Taxi truyền thống hãy chuyển mình hơn là đổ thừa xe công nghệ

ANTD.VN - Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP lần thứ 4 được Bộ GTVT trình Chính phủ vẫn chưa thể làm vừa lòng các doanh nghiệp taxi truyền thống. Hiệp hội taxi 3 miền vẫn tiếp tục gửi đơn kêu cứu, kiến nghị tới các cấp.

"Đe" kiện Bộ GTVT

Tại Hội thảo “Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô: Sửa Nghị định hay nhìn lại cách thực hiện Luật” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức diễn ra  vừa qua, các Hiệp hội taxi Hà Nội, Đà Nẵng và TP. HCM tiếp tục “tố” xe công nghệ gây náo loạn thị trường, triệt tiêu taxi truyền thống, trốn thuế… Thậm chí, một số hãng taxi như Vinasun còn “tố” Bộ GTVT (đơn vị chắp bút Dự thảo Nghị định) cố tình chây ỳ, kéo dài Dự thảo Nghị định, hợp pháp hóa cho xe công nghệ như Grab.

Đại diện các đại diện các hãng taxi, Hiệp hội Taxi thể hiện quan điểm cho rằng quy định của Nhà nước đang thiếu sự công bằng. So sánh được phía doanh nghiệp taxi đưa ra là Uber và Grab đã phát triển quá mức, trong khi sự phát triển của taxi phải theo quy hoạch do địa phương ban hành.

Đặc biệt, việc định danh xe “hợp đồng điện tử” không được các doanh nghiệp taxi đồng tình. Theo đó, những doanh nghiệp như Uber và Grab đã tự định giá, chỉ định xe đến đón khách,… trực tiếp tham gia điều hành hoạt động vận tải.

Theo ông Trương Đình Quý, Phó Giám đốc taxi Vinasun, công ty có 377 xe đang chạy theo hình thức “hợp đồng điện tử”. Nhưng cách tính tiền vẫn phụ thuộc vào đồng hồ vì Vinasun là một doanh nghiệp taxi. Công ty không muốn mở rộng quy mô của hoạt động này vì những tôn chỉ, mục đích của doanh nghiệp đã đưa ra từ trước đó. Do vậy, “xe hợp đồng điện tử” (tương tự Uber, Grab) vẫn là hoạt động thử nghiệm của Vinasun.

Cái mới sẽ dần đảo thải cái cũ nếu cái cũ không tự đổi mới, hoàn thiện mình cho hợp xu thế

Thậm chí, lãnh đạo taxi Vinasun còn đề nghị, nêu đích danh người ký chốt nội dung cuối cùng của Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86, để khi có vấn đề gì, các doanh nghiệp vận tải, người lao động đến để kiện, để đòi bồi thường thiệt hại!?

Chất lượng dịch vụ quyết định lượng khách hàng

Dù các đơn kêu cứu, kiến nghị của các Hiệp hội taxi, doanh nghiệp taxi luôn cho rằng, điều kiện kinh doanh của xe hợp đồng điện tử thoáng hơn taxi truyền thống, nhưng lại không nêu được cụ thể. Trong khi đó, các chuyên gia đã nêu bảng so sánh cho thấy, theo Dự thảo Nghị định thì xe hợp đồng điện tử sẽ được quản chặt chẽ hơn taxi truyền thống.

Trong khi đó, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng, nhiều điều kiện kinh doanh vẫn chưa được gỡ bỏ trong Dự thảo Nghị định 86 sửa đổi. Ví dụ như quy định lái xe taxi phải khám sức khỏe định kỳ, buộc doanh nghiệp phải bỏ ra một khoản chi phí lớn và khiến giá thành không thể hạ thấp hơn…

Với tâm lý “bảo thủ” đã ăn khá sâu vào tư duy, một số hãng taxi truyền thống luôn đổ lỗi do xe công nghệ đã khiến các doanh nghiệp taxi lao đao, làm ăn thua lỗ. Song, chưa doanh nghiệp nào dám nhìn lại bản thân và nhận ra những cái lạc hậu, lỗi thời của mình để sửa chữa, khắc phục.

Cái mới sẽ luôn đào thải cái cũ, có lẽ doanh nghiệp taxi truyền thống đều hiểu điều này nhưng lại cố tình không hiểu để tiếp tục gây khó khăn, bức xúc cho những người soạn thảo, góp ý Dự thảo Nghị định. Những kiến nghị, đóng góp ý kiến của các Hiệp hội taxi cho thấy, phần lớn là muốn "trói người, dễ mình".

Ông Phan Bá Mạnh, Giám đốc Công ty công nghệ An Vui cho rằng, taxi truyền thống “tố” xe hợp đồng điện tử không biết hợp đồng nằm ở đâu, muốn cũng không thể kiểm tra được chỉ là nói cho được. “Hợp đồng điện tử được lưu chữ từng chi tiết, thời gian giao dịch, điểm đi, điểm đến, số tiền, hành khách và lái xe… Nếu Nhà nước yêu cầu, doanh nghiệp công nghệ sẽ cung cấp danh sách ngay tức thì. Vậy nên không thế nói rằng không quản lý được và tôi tin rằng phương pháp quản trị điện tử quản lý chặt chẽ hơn”, đại diện Công ty An Vui bày tỏ.

Chia sẻ với sự bức xúc của các doanh nghiệp taxi, Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung cho rằng, cách thức đóng góp ý kiến để xây dựng văn bản pháp luật phải thay đổi. Các kiến nghị nên theo hướng gỡ bỏ bớt điều kiện kinh doanh, thay vì mang chiều hướng “bảo hộ” trước sự gia nhập thị trường của Uber và Grab.

“Quyết định thành bại của kinh doanh vẫn là khách hàng. Mình phải đặt câu hỏi với tư cách là người cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Dịch vụ của mình thuận lợi hơn, rẻ hơn, khác biệt thì sẽ thuyết phục khách hàng.

Nếu không thì sẽ bị thay thế, không phải Grab thì sẽ là doanh nghiệp khác. Tôi cũng muốn chia sẻ rằng, Hiệp hội Taxi đã từng gửi hồ sơ “kiện” tôi lên Chính phủ. Tài liệu chất cao bằng mấy cái bàn.

Thời điểm 2003, tôi ở thế luôn phải đi giải trình. Những vấn đề các anh nêu lên hôm nay không khác gì mười mấy năm trước. Tôi lại một lần nữa mong các anh thay đổi tư tuy “cần bảo hộ nhiều hơn”. Các anh phải đòi cạnh tranh công bằng chứ không phải bảo hộ”, Viện trưởng CIEM chia sẻ.