Sau "thâu tóm" Uber Đông Nam Á: Grab bị kiến nghị điều tra về thống lĩnh thị trường

ANTD.VN - Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM cho rằng, hiện Grab chiếm 28,5% doanh thu thị trường vận tải Việt Nam. Sau khi mua thêm Uber Đông Nam Á, cần điều tra xem Grab có thống lĩnh thị trường hoặc độc quyền tại Việt Nam hay không. 

Kiến nghị điều tra vị trí thống lĩnh thị trường của Grab

Chiều 26-3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã tổ chức lấy ý kiến các doanh nghiệp, hiệp hội vận tải, chuyên gia về danh mục rà soát điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Thị phần của Grab ngày càng lớn

Ông Nguyễn Công Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết, hiện tại, taxi truyền thống đang chịu quá nhiều điều kiện kinh doanh, làm giảm khả năng cạnh tranh với loại hình taxi công nghệ (Uber, Grab) mới xuất hiện vài năm gần đây.

Các điều kiện được ông Nguyễn Công Hùng tạm liệt kê ra bao gồm: thủ tục kiểm định taxi mét, quy định bắt buộc thực hiện 1 lần/năm; Cấp phép tần số 1 lần/năm dù tần số không thay đổi nhiều; Quy định khám sức khỏe cho người lao động 1 lần/năm; Quy định về đóng bảo hiểm cho người lao động...

Theo đại diện Hiệp hội Taxi Hà Nội, tất cả những quy định này được thực hiện định kỳ 1 lần/năm là quá nhiều, gây tốn kém cho doanh nghiệp. Thậm chí có những quy định không phù hợp với thực tiễn của hoạt động kinh doanh taxi. Những ràng buộc này khiến taxi truyền thống phải chi phí nhiều, không hạ được giá thành để cạnh tranh với taxi công nghệ.

Ông Nguyễn Công Hùng kiến nghị nên bãi bỏ các điều kiện trên hoặc tăng thời gian thực hiện lên 24 đến 36 tháng/lần để giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp.

Cho rằng tên gọi taxi công nghệ và taxi truyền thống là chưa chính xách, ông Trương Đình Quý- Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh cho rằng, taxi truyền thống đang chịu quá nhiều điều kiện quản lý, từ đó ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng.

"Vốn điều lệ của Grab chỉ là 20 tỷ, mà 3 năm qua họ lỗ 938 tỷ đồng, trong khi Vinashun chưa đến 6.000 xe nhưng lại nộp ngân sách gần 1.200 tỷ đồng. Lợi ích cho đất nước, cho xã hội như thế nào? Tóm lại, cần môi trường kinh doanh lành mạnh và công bằng, taxi công nghệ thế nào thì taxi truyền thống như thế"- ông Trương Đình Quý nói.

Mặt khác, theo ông Trương Đình Quý, hiện nay, Grab chiếm 28,5% doanh thu thị trường vận tải taxi. Lợi nhuận về tay họ chỉ thông qua phần mềm gọi xe, đặt xe. Vì vậy, sau khi thâu tóm Uber Đông Nam Á, cần làm rõ vị trí thống lĩnh thị trường taxi hay độc quyền của Grab để đảm bảo cạnh tranh bình đẳng và công bằng. 

Cần "cởi mở" hơn với Uber, Grab

Với vai trò là chuyên gia độc lập, PGS. TS Ngô Trí Long- Chuyên gia kinh tế cho rằng, điều kiện kinh doanh vận tải không nên nhìn ở góc độ nhiều hay ít, mà nên xem điều kiện ấy có hiệu quả hay không.

"Quan điểm cá nhân tôi là quy định nào chặt quá thì phải gỡ và đừng bắt bên kia như vậy. Cần cởi mở hơn với dịch vụ mới. Soi vào câu chuyện của Uber, Grab, tôi cho rằng quan điểm nên định danh Uber/ Grab là xe taxi, đồng thời quản lý như xe taxi