Sở Giao thông Hà Nội nói gì về việc công nhân sửa đường thổi bụi mù mịt?

ANTD.VN - Những ngày qua, nhiều người dân lưu thông trên tuyến đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) và Trần Phú (quận Hà Đông) bày tỏ bức xúc khi công nhân thi công duy tu, cải tạo sửa chữa các tuyến đường này dùng máy thổi bụi đường mù mịt. 

Thổi bụi là một quy trình bắt buộc!

Thậm chí, một số công nhân do ý thức chưa cao còn dùng máy thổi bụi thổi vào người đi đường.

Đáng nói, những ngày qua, chất lượng không khí tại Hà Nội luôn được cảnh báo ở mức nguy hiểm, ô nhiễm cao càng khiến người dân bức xúc.

Anh Nguyễn Văn Chiến ở Yên Nghĩa, Hà Đông bày tỏ: “Ngày nào tôi cũng phải đi làm từ nhà ra khu vực Nguyễn Chí Thanh, lưu thông trên các tuyến phố đang được sửa chữa như Trần Phú và Nguyễn Trãi. Việc thi công đang khiến tuyến đường này thường xuyên rơi vào cảnh tắc nghẽn giờ cao điểm, nhất là những ngày  có mưa. Đáng nói, có những buổi tối, công nhân thi công thổi bụi mù mịt rất ô nhiễm, ai đi qua cũng phải lắc đầu ngao ngán và đi cho nhanh”.

Công nhân thi công cải tạo tuyến đường Nguyễn Trãi, Trần Phú thổi bụi mù mịt gây bức xúc cho người dân

Trong khi đó, bà Đặng Thị Thái ở Trần Phú, Hà Đông cho hay: “Nhà tôi ở ngay mặt đường Trần Phú đang được sửa chữa, duy tu. “Việc sửa chữa đường cho êm thuận để đi lại là đúng rồi, nhưng mà cũng nên tìm một công nghệ thi công nào đấy đỡ gây bụi mù mịt cho người dân. Chúng tôi rất bức xúc về tình trạng thi công thổi bụi mù mịt cho khu vực xung quanh, rất ngột ngạt trong bối cảnh không khí Hà Nội đang ô nhiễm càng thêm bức bối”.

Trao đổi với An ninh Thủ đô về việc này, ông Nguyễn Đức Giang, Phó Giám đốc Ban Quản lý duy tu các công trình hạ tầng giao thông, Sở GTVT Hà Nội bày tỏ lời xin lỗi tới người dân trên các tuyến phố như Nguyễn Trãi, Trần Phú… cũng như người dân lưu thông trên các tuyến phố bởi sự bất tiện về việc duy tu đường gây ra.

“Chúng tôi cũng đã nhận thức được việc thi công sẽ gây bất tiện và gây bụi cho người dân khu vực xung quanh cũng như người đi đường.

Chúng tôi thường xuyên nhắc nhở các nhà thầu thi công phải đảm bảo giờ giấc, chỉ được thi công vào buổi tối, hoạt động thổi bụi phải thi công vào tối muộn, nhưng cũng có thể do một vài công nhân ý thức chưa cao nên việc thổi bụi còn gây ra bức xúc cho người dân”- ông Giang cho biết.

Theo ông Giang, do khối lượng công việc cải tạo, sửa chữa đường lớn, trong khi đó phải hoàn thành trước 30/12/2019 để kịp cho người dân đi lại êm thuận dịp cuối năm nên các nhà thầu thi công cũng phải đẩy nhanh tiến độ.

Đề cập đến việc thi công thổi bụi mù mịt trong những ngày thời tiết Hà Nội đang ô nhiễm đỉnh cao, ông Giang phân trần: “Thổi bụi là một trong những quy trình bắt buộc của việc thi công cải tạo đường. Sau khi cào bóc bắt buộc phải thổi bụi để làm sạch bề mặt mới đảm bảo độ bám dính của nhựa đòng. Chúng tôi cũng đã thử nghiệm mượn chổi hút quét của đơn vị vệ sinh môi trường nhưng không làm được, chổi bị gãy”- ông Giang cho hay.

Hơn nữa, việc thổi bụi nhiều khi công nhân cũng không biết làm như thế nào cho ổn cả đôi bên. Vì thổi về phía trong thì vào nhà người dân sinh sống bên đường thì không thể được, đành phải quay ống thổi ra ngoài đường.

Áp dụng công nghệ mới máy quét hút bụi

Cũng theo ông  Giang, sau khi nhận được nhiều phản ánh từ người dân và báo chí, Ban Quản lý duy tu các công trình hạ tầng giao thông Hà Nội cũng đã yêu cầu các nhà thầu thi công phải tìm kiếm, liên hệ có công nghệ nào mới hơn, giảm bụi nhưng  đến nay mới chỉ có 1 chiếc máy công suất khá nhỏ đang thi công tại công trường trường đua F1 có thể vừa thổi vừa hút bụi.

“Từ tối 16/12, chúng tôi đã mượn chiếc máy này, đưa vào thí điểm cải tạo đường trên phố Nguyễn Lương Bằng và  Tây Sơn. Tuy nhiên, công suất của máy cũng nhỏ, không đáp ứng được hết khối lượng công việc cần sửa chữa lớn như hiện nay- ông Giang thông tin.

Tuy vậy, ông Giang cho biết, tới đây, sẽ đề xuất với Sở GTVT Hà Nội, kiến nghị UBND TP Hà Nội đưa vào quy trình bắt buộc khi dự thầu thi công cải tạo, duy tu đường. Theo đó, các đơn vị tham gia đấu thầu lĩnh vực này bắt buộc phải có công nghệ máy vừa thổi vừa hút bụi. “Khi đã có quy định và đưa vào điều kiện thầu thì lúc đó bắt buộc các nhà thầu phải tự trang bị máy móc”- ông Giang bày tỏ.