Trách nhiệm của người điều khiển xe gây tai nạn khi có người bất ngờ chạy ra đường

ANTD.VN - Mới đây, ở xã Gia Hội, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái xảy ra một vụ việc thương tâm. Một cháu bé 2 tuổi đuổi theo chú chó đang ăn thịt của bà bên lề đường. Cháu bé đuổi theo ra đến ngoài đường đúng lúc chiếc xe tải đi tới. Người điều khiển chiếc xe tải đã phanh gấp khi nhìn thấy cháu bé nhưng không kịp. Sau khi xảy ra vụ tai nạn giao thông, người nhà của cháu bé lập lức đưa em đi cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng nên cháu bé đã không qua khỏi. 

Vấn đề đặt ra là trong vụ tai nạn giao thông này có yếu tố lỗi của người điều khiển phương tiện hay không?

Ý kiến bạn đọc 

Lỗi cố ý gián tiếp

Người lái xe tải nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội và thấy trước được hậu quả nguy hiểm. Mặc dù có thể họ không mong muốn hậu quả xảy ra nhưng thực tế là với cách lái xe bất chấp như vậy họ có thể vẫn bỏ mặc cho hậu quả nguy hiểm xảy ra. Vì vậy, trong trường hợp này tôi cho rằng người lái xe đã có lỗi cố ý gián tiếp và cần phải bị xử lý theo pháp luật.

Hoàng Công Anh (TP Đà Lạt - Lâm Đồng)

Lỗi vô ý vì cẩu thả

Trong trường hợp này, nếu người điều khiển chiếc xe tải cẩn thận, chú ý quan sát thì có thể tai nạn đã không xảy ra. Mặc dù có thể thấy, việc cháu bé đuổi theo chú chó khiến tai nạn xảy ra, lỗi một phần thuộc về gia đình cháu bé vì đã không quản lý, giám sát khiến cháu bé chạy ra đường. Tuy nhiên tôi cho rằng, người điều khiển xe ô tô, đăc biệt là những người lái xe tải khi lưu thông trên đường phải ý thức được rằng mình đang sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ. Mặc dù về lý trí có thể người này không thấy trước hành vi của mình có thể gây hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng pháp luật buộc họ phải nhận thức được điều đó. Do đó, trong trường hợp này người lái xe đã phạm lỗi vô ý vì cẩu thả.

Nguyễn Anh Thư (Lê Chân - Hải Phòng)

Không có lỗi

Người điều khiển xe ô tô không có lỗi bởi theo nội dung vụ việc thì nguyên nhân dẫn đến tai nạn xuất phát từ việc cháu bé 2 tuổi đuổi theo chú chó đang ăn thịt của bà bên lề đường. Cháu bé đuổi theo ra đến ngoài đường đúng lúc chiếc xe tải đi tới. Tình huống xảy ra quá bất ngờ đối với người lái xe. Dù lái xe tải đã phanh gấp khi nhìn thấy cháu bé nhưng có lẽ do khoảng cách quá gần và tình huống diễn ra nhanh nên vẫn xảy ra va chạm với cháu bé và dẫn tới việc cháu bé gặp tai nạn dẫn đến tử vong. Tôi cho rằng người điều khiển xe tải đã làm hết khả năng của mình nhưng sự việc vẫn xảy ra và hậu quả của vụ tai nạn này không nằm trong mong muốn của người lái xe này. Vì vậy trong vụ việc này người điều khiển xe ô tô tải không có lỗi. 

Nguyễn Văn Tuân (Cẩm Phả - Quảng Ninh)

Bình luận của luật sư 

Trong vụ việc nêu trên, hậu quả của vụ tai nạn giao thông đã làm cháu bé 2 tuổi thiệt mạng, tuy nhiên thông tin không đề cập tới việc tại thời điểm gây tai nạn, người lái xe có vi phạm các quy định về điều khiển giao thông đường bộ hay không.

Để xác định lỗi trong các vụ tai nạn giao thông một cách cẩn trọng, chính xác, thông thường, các nhà chuyên môn phải tái diễn lại những gì đã xảy ra qua hoạt động khám nghiệm hiện trường, xem xét, đánh giá dấu vết trên phương tiện, trên mặt đường, ghi lời khai những người liên quan để kết luận một cách chắc chắn, đâu là nguyên nhân, đâu là điều kiện của vụ tai nạn.

Vì vậy để xét yếu tố lỗi của người lái xe trong vụ việc này, xin được chia thành 2 trường hợp. Thứ nhất là tại thời điểm gây tai nạn xác định được người lái xe đã vi phạm các quy định về điều khiển giao thông đường bộ (Ví dụ: chạy quá tốc độ hoặc chạy sai phần, làn đường…). Trường hợp thứ hai, khi tai nạn xảy ra, người điều khiển phương tiện không vi phạm các quy định về điều khiển giao thông đường bộ.

