Tranh cãi việc "cởi trói" cho taxi

ANTD.VN - Sắp tới, doanh nghiệp kinh doanh taxi trên địa bàn Hà Nội có thể sẽ được nới lỏng một số ràng buộc được quy định tại Nghị định 86/2014/NĐ-CP. 

Quan điểm trái chiều về việc có nên nới lỏng cho taxi hay không?

Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa vừa ký quyết định thành lập Ban soạn thảo và         Tổ biên tập xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 86/NĐ-CP ngày 10-9-2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô, theo hướng “cởi trói” cho doanh nghiệp kinh doanh taxi trên địa bàn Hà Nội, TP.HCM.

5 xe cũng được kinh doanh taxi

Thống kê của Bộ GTVT cho thấy, hiện nay, số lượng xe taxi tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM với quy mô phát triển nhanh so với nhu cầu hiện tại của người dân. Trong đó, Hà Nội có 18.629 xe taxi với 88 doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động kinh doanh; TP.HCM có 10.850 xe với 23 doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh. 

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, sau 2 năm thực hiện Nghị định 86/NĐ-CP, thực tế cho thấy đã nảy sinh một số bất cập cần sửa đổi, bổ sung về cấp giấy phép kinh doanh; quản lý vận tải. Một trong những quy định được nói đến nhiều là việc các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi phải có  tối thiểu là 10 xe; riêng đối với đô thị đặc biệt như Hà Nội và TP.HCM phải có tối thiểu là 50 xe.

Về vấn đề này, tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 86/NĐ-CP, Bộ GTVT đề xuất bỏ quy định về số lượng phương tiện tối thiểu ở tất cả các loại hình xe taxi, xe buýt, vận tải hàng hóa, xe hợp đồng, xe chở khách du lịch.

Nếu đề xuất của Bộ GTVT được thông qua, thì các doanh nghiệp taxi nói chung, doanh nghiệp taxi trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM nói riêng, không phải chịu ràng buộc về số xe. Một doanh nghiệp có thể có 5 xe hay 10 xe… cũng có thể đi vào hoạt động nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định.

Một điểm đáng chú ý nữa là theo quy định tại Nghị định 86/NĐ-CP hiện hành, xe taxi chỉ có niên hạn sử dụng không quá 8 năm tại Hà Nội và TP.HCM; không quá 12 năm tại các địa phương khác. Tại dự thảo sửa đổi Nghị định này, Bộ GTVT đề xuất quy định chung, xe taxi có niên hạn sử dụng không quá 12 năm, không phân biệt ở đô thị nào.

Doanh nghiệp taxi bất đồng

Hiện nay, các bộ, ngành đang đóng góp ý kiến cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 86/NĐ-CP nhưng những đề xuất nới lỏng này trong cộng đồng kinh doanh taxi trên địa bàn Hà Nội cũng có những ý kiến trái chiều. 

Ông Nguyễn Hồng Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, Giám đốc Taxi Nguyên Minh hoan nghênh những điểm sửa đổi lần này của Bộ GTVT và hy vọng sẽ được thông qua, đi vào thực tế. Theo đó, lãnh đạo Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, việc quy định doanh nghiệp taxi trên địa bàn Hà Nội phải có tối thiểu 50 xe là cứng nhắc, vô tình triệt tiêu những doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ngoài ra, việc nới niên hạn sử dụng xe taxi đối với các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM lên 12 năm như các đô thị khác thay vì 8 năm như hiện tại cũng được ông Nguyễn Hồng Minh cho rằng: “Kinh doanh taxi thì ở Hà Nội cũng như Bắc Ninh, chất lượng xe thì đã có cơ quan đăng kiểm, xe đủ tiêu chuẩn mới được lưu thông. Vì vậy không nên quy định Hà Nội và TP.HCM thì 8 năm còn các đô thị khác là 12 năm, nếu vậy dễ biến các tỉnh, thành phố khác thành “bãi rác” của Hà Nội”.

“Từ trước đến nay, chưa có nghị định nào thường xuyên bổ sung và thay đổi nhiều như nghị định về vận tải để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận gần hơn, doanh nghiệp hoạt động thuận lợi hơn, tránh trường hợp lợi dụng kẽ hở của pháp luật vào kinh doanh, gây mất trật tự an ninh”.

Ông Nguyễn Hồng Trường Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải

Tuy vậy, cũng là một doanh nghiệp kinh doanh taxi trên địa bàn Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố nhưng ông Nguyễn Anh Quân, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thương mại Thiên Phong (Taxi Thành Công) lại phản đối ý tưởng “cởi trói” này của Bộ GTVT. Theo ông Nguyễn Anh Quân, taxi trên địa bàn Hà Nội hoạt động với tần suất nhiều hơn các đô thị khác, nên có khi chỉ trong 8 năm kinh doanh thì số kilomet chạy đã vượt quá taxi ở các đô thị khác kinh doanh 12 năm. Hơn nữa, Hà Nội là Thủ đô nên phải hướng tới chất lượng và yêu cầu khắt khe hơn về dịch vụ. 

Còn đối với việc không quy định số lượng xe đối với doanh nghiệp taxi, ông Nguyễn Anh Quân cho rằng, năm 2015, một số doanh nghiệp nhỏ không đủ 50 đầu xe taxi trên địa bàn Hà Nội đã phải nháo nhào sáp nhập để đáp ứng Nghị định 86/NĐ-CP. Các doanh nghiệp này vừa yên ổn được một thời gian thì nay lại bỏ quy định này. “Số lượng xe taxi của một doanh nghiệp cũng phần nào phản ánh chất lượng hoạt động của doanh nghiệp đó. Họ đầu tư số lượng xe lớn thì cũng phải quan tâm cải thiện chất lượng để thu hút hành khách. Nếu bỏ giới hạn về số lượng xe tối thiểu thì doanh nghiệp chỉ có 5-10 xe cũng được hoạt động, dễ dẫn tới tình trạng chộp giật”, ông Nguyễn Anh Quân nói.

Không nên “cởi trói” taxi? 

Phó trưởng Phòng Vận tải, Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Tuyển cho biết, Sở GTVT Hà Nội đã nắm bắt được tinh thần dự thảo Nghị định 86 sửa đổi, bổ sung, trong đó có lĩnh vực quản lý taxi. “Tuy nhiên, Sở GTVT Hà Nội không đồng tình với việc nới lỏng quản lý taxi như dự thảo sửa đổi mà Bộ GTVT đang xin ý kiến”, ông Nguyễn Tuyển cho hay. 

Theo đó, lãnh đạo Phòng Vận tải Hà Nội cho rằng, nên giữ nguyên quy định đối với niên hạn xe taxi trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM chỉ được 8 năm, các tỉnh, thành phố khác giữ nguyên là 12 năm. Ông Nguyễn Tuyển phân tích: “Qua nhiều năm theo dõi, quản lý các doanh nghiệp taxi trên địa bàn Hà Nội cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp chỉ sử  dụng xe đến 5-6 năm là phải thay vì tần suất sử dụng taxi trên địa bàn Hà Nội lớn hơn rất nhiều các tỉnh, thành phố khác. Nếu để đến 12 năm thì taxi trên địa bàn Hà Nội sẽ quá “tã” vì tần suất chạy nhiều”.

Còn liên quan đến việc không quy định số lượng xe taxi tối thiểu mà một doanh nghiệp cần phải có, ông Nguyễn Tuyển cho rằng, năm 2015, cũng thực hiện quy định của Bộ GTVT, các doanh nghiệp taxi trên địa bàn Hà Nội không đáp ứng đủ số lượng tối thiểu 50 xe đã tự sáp nhập với nhau, đến nay không còn doanh nghiệp nào có quy mô dưới 50 xe nữa. “Nên giữ nguyên quy định này, vì nếu bỏ quy định số lượng taxi tối thiểu đối với doanh nghiệp sẽ xảy ra tình trạng tách, chia nhỏ, rất khó quản lý cho cơ quan chức năng, mà thường những doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ chỉ 5-10 xe cũng ít quan tâm tới chất lượng cũng như nâng cao uy tín của mình với hành khách”, ông Nguyễn Tuyển bày tỏ.

Nhìn nhận quản lý vận tải là lĩnh vực phải thay đổi chính sách nhiều nhất, trung bình 2 năm/lần, ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, từ trước đến nay, chưa có nghị định nào thường xuyên bổ sung và thay đổi nhiều như nghị định về vận tải để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận gần hơn, doanh nghiệp hoạt động thuận lợi hơn, tránh trường hợp lợi dụng kẽ hở của pháp luật vào kinh doanh, gây mất trật tự an ninh.

Còn ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT cho biết, từ năm 2008 tới nay, các chính sách thường xuyên được điều chỉnh kịp thời, tạo điều kiện cho vận tải đường bộ phát triển, kể cả hàng hóa và hành khách. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay khi đang thực hiện Nghị quyết 19 tạo điều kiện cho doanh nghiệp, Bộ cũng thường xuyên rà soát, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Vì thế, Nghị định 86 cũng được sửa đổi, đã cụ thể hoá Luật Giao thông đường bộ, tập trung vào vấn đề vận tải hành khách bằng tuyến cố định, xe buýt, taxi, xe du lịch, xe hợp đồng.

“Trước khi trình lên Chính phủ, Bộ GTVT sẽ tổ chức lấy ý kiến đầy đủ cộng đồng các doanh nghiệp, Hiệp hội Vận tải và Sở GTVT các tỉnh, thành phố để làm sao cho việc quản lý được thiết thực nhất nhưng cũng không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của  các doanh nghiệp”, ông Trần Bảo Ngọc cho hay.