Tòa yêu cầu bồi thường Vinasun 4,8 tỷ đồng, Grab nói gì?

ANTD.VN - Grab vẫn cho rằng, không có đủ bằng chứng thuyết phục để Tòa án cấp cao TP.HCM  xác định Grab đã vi phạm các quy định về kinh doanh vận tải và vi phạm Đề án thí điểm theo Quyết định 24.

Ngày 10/3, TAND cấp cao tại TP.HCM đã tuyên bác kháng cáo của Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun), kháng cáo của Công ty TNHH Grab và kháng nghị của Viện kiểm sát, giữ nguyên bản án sơ thẩm. Theo đó, Grab phải bồi thường cho Vinasun taxi 4,8 tỷ đồng.

Trước phán quyết này của TAND cấp cao tại TP.HCM, Grab vừa phát đi thông cáo cho rằng, Grab rất tiếc khi Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm đã chấp thuận giữ nguyên bản án sơ thẩm, bất chấp việc Grab đã trình bày nhiều luận điểm vững chắc và Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM cũng như Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP.HCM đều ra kháng nghị khẳng định hoạt động kinh doanh của Grab tại Việt Nam không vi phạm pháp luật và không vi phạm Đề án thí điểm.

Grab vừa bị TAND TP.HCM tuyên phạt bồi thường Vinasun 4,8 tỷ đồng

Đồng thời, không có chứng cứ để chứng minh được quan hệ nhân quả giữa các thiệt hại (nếu có trên thực tế) mà Vinasun đang yêu cầu bồi thường là do hoạt động kinh doanh của Grab gây ra.

Grab cho rằng, không có đủ bằng chứng thuyết phục để Tòa phúc thẩm xác định Grab đã vi phạm các quy định về kinh doanh vận tải và vi phạm Đề án thí điểm theo Quyết định 24.

“Trong tương lai, nếu bất kỳ doanh nghiệp nào không hài lòng với mô hình kinh doanh của một doanh nghiệp khác, họ cũng sẽ lợi dụng tòa án để kiện đối thủ của mình và đạt được phán quyết như mong muốn, bỏ qua kết luận của cơ quan chức năng có thẩm quyền”- thông cáo của Grab nêu.

Cũng theo đại diện Grab, các cơ quan chức năng đã xem xét và kết luận hoạt động kinh doanh của Grab tuân thủ Đề án thí điểm theo Quyết định 24.

Việc Chính phủ ban hành Nghị định 10 thay thế Nghị định 86 vừa qua là sự công nhận với việc triển khai thành công Đề án thí điểm theo Quyết định 24 vào năm 2016, khi xe công nghệ đã phát triển và trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày của người dân Việt Nam.

"Phán quyết của Tòa phúc thẩm không ảnh hưởng đến hoạt động hiện tại và kế hoạch mở rộng hoạt động của Grab tại Việt Nam. Grab cam kết sẽ tiếp tục tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn của Chính phủ, các Bộ, ngành khi thực hiện Nghị định 10", đại diện Grab khẳng định.

Khẳng định báo cáo giám định của Công ty cổ phần Thẩm định - Giám định Cửu Long về thiệt hại của Vinasun có nhiều sai sót. Grab cho rằng Tòa sơ thẩm đã vi phạm khi không yêu cầu giám định lại và không triệu tập Công ty Giám định tới tòa.

Thực chất, các chứng cứ có trong hồ sơ vụ kiện cho thấy doanh thu của Vinasun trong lĩnh vực taxi không hề sụt giảm trong năm 2016 và 2017, lợi nhuận của Vinasun bị giảm sút là do các yếu tố nội tại của Vinasun. Việc giảm giá trị vốn hóa thị trường do nhiều yếu tố tác động chứ không phải chỉ bởi sự tham gia thị trường của một đơn vị kinh doanh mới.

"Grab sẽ tiếp tục thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp để đạt được một kết quả công bằng, minh bạch", đại diện Grab cho biết.