Thu phí tự động không dừng: Doanh nghiệp BOT lo VETC độc quyền, thiếu minh bạch

ANTD.VN - Dù tiến độ thu phí tự động không dừng (ETC) đã được Chính phủ và Bộ GTVT chốt vào cuối năm nay. Tuy vậy, nhiều nhà đầu tư vẫn lo ngại việc bàn giao toàn bộ trạm BOT cho nhà đầu tư ETC sẽ mất quyền kiểm soát doanh nghiệp.

Nhà đầu tư BOT "tố" bị đứng ngoài hợp đồng BOO

Giữa tháng 7/2016, Bộ GTVT đã ký kết hợp đồng với Liên danh Công ty CP TASCO – Công ty TNHH thu phí tự động VETC (Hợp đồng BOO) về việc triển khai thực hiện dự án thu phí tự động không dừng giai đoạn 1 áp dụng cho QL1 và đường Hồ Chí Minh.

Song, các nhà đầu tư BOT cho rằng, hợp đồng BOO giữa Bộ GTVT và Công ty VETC ảnh hưởng trực tiếp tới các nhà đầu tư BOT và quá trình thu phí hoàn vốn tại các dự án BOT nhưng các nhà đầu tư lại không hề được tham vấn ý kiến.

Luật sư Hoàng Văn Hướng, Trưởng văn phòng luật Hoàng Hưng, Đoàn luật sư TP Hà Nội phân tích, tại thời điểm Bộ GTVT ký hợp đồng BOO cho Công ty TNHH Thu phí tự động VETC có quyền nhận bàn giao trạm thu phí để thực hiện tổ chức thu phí hoàn vốn thay cho nhà đầu tư cho thấy chưa có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về việc bắt buộc hay cho phép thực hiện như vậy.

Do đó, Bộ GTVT không thể yêu cầu nhà đầu tư BOT thực hiện theo hợp đồng mà Bộ GTVT đã ký với một bên thứ ba khác.

Mặt khác, việc bàn giao trên nếu không có sự đồng ý, thống nhất của nhà đầu tư BOT (là một bên chủ thể của hợp đồng BOT, chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi Hợp đồng BOO) là chưa phù hợp, vi phạm quy định tại Bộ Luật dân sự 2015.

Cũng bởi vậy, không ít các nhà đầu tư  BOT đã đặt vấn đề, VETC được lợi gì từ hợp đồng BOO ký kết, và có hay không sự độc quyền. Dù Bộ GTVT đã nhiều lần lên tiếng khẳng định, không có sự độc quyền trong việc triển khai thu phí ETC, nhưng dư luận vẫn không khỏi hoài nghi.

Các nhà đầu tư BOT kiến nghị, Công ty VETC thu phí không dừng nên làm đúng vai trò của mình là bán công nghệ

Theo cách thức thực hiện như hiện nay, để sử dụng dịch vụ ETC, chủ phương tiện phải có một tài khoản trả trước để duy trì, sử dụng dịch vụ của VETC và toàn bộ số tiền này được nạp vào tài khoản ngân hàng do VETC là đơn vị thụ hưởng.

“Tuy nhiên, số tiền nộp trước này của các chủ phương tiện lại không được tính lãi. Tính trung bình, mỗi xe ô tô có khoảng từ 500.000 đồng – 1.000.000 đồng nạp vào tài khoản của VETC, nhân với khoảng 3 triệu xe ô tô ở Việt Nam thì rõ ràng VETC đã huy động được khoảng từ 1.500 tỷ đồng - 3.000 tỷ đồng từ các chủ phương tiện lái xe”- một nhà đầu tư BOT tính toán.

Nếu số tiền nạp vào tài khoản trả trước của VETC này không được tính lãi theo lãi suất ngân hàng thì VETC đang chiếm dụng vốn của người dân với con số lớn.

Hơn nữa, nhiều nhà đầu tư BOT cũng bày tỏ băn khoăn, doanh thu của các nhà đầu tư BOT sẽ được VETC chuyển trả sau 1 ngày (24 giờ). Như vậy, đối với tổng doanh thu của tất cả các trạm thu phí trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên thì con số này không hề nhỏ và VETC có khả năng được hưởng lợi từ tiền lãi suất qua đêm đối với phần doanh thu của các nhà đầu tư BOT này.

Ông Trần Văn Thế, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đèo Cả cho rằng, trong quá trình triển khai có một số bất cập vẫn chưa được giải quyết hoặc chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Theo đó, ông Thế lấy dẫn chứng, thói quen tiêu dùng tiền mặt của người dân vẫn rất lớn, do đó cần xem xét lại về mức độ đầu tư làn thu phí ETC tại các trạm, tránh dẫn đến lãng phí.

Đặc biệt, ông Thế đặt vấn đề, khi Công ty VETC thu phí hộ các nhà đầu tư BOT thì 1 ngày mới chốt doanh thu và chuyển về tài khoản của nhà đầu tư BOT, số tiền để ở ngân hàng 1 ngày phát sinh lãi thì ai được hưởng?

Điều các nhà đầu tư BOT không yên tâm nhất là phải bàn giao toàn bộ trạm BOT cho nhà thu phí ETC, khi phát sinh vấn đề thì bên nào chịu trách nhiệm?

Bởi vậy, ông Thế đề xuất, nên chăng VETC chỉ làm đúng vai trò bán công nghệ, dán thẻ Etag còn lại việc thu phí và dòng tiền thu phí hàng ngày vẫn đổ về nhà đầu tư BOT.

Cần phương án hài hòa giữa các bên

 Cùng chung nỗi băn khoăn này, mới đây, nhà đầu tư dự án BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp cũng có văn bản kiến nghị Văn phòng Chính phủ, do lượng xe sử dụng thẻ Etag còn thấp, từ tháng 5/2018 đến nay, số xe sử dụng thẻ Etag chỉ đạt khoảng 10% lưu lượng xe trung bình của 1 làn thu phí.

Do vậy, nếu không quan tâm đến nhu cầu sử dụng của người dân mà vẫn đầu tư công nghệ thu phí ồ ạt 100% thì chắc chắn đầu tư không hiệu quả và gây lãng phí.

Phương án khả thi được không ít nhà đầu tư BOT đưa ra tại thời điểm này là việc tổ chức thu, kiểm soát trực tiếp tại trạm thu phí nên do nhà đầu tư BOT đảm nhận bao gồm: lưu lượng xe, phân loại xe, tổ chức thu đảm bảo ATGT.

Phía VETC chịu trách nhiệm kiểm soát doanh thu bao gồm: doanh thu của nhà đầu tư BOT, tài khoản giao thông của chủ phương tiện, chuyển trả tiền cho các nhà đầu tư BOT, trừ tiền từ tài khoản giao thông của chủ phương tiện…

Công tác theo dõi, giám sát, quản lý do Cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà trực tiếp là Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam thực hiện theo cơ chế giám sát quản lý Nhà nước, thanh kiểm tra đối với toàn bộ quá trình tổ chức thực hiện của cả hai doanh nghiệp, từ khâu thu phí tại trạm thu phí do nhà đầu tư BOT nhận chuyển giao lại đến tài khoản giao thông do VETC quản lý để kiểm soát chặt chẽ doanh thu, nếu phát hiện sai phạm thì doanh nghiệp đó phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Hơn nữa, theo Luật Đầu tư, tới thời điểm này, nhiều trạm BOT vẫn chưa đến thời hạn kết thúc hợp đồng và bàn giao lại cho Nhà nước quản lý. Nhưng theo chỉ đạo của Bộ GTVT, các nhà đầu tư BOT vẫn phải bàn giao trạm cho đơn vị khác. Mấu chốt ở đây, các nhà đầu tư BOT cần một hướng dẫn pháp lý cụ thể, đảm bảo sự công bằng và đảm bảo hài hòa, lợi ích của Nhà nước, chủ đầu tư BOT, VETC và chủ phương tiện.