Tỷ phú Trịnh Văn Quyết: Bamboo Airways bay thẳng Việt - Mỹ sẽ lãi chứ không lỗ

ANTD.VN -Bay thẳng từ Việt Nam đến Mỹ có thể sắp trở thành "Giấc mơ có thật" với hàng chục triệu dân Việt Nam.  Tỷ phú Trịnh Văn Quyết, ông chủ của hãng hàng không Bamboo Airways khẳng định, hãng sẽ tiên phong bay thẳng Việt Nam- Hoa Kỳ và theo tính toán đường bay này không lỗ như suy nghĩ của nhiều người.

Bay thẳng Việt- Mỹ sẽ lãi lớn

Tại hội thảo “Bay thẳng Việt- Mỹ” diễn ra chiều 1/8, Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết tiếp tục khẳng định, hãng hàng không Bamboo Airways sẽ tiên phong bay thẳng đến Mỹ.

“Nhiều người nói Bamboo Airways bay thẳng đến Mỹ là không khả thi, là chém gió. Điều này cũng giống như chuyện trước đây người ta từng bảo Bamboo thì bay sao được, và rồi chúng tôi đã bay”, ông Quyết nói và khẳng định: “Tôi là người nói nhiều, nhưng làm nhiều hơn nói”.

Theo ông Trịnh Văn Quyết, thị trường bay thẳng đến Mỹ rất tiềm năng: “Singapore chỉ trên dưới 5,8 triệu dân và Singapore Airlines phải đi kiếm khách khắp nơi mà họ còn có lãi. Trong khi đó, nguyên dân số Việt Nam đang ở Mỹ đã bằng một nửa Singapore. Không có lý do gì lại bảo không có tiềm năng”- ông Quyết phân tích.

Bamboo Airways cất cánh chuyến bay thương mại đầu tiên vào tháng 1/2019

Cũng theo ông Quyết, tổng dung lượng thị trường giữa Việt Nam và Hoa Kỳ năm 2017 đạt trên 700.000 lượt hành khách với tỷ lệ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2010-2017 đạt trên 8%/năm. “Tiềm năng, cơ hội như thế thì không lý do gì mà không có khách hàng”, ông Quyết nói.

Theo tính toán của Tổng giám đốc Bamboo Airways, bay thẳng từ Việt Nam đến Mỹ sẽ có lãi chứ không lỗ như tưởng tượng.

Theo đó, chi phí cho một chuyến bay đi Mỹ được ông Quyết cho biết, mỗi tháng, chi phí thuê tàu bay Boeing 787-9 là 1 triệu USD/tháng (23 tỷ đồng), chi phí nhiên liệu 61 tỷ đồng (900 USD/tấn, 175 tấn/chuyến, 17 chuyến/tháng), chi phí kỹ thuật 700.000 USD (16 tỷ đồng) và các chi phí dịch vụ mặt đất, khai thác 1 tỷ đồng, chi phí khác 6 tỷ đồng tổng chi phí mỗi tháng là 113,6 tỷ đồng.

Tỷ phú Trịnh Văn Quyết khẳng định, Bamboo Airways sẽ tiên phong bay thẳng Việt- Mỹ và sẽ có lãi

Giả sử bán với giá 1.100 USD/vé khứ hồi (25,3 triệu đồng), nếu bay Boeing 787-9 (với 240 khách), số tiền thu về 98,9 tỷ đồng, lỗ khoảng 14 tỷ.

Nhưng nếu Bamboo Airways tăng giá vé lên 1.300 USD/vé khứ hồi thì số lãi sẽ tăng lên là hơn 8,4 tỷ đồng.

Nếu bay Airbus A350 (280 khách), số tiền thu về là 120,4 tỷ đồng, tương ứng lãi 6,8 tỷ đồng mỗi tháng và chỉ cần tăng 200 USD/vé khứ hồi, tức là bán với giá 1.300 USD/vé khứ hồi, sẽ lãi khoảng 28 tỷ đồng.

Ông Quyết cho biết, có thể thời gian đầu thì bán với giá vé 1.100 USD/vé khứ hồi, nhưng sau khi ổn định từ chất lượng đến dịch vụ, con người hãng sẽ tăng lên 1.300 USD. Mức giá này cũng chỉ tương đương một số hãng như Cathay Pacific của Hồng Kông và Japan Airlines hiện đang bán là 1.600 USD. Như vậy, vấn đề lỗ hay lãi của đường bay này hoàn toàn nằm ở giá vé bán ra.

“Đây là tính bay thẳng, không có điểm dừng. Trong trường hợp qua một nước thứ 3 như Hàn Quốc hay Nhật Bản thì số lãi còn lớn hơn nhiều vì có cơ hội tăng thêm khách”, ông Quyết nói và cho hay, các tàu bay Boeing 787-9 và Airbus A350 đều có số ghế nhiều hơn, tuy nhiên, chúng tôi phải giảm tải để đủ nhiên liệu bay thẳng và tăng ghế C, do đó tính trung bình 240 ghế với B787 và 280 ghế với A350.

Về vấn đề, đường bay thẳng Việt- Mỹ có rủi ro hay không, không Quyết khẳng định: “Rủi ro có thể có là hành khách không thể lấp đầy. Trong trường hợp này, thay vì bay 17 chuyến mỗi tháng, Bamboo có thể tính giảm số chuyến bay còn một nửa”.

Phụ thuộc lớn vào kỹ thuật, tàu bay

Trong khi đó, theo tính toán của một hãng hàng không Việt Nam khi nghiên cứu đường bay thẳng tới Mỹ cho thấy, lượng khách bay thẳng giữa Việt Nam và Mỹ là khá lớn nhưng, hiện nay việc khai thác đi đến Mỹ gặp cạnh tranh rất lớn với các hãng hàng không bay vòng.

Hiện tại có khoảng 20 hãng hàng không khai thác các đường bay giữa Việt Nam và Mỹ nên gây sức ép cạnh tranh. Bên cạnh đó, để khai thác đến Mỹ cần có dòng tàu bay phù hợp do đây là đường bay dài (chiều Los Angeles – TP.HCM gần 17 tiếng bay) và chi phí khai thác cao.

Cũng theo nghiên cứu của hãng hàng không này thì đường bay thẳng Việt- Mỹ có khả thi về mặt thương mại hay không phụ thuộc khá nhiều vào vấn đễ kỹ thuật, tàu bay. Hiện nay, chưa có loại máy bay nào bay thẳng mà chở được đủ khách và hàng. Do đó, nếu có phương án bay dừng một điểm thì chi phí, thời gian bay tăng lên rất nhiều và tính cạnh tranh của sản phẩm chưa đủ cao.

Còn theo Airbus và Boeing, đường bay thẳng Việt- Mỹ non stop (không điểm dừng) là đường bay thẳng dài nhất thế giới, vì vậy cần loại tàu bay đủ tải. Cả hai nhà sản xuất tàu bay này đều cho rằng, hiện chỉ mới có 2 loại tàu bay A350-1000 (365 ghế) và B777 8X (352 ghế) là các tàu bay có tầm bay dài, cấu hình lớn và đảm bảo khả năng thương mại bay đến Mỹ.

Hơn nữa, để mở đường bay thẳng đến Mỹ ngoài tiềm lực về tài chính thì còn cần chuẩn bị khá nhiều bước như chuẩn bị về mặt pháp lý được Bộ GTVT Mỹ gật đầu. Khoảng thời gian này cũng không hề ngắn, mất khoảng 6-12 tháng; chuẩn bị về mặt thị trường khai thác, về nguồn lực…