Thu phí tự động không dừng gặp khó, nhà đầu tư liên tục xin phá sản

ANTD.VN - Công ty TNHH Thu phí tự động VETC vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể xin chấm dứt hợp đồng, dừng dự án thu phí tự động không dừng- ETC.

11/44 trạm BOT ký kết thu phí không dừng

Theo đó, ông Phạm Văn Lương, Chủ tịch HĐTV Công ty VETC cho hay, dự án triển khai từ cuối tháng 11/2014, đến nay đã 5 năm thực hiện. Tổng mức đầu tư là 2.030 tỷ đồng, trong đó, vốn chủ sở hữu tham gia là 278 tỷ đồng, đã góp đầy đủ theo quy định để triển khai thực hiện thu phí không dừng tại 44 trạm BOT.

Đến nay, nhà đầu tư đã đầu tư và vận hành thu phí ETC tại 23/27 trạm (do VETC đầu tư), đã kết nối vận hành thu phí 4/17 trạm BOT (do nhà đầu tư BOT đầu tư). Giá trị đã thực hiện khoảng 1.300 tỷ đồng.

Nhà đầu tư thu phí tự động không dừng giai đoạn 1 xin phá sản vì thua lỗ bởi đến nay có quá ít trạm BOT thực hiện

Lãnh đạo Công ty VETC cho rằng, thời gian qua, Bộ GTVT cũng đã rất nỗ lực để triển khai Dự án thu phí tự động không dừng, nhưng kết quả không đạt được tiến độ và mục tiêu, rất chậm và kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc duy trì và vận hành dự án.

Đến nay, Công ty VETC mới ký kết hợp đồng với 11/44 trạm BOT, còn lại 33 trạm chưa triển khai ký kết.

Trong đó, 13 trạm nhà đầu tư BOT chưa đồng ý mức trích lại gồm các trạm trên cao tốc của Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam quản lý, trạm cao tốc Hà Nội- Hải Phòng, trạm Cần Thơ- Phụng Hiệp…

4 trạm nhà đầu tư BOT đồng ý nhưng lại chờ sự đồng thuận của ngân hàng rót vốn như Nam Bình Định, Sóc Trăng, Bạc Liệu. Nhưng đã nhiều tháng qua vẫn chưa có hồi âm.

2 trạm nhà đầu tư BOT chưa đồng ý tổ chức đàm phán hợp đồng gồm trạm Tư Nghĩa và Phước Tượng.

3 trạm nhà đầu tư BOT đã đồng ý nhưng chờ ý kiến chấp thuận của tỉnh là Phú Bài, An Sương- An Lạc, Mỹ Lộc.

6 trạm nhà đầu tư BOT đồng ý nhưng xin trả trậm một phần cho đến khi được tăng giá vé gồm Hoàng Mai, Bến Thủy 1 và 2, Quán Hàu, Đông Hà, Tam Kỳ….

Lỗ nặng từ thu phí không dừng

Do Dự án tiến hành quá chậm nên lỗ lũy kế đến tháng 9/2019 của VETC là 300 tỷ đồng do tỷ lệ thu phí ETC thấp, chỉ đạt khoảng 10% so với kế hoạch. Đến nay, nhà đầu tư là Công ty CP Tasco đã phải cung ứng vốn tương ứng với số lỗ này để bù đắp dòng tiền.

Theo tính toán của VETC, nếu hết năm 2020 mới triển khai xong thu phí không dừng tại 44 trạm BOT thì Công ty sẽ bị lỗ lũy kế cho công tác vận hành khoảng 500 tỷ đồng.

“Nếu đến hết năm 2020 ngoài vốn chủ sở hữu tham gia Dự án là 278 tỷ đồng thì Công ty CP Tasco còn phải bổ sung thêm khoảng 580 tỷ đồng để bù lỗ. Các cổ đông không đồng thuận, đồng thời có nhiều ý kiến dừng dự án. Hơn nữa, nếu các vấn đề không được giải quyết dứt điểm thì dự án có nguy cơ phá sản”- văn bản của Công ty VETC nêu.

Do đó, lãnh đạo Công ty VETC kiến nghị Bộ GTVT lựa chọn nhà đầu tư khác nhận chuyển giao dự án hoặc Nhà nước nhận lại dự án để tiếp tục triển khai, phát huy lợi ích và hiệu quả cho người dân, cho xã hội.

Bộ GTVT cùng với Công ty VETC có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho dừng Hợp đồng và thực hiện các thủ tục phá sản doanh nghiệp trong tháng 12/2019.

“Nếu tiếp tục phải thực hiện Dự án, Công ty VETC kiến nghị Bộ GTVT chia sẻ  rủi ro, bù doanh thu thiếu hụt so với phương án tài chính của hợp đồng”- ông Lương kiến nghị.