Trong trường hợp thứ nhất, cấu thành tội phạm tội vi phạm quy định về điều khiển giao thông có các dấu hiệu đặc trưng sau: Trước hết về hành vi khách quan tội vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ là hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ. Theo hướng dẫn tại khoản 1, Điều 3, Thông tư Liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC thì: Hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ của người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ quy định tại khoản 1, Điều 202, Bộ luật Hình sự được hiểu là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy tắc giao thông đường bộ và hành vi này phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả về tính mạng, sức khỏe và tài sản. 

Về vấn đề xác định lỗi: Trong các vụ án tai nạn giao thông, hình thức lỗi là vô ý. Thực tiễn phòng ngừa, điều tra xử lý các vụ tai nạn giao thông chỉ ra rằng, các yếu tố chi phối, tác động chính đến tai nạn, trước hết phải kể đến người tham gia giao thông, tiếp đến là phương tiện, sau nữa là cơ sở đường sá mà con người sử dụng phương tiện để lưu hành trên đó; ngoài những cái này ra, còn có các yếu tố thứ yếu khác như: thời tiết, ánh sáng, sương mù, mưa bụi, sụt lầy… Lỗi của người lái xe trong trường hợp này là lỗi vô ý vì quá tự tin (khoản 1, Điều 10, Bộ Luật Hình sự).

Theo đó về lý trí, người phạm tội nhận thức rõ thấy hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội. Về ý chí, người phạm tội không mong muốn hậu quả xảy ra, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được. Người phạm tội thấy trước được hành vi của mình có thể gây ra nguy hại cho xã hội nhưng tin rằng với khả năng, kinh nghiệm, với các biện pháp mình áp dụng, cách thức, phương tiện thực hiện, các điều kiện chủ quan, khách quan khác mà hậu quả tác hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được…nhưng hậu quả nguy hiểm cho xã hội đã xảy ra.

Trong trường hợp này, người lái xe chỉ có ý thức cho rằng dù vi phạm luật giao thông đường bộ (chạy quá tốc độ cho phép, đi trái phần đường…) nhưng tin rằng hậu quả chết người sẽ không xảy ra. Với các dấu hiệu trên thì người điều khiển phương tiện đã gây tai nạn giao thông phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 202, Bộ luật Hình sự.

Trong trường hợp thứ hai, khi tai nạn xảy ra, người điều khiển phương tiện đã chấp hành đúng các quy định về điều khiển giao thông đường bộ thì vụ tai nạn được coi là một sự kiện bất ngờ. Sự kiện bất ngờ là trường hợp người thực hiện hành vi nguy hại cho xã hội không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình cũng như hậu quả của hành vi đó, tức là người có hành vi nguy hiểm không có lỗi trong việc gây ra hậu quả hoặc đe dọa gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội.  

Một người có hành vi nguy hiểm cho xã hội, gây hậu quả hoặc đe dọa gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội do sự kiện bất ngờ thuộc một trong hai trường hợp sau:

Thứ nhất là không thể thấy trước hậu quả của hành vi. Không thể thấy trước được hậu quả của hành vi là trước khi thực hiện hành vi, người đó không nhận thức được hành vi của mình sẽ gây ra hậu quả, sự nhận thức này của họ có cơ sở khoa học và được mọi người thừa nhận, ai trong hoàn cảnh này đều không thể thấy trước được hậu quả sẽ xảy ra, nhưng thực tế hậu quả lại xảy ra. 

Thứ hai là không buộc phải thấy trước: Không buộc phải thấy trước là khi có khả năng thấy trước được hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình, nhưng theo pháp luật không buộc họ phải thấy trước hậu quả của hành vi và nếu có hậu quả xảy ra thì họ không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi nguy hiểm đó.

Trong vụ việc này, người điều khiển ô tô đi đúng tốc độ, làn đường, tuy nhiên do cháu bé đuổi theo chú chó ra đến ngoài đường đúng lúc chiếc xe tải đi tới. Người điều khiển ô tô đã phanh gấp nhưng không kịp dẫn tới hậu quả là cháu bé bị tử vong. Người điều khiển ô tô hoàn toàn không thể biết cháu bé đuổi theo con chó đã lao ra đường. Hành động của cháu bé trong vụ việc này có thể được coi là một sự kiện bất ngờ theo quy định nêu trên. Theo quy định của pháp luật, sự kiện bất ngờ là trường hợp không có lỗi. Bởi vậy người điều khiển ô tô tải không có lỗi trong tình huống này. 

Luật sư Đoàn Mạnh Hùng (Văn phòng Luật sư Hùng Mạnh)