực hàng không (Ảnh minh họa)

Trong nửa đầu năm 2017, tình hình vi phạm trong lĩnh vực hàng không tăng mạnh so với cùng kỳ. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2017, Chánh Thanh tra Cục Hàng không Việt Nam đã trực tiếp ký 25 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm với số tiền hơn 350 triệu đồng. Cục cũng đã hướng dẫn, chỉ đạo các Cảng vụ hàng không ký 219 quyết định xử phạt vi phạm, với số tiền hơn 1,8 tỷ đồng. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính nộp ngân sách Nhà nước hơn 2,1 tỷ đồng. 

Vi phạm tăng 40% 

Theo Cục Hàng không, trong 6 tháng đã ghi nhận 268 vụ vi phạm của tổ chức, cá nhân trong việc tuân thủ pháp luật về hàng không. Trong đó nổi bật là vi phạm quy định về khai thác tàu bay 59 vụ việc, vi phạm về nhân viên hàng không 82 vụ việc, vi phạm quy định về an ninh hàng không đối với cảng hàng không, sân bay, chuyến bay, quản lý hoạt động bay 50 vụ việc… “Số vụ vi phạm bị xử lý tăng 40% so với cùng kỳ báo cáo của năm trước”, đại diện Cục Hàng không cho hay.

Trước tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực hàng không dân dụng có xu hướng tăng, Bộ GTVT vừa có Tờ trình Chính phủ về dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này.

Bộ GTVT cho rằng, sau 3 năm triển khai thực hiện, Nghị định 147/2013/NĐ-CP năm 2013 của Chính phủ đã bộc lộ một số bất cập như: một số hành vi chưa được quy định chi tiết (hành vi vi phạm quy tắc bay, phương thức bay; nhân viên hàng không vi phạm hành chính...); mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm chưa phù hợp với tính chất và mức độ nghiêm trọng của hành vi (hành vi vi phạm của nhân viên khai thác mặt đất phục vụ chuyến bay; điều khiển tàu bay lăn không đúng...); hình thức tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động của các cá nhân, tổ chức quy định còn chưa rõ ràng…

Bổ sung nhiều hành vi nguy hiểm

Thực tế, nhiều hành vi vi phạm xảy ra trong lĩnh vực hàng không dân dụng như: hút thuốc tại khu vực công cộng của cảng hàng không, sân bay; gây mất trật tự tại khu vực công cộng của cảng hàng không, sân bay, trên tàu bay; cung cấp dịch vụ phi hàng không mà bán hàng hóa, dịch vụ cao hơn giá niêm yết... không được quy định trong Nghị định 147/2013/NĐ-CP mà được quy định trong các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khác.

Các Nghị định này lại không quy định cụ thể về thẩm quyền xử phạt của lực lượng thanh tra chuyên ngành hàng không và Cảng vụ hàng không, dẫn đến việc xử phạt không kịp thời, thiếu hiệu quả, chưa bảo đảm tính răn đe, thậm chí còn bỏ lọt hành vi vi phạm hành chính.

Theo Dự thảo Nghị định mà Bộ GTVT vừa trình Chính phủ, sẽ tách các hành vi chung chung như: nhân viên hàng không thực hiện nhiệm vụ không đúng quy trình thực hiện công việc, quy trình phối hợp hoạt động; làm rơi vãi, đổ vật liệu, phế thải trái phép trong cảng hàng không, sân bay; điều khiển tàu bay vi phạm quy tắc bay, phương thức bay... thành các hành vi cụ thể để điều chỉnh lại mức xử phạt cho phù hợp với mức độ nguy hiểm của hành vi. 

Ngoài ra, sẽ điều chỉnh mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính như thành viên tổ lái thực hiện nhiệm vụ không đúng yêu cầu, quy định, quy trình; điều khiển tàu bay vi phạm quy tắc bay, phương thức bay; xâm nhập trái phép khu vực hạn chế của Cảng hàng không, sân bay… cho phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự và tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi. Đồng thời, sẽ bổ sung một số hành vi vi phạm như sử dụng đèn laser trong Cảng hàng không, sân bay hoặc khu vực lân cận Cảng hàng không, sân bay...

Ngoài ra, dự thảo cũng bổ sung một số phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng như máy đo tốc độ có ghi hình ảnh, phương tiện đo độ ồn, phương tiện đo nồng độ khí thải, thiết bị đo âm lượng, thiết bị đo cường độ ánh sáng nhằm đảm bảo phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng.