Taxi truyền thống "chạy đua" công nghệ với Uber, Grab

ANTD.VN - Trước sự cạnh tranh gắt gao của Grab, Uber, để “giữ chân” khách, một số hãng taxi truyền thống đã quyết định đầu tư ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ. Tuy vậy, hiệu quả của những ứng dụng này đến đâu chỉ khách hàng mới biết.

Nhiều hãng taxi truyền thống  đang buộc phải “chạy đua” công nghệ với Uber, Grab

Xây dựng phần mềm đặt xe qua mạng

Mới đây, Công ty CP Nội Bài đã ra mắt ứng dụng đặt xe trên nền tảng các công nghệ điện toán đám mây; công nghệ bản đồ tìm đường chính xác; công nghệ xử lý dữ liệu lớn. Ứng dụng này nhằm giúp hệ thống Nội Bài online có thể đáp ứng được hàng trăm nghìn yêu cầu đặt xe mỗi ngày và giúp Nội Bài online cung cấp đa dạng phương thức đặt xe cho khách hàng. Ngoài ra, một số hãng taxi khác như taxi Mai Linh Đông Đô, Thế kỷ mới, Taxi Group… cũng  đã “trình làng” các ứng dụng gọi xe riêng.

Một trong những hãng taxi khá quen thuộc tại địa bàn Hà Nội là taxi Thành Công. Hiện hãng này đã có phần mềm gọi xe riêng gọi là Thành Công (App), Thậm chí hãng này cũng mới áp dụng đặt xe thông qua mạng xã hội là “facebook messenges”. Điều này không chỉ tiện lợi đối với khách hàng, lái xe, mà còn giúp cho công tác điều hành của tập đoàn được thuận tiện, tiết kiệm rất lớn về nhân lực và chi phí quản lý. 

Là người chọn taxi là phương tiện đi lại phổ biến từ nhiều năm nay, anh Lê Hồng Phát ở đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy Hà Nội chia sẻ, trước kia anh thường đi taxi Thành Công, Mai Linh… Song, từ khi có taxi công nghệ, anh Phát đã nói không với taxi truyền thống do taxi công nghệ có nhiều ưu điểm vượt trội như xe sạch sẽ, cước phí minh bạch lại thường xuyên có các chương trình khuyến mại. Gần đây, khi biết được thông tin một số hãng taxi truyền thống đã có phần mềm gọi xe giống như Uber, Grab, thậm chí còn khuyến mại hấp dẫn hơn khiến anh Phát đang có ý định quay lại.

“Việc các hãng taxi xây dựng và ứng dụng phần mềm để điều hành, quản lý taxi nhằm nâng cao chất lượng phục vụ hành khách trong điều kiện công nghệ phát triển. Đây cũng là chủ trương chung của thành phố trong việc xây dựng một trung tâm quản lý taxi để điều hành chung. Điều này mang lại rất nhiều thuận lợi cho hành khách, làm tăng tính cạnh tranh giữa các hãng taxi, từ đó chất lượng dịch vụ sẽ ngày càng được cải thiện” - anh Phát phấn khởi cho biết.

Hiệu quả đến đâu?

Không chỉ taxi Thành Công, taxi Mai Linh cũng đã lắp ứng dụng gọi xe bằng phần mềm trên smartphone cho hơn 15.000 xe nhằm cạnh tranh với dịch vụ Uber và Grab taxi. Mặc dù đây là xu thế tất yếu song hiệu quả đạt được còn khá hạn chế do phần lớn hành khách vẫn chưa thay đổi thói quen gọi xe qua tổng đài hoặc vẫy xe dọc đường khi đi taxi truyền thống nên “ngại” cài đặt ứng dụng của các hãng này. Thậm chí, theo một số khách hàng, nhiều ứng dụng cài đặt khá rắc rối, phức tạp không thuận tiện bằng Uber, Grab.

Được biết, chi phí làm App gọi xe của các hãng là khác nhau, dao động từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng. Liên quan đến vấn đề này, theo đại diện Phòng Quản lý vận tải - Sở GTVT Hà Nội, hiện Hà Nội có trên 70 hãng taxi hoạt động, trong đó có một số hãng đã xây dựng phần mềm để ứng dụng vào việc đón khách, quản lý taxi, kết hợp với việc điều hành qua hệ thống bộ đàm.

Thời gian tới, thành phố có chủ trương xây dựng trung tâm điều hành chung và những hãng taxi đang hoạt động trên địa bàn sẽ phải kết nối với trung tâm điều hành này. Tuy vậy, hiện nay có tình trạng các hãng taxi truyền thống mạnh ai nấy làm, mỗi nơi xây dựng phần mềm đặt xe một kiểu dẫn đến tính cạnh tranh kém, chất lượng dịch vụ không cao.

Thực tế cho thấy, có doanh nghiệp cung cấp dịch vụ taxi dù đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng để đầu tư ứng dụng, nhưng hiệu quả khá thấp, trong khi đó, với các doanh nghiệp nhỏ, ít xe, việc bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để đầu tư ứng dụng công nghệ là điều không đơn giản.

Ngoài ra, App gọi xe không phải là yếu tố có thể cạnh tranh với Uber, Grab, đây chỉ là công cụ hỗ trợ doanh nghiệp điều hành, nâng cao chất lượng dịch vụ.  Do đó, để khắc phục tình trạng này, các hãng taxi truyền thống cần hợp tác, phối hợp với nhau trong việc xây dựng một ứng dụng chung với sự thống nhất về giá dịch vụ, cách thức quản lý nhằm giảm thiểu chi phí đầu tư, tăng tính cạnh tranh với taxi công nghệ.