Thỏa thuận hướng tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam trong tháng 8-2018

ANTD.VN - Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu tư vấn dự án đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam cần nghiên cứu kỹ để tránh xung đột với đường sắt đô thị tại các địa phương như Hà Nội, TP.HCM.

Theo nghiên cứu đề xuất, hướng tuyến dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được nghiên cứu bắt đầu từ Hà Nội đến TP.HCM, đi qua 20 tỉnh, thành phố với chiều dài khoảng 1.545km và dự kiến có 23 ga (trong đó, có 5 ga chính) và 5 khu Depot.

Hướng tuyến được tính toán đi tránh các khu vực có địa hình, địa chất phức tạp, nhạy cảm về môi trường và tiếp cận các đô thị lớn dọc hành lang Bắc - Nam, với khoảng 70% tuyến đi trên cao và hầm.

Thời gian qua, Ban Quản lý dự án đường sắt và tư vấn đã nhiều lần làm việc với các địa phương có tuyến đi qua và dự kiến công tác thỏa thuận hướng tuyến, vị trí ga và Depot hoàn thành trong tháng 8-2018.

Đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam sẽ đi qua 20 tỉnh, thành phố

Tuy vậy, việc kết nối tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng có tác động đến quy hoạch, nhu cầu sử dụng đất cũng như các dự án tại địa phương nên đang gặp một số khó khăn. Có thể kể đến như phương án kết nối với ga Hà Nội, hướng tuyến qua khu vực Đà Nẵng, Depot Long Trường ở TP.HCM.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chỉ đạo tư vấn nghiên cứu theo hướng thuận lợi nhất cho quy hoạch phát triển của địa phương và để đường sắt tốc độ cao phát huy hiệu quả nhất.

Đặc biệt, nghiên cứu cần tính toán kỹ để đường sắt tốc độ cao không tạo xung đột với đường sắt đô thị tại các địa phương như Hà Nội, TP.HCM, đồng thời phải kết hợp, phát huy được đường sắt đô thị kết nối với đường sắt tốc độ cao.