Thi bằng lái xe theo quy định mới của Thông tư 38 cần lưu ý điều gì?

ANTD.VN - Nhiều thay đổi trong đào tạo, sát hạch lái xe sẽ có hiệu lực từ năm 2020 và 2021. Cũng bởi vậy, tình trạng người dân đổ xô đi học bằng lái xe đang diễn ra tại nhiều địa phương. 

Sẽ có nhiều thay đổi trong đào tạo, sát hạch lái xe trong năm nay và năm 2021. Thông tư 38 của Bộ GTVT sẽ thay đổi một số tiêu chuẩn trong đào tạo, sát hạch lái xe theo hướng ứng dụng công nghệ vào các khâu.

Thông tư 38/2019 của Bộ GTVT ban hành năm 2019, phần thi sát hạch lý thuyết sẽ có hiệu lực trong năm nay, còn  phần sát hạch thực hành sẽ có hiệu lực từ 1/1/2021 tới đây.

Để đáp ứng Thông tư 38 của Bộ GTVT, các cơ sở đào tạo lái xe sẽ phải bổ sung, thay thế các trang thiết bị, cơ sở vật chất và chương trình đào tạo để phù hợp với quy định mới. Thông tư không quy định tăng số lượng giờ học thực hành nhưng sẽ điều chỉnh lại một số quy định.

Có nhiều thay đổi trong đào tạo, sát hạch lái xe

Cụ thể, trong công tác đào tạo lái xe: Từ ngày 1/5/2020, các cơ sở đào tạo lái ô tô trên toàn quốc sẽ phải ứng dụng công nghệ để nhận dạng và theo dõi thời gian học lý thuyết môn học pháp luật giao thông đường bộ đối với học viên học lái ô tô (trừ hạng B1); Tổ chức đào tạo về phòng, chống tác hại của rượu bia khi tham gia giao thông.

Với thực hành lái xe, trang bị cabin học lái ô tô, ô tô tập lái sẽ phải lắp thiết bị giám sát thời gian và quãng đường, sau 6 tháng kể từ ngày Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia có hiệu lực thi hành.

Trong thời gian chưa tổ chức đào tạo về phòng, chống tác hại của rượu bia khi tham gia giao thông, thời gian đào tạo môn học đạo đức, văn hóa giao thông bao gồm thời gian đào tạo nội dung phòng, chống tác hại của rượu bia khi tham gia giao thông.

Trong thời gian chưa sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông và cabin học lái ô tô, cơ sở đào tạo lái xe xây dựng chương trình, giáo trình và tổ chức giảng dạy đảm bảo đủ thời gian đào tạo theo chương trình quy định tại Điều 13, Điều 14 của Thông tư số 12/2017.

Trong công tác sát hạch lái xe: Triển khai thực hiện lắp camera giám sát phòng sát hạch lý thuyết, sân sát hạch lái xe trong hình và truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Sở GTVT từ ngày 1/1/2020 theo mô hình chuẩn đã được hướng dẫn; chuẩn bị để triển khai sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để sát hạch lái xe.

Ngoài ra, từ ngày 1/6/2020, GPLX cấp mới sẽ có mã hai chiều (QR) để đọc, giải mã nhanh thông tin liên kết với hệ thống thông tin quản lý, bao gồm cả mã số của cơ sở đào tạo lái xe.

Như vậy, cơ quan quản lý Nhà nước có thể dễ dàng thống kê được số lượng và loại lỗi vi phạm của cựu học viên theo từng cơ sở đào tạo lái xe.

Theo ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), giữa quy định về công tác quản lý, đào tạo, sát hạch lái xe và thực tế thực hiện còn nhiều vấn đề bất cập.

Hiện nay, các Sở GTVT chỉ kiểm tra các khóa học, kiểm tra cấp chứng chỉ, còn trách nhiệm của cơ sở đào tạo có dạy đủ thời gian, chương trình hay không, chưa có công cụ giám sát.

"Chính phủ đã ban hành Nghị định 138/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 65/2018 về kinh doanh dịch vụ cấp GPLX. Trong đó, bổ sung thêm một số quy định về ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, giám sát các cơ sở đào tạo, sát hạch như thiết bị mô phỏng, thiết bị giám sát thời gian học lý thuyết, giám sát quãng đường và thời gian học thực hành của học viên nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, cấp GPLX", ông Thống thông tin.