Tuyến đường sắt đô thị 2 tỷ USD Yên Viên - Ngọc Hồi vẫn giậm chân tại chỗ

ANTD.VN - Vụ việc Công ty tư vấn Nhật Bản JTC hối lộ quan chức ngành đường sắt đã qua từ lâu nhưng đến nay, dự án đường sắt đô thị tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi vẫn ì ạch.

Qua nhiều lần điều chỉnh tổng mức đầu tư, chia nhỏ thành các dự án thành phần, nhưng kể từ sau sự việc Công ty tư vấn JTC Nhật Bản hối lộ và nhiều quan chức ngành đường sắt “nhúng  chàm”, đến nay, dự án đường sắt đô thị tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi (Hà Nội) vẫn ì ạch.

Đáng nói, dự án được phê duyệt từ rất lâu và tổng mức đầu tư đã tăng từ hơn 9.000 tỷ đồng lên mức hơn 44.000 tỷ đồng và chưa biết liệu đây đã là mức cuối hay chưa.

Phối cảnh vị trí cầu đường sắt đô thị tuyến số 1 vượt sông Hồng

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ GTVT cho biết, dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1, Yên Viên- Ngọc Hồi, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nghiên cứu tiền khả thi năm 2002. Dự án với quy mô xây dựng chiều dài 28,7km, đường đôi khổ lồng khổ 1.000mm và 1.435mm; tổng mức đầu tư là 9.197 tỷ đồng.

Dự án thời điểm đó được Bộ GTVT đề xuất chia làm 3 giai đoạn: giai đoạn 1, xây dựng ga Ngọc Hồi; cải tạo ga Gia Lâm, Yên Viên với mục đích là di dời toàn bộ ga Hà Nội và ga Giáp Bát; giai đoạn 2, xây dựng đoạn tuyến trên cao từ Gia Lâm- Ngọc Hồi và các ga trên tuyến (gồm cả thiết bị để khai thác đoạn này); giai đoạn 3, xây dựng từ Gia Lâm - Yên Viên, hoàn chỉnh đưa vào khai thác toàn bộ dự án.

Đến năm 2007, dự án tiếp tục được tách ra làm 2  dự án riêng biệt. Gồm giai đoạn 1, khu Tổ hợp Ngọc Hồi và đoạn Giáp Bát - Gia Lâm, dự kiến tổng mức đầu tư là 18.079 tỷ đồng; giai đoạn 2, đoạn Ngọc Hồi - Giáp Bát và đoạn Gia Lâm - Yên Viên, dự kiến tổng mức đầu tư là 8.896 tỷ đồng.

Theo đó, Bộ GTVT đã phê duyệt dự án giai đoạn 1 gồm khu Tổ hợp Ngọc Hồi và đoạn Giáp Bát - Gia Lâm với tổng mức đầu tư 19.460 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA của Nhật Bản là 13.973 tỷ đồng, vốn đối ứng của Việt Nam là 5.487 tỷ đồng.

Theo Bộ GTVT, đến hiện tại Dự án đã được bố trí và giải ngân 1.271,7 tỷ đồng (trong đó vốn ODA là 693,3 tỷ đồng; vốn đối ứng là 578,4 tỷ đồng để thực hiện GPMB, quản lý dự án, thuế…). Trong kế hoạch vốn trung hạn 2016-2010, nguồn vốn vay ODA được bố trí là 4.500 tỷ đồng.

Đối với  giai đoạn 2 của dự án, đã chia làm 2  giai đoạn, dự án 2A và dự án 2B. Năm 2012,  Bộ GTVT đã phê duyệt dự án giai đoạn 2A, đoạn Giáp Bát - Ngọc Hồi với tổng mức đầu tư 24.825 tỷ đồng (trong đó vốn vay ODA của Nhật Bản là 20.348 tỷ đồng, vốn đối ứng 4.477 tỷ đồng).

Về nguồn vốn, đến nay, đã có 1 Hiệp định được ký với nhà tài trợ (Hiệp định vay vốn khoảng 445 tỷ đồng, ký năm 2013 cho công tác thiết kế kỹ thuật). Trong kế hoạch vốn trung hạn 2016-2010, nguồn vốn vay ODA được bố trí là 4.450 tỷ đồng.

Ngày 21-3-2018, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, thẩm định tổng mức đầu tư (TMĐT) của dự án.  trên cơ sở TMĐT được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đề nghị Bộ GTVT dự kiến tiến độ giải ngân để có đánh giá tác động lên nợ công. Với TMĐT dự kiến như trên, đề nghị báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Bộ GTVT cho rằng, đối với dự án giai đoạn I, việc điều chỉnh dự án trong phạm vi TMĐT dự án đã được phê duyệt và đã được cân đối vốn trong kế hoạch trung hạn nên tác động đến nợ công đã được xem xét trong quá trình lập kế hoạch trung hạn.

Đối với dự án giai đoạn IIA và các giai đoạn tiếp theo, căn cứ hồ sơ điều chỉnh dự án, trong quá trình báo cáo, trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt, Bộ GTVT sẽ rà soát đề xuất tiến độ thực hiện dự án và phương án dự kiến kế hoạch giải ngân để Bộ Tài chính có cơ sở đánh giá tác động đến nợ công.

Do vậy, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ, đối với dự án giai đoạn 1, cân đối bổ sung vốn đối ứng trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 để thực hiện công tác GPMB và tiếp tục triển khai các bước tiếp theo. Đồng thời giao Bộ trưởng Bộ GTVT thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2018 theo quy định

Còn với giai đoạn 2A (đoạn Ngọc Hồi - Hà Nội) và giai đoạn 2B (Hà Nội - Yên Viên), trên cơ sở kết quả nghiên cứu của tư vấn lập điều chỉnh dự án, giao Bộ GTVT tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, để báo cáo Quốc hội có ý kiến làm cơ sở để triển khai thực hiện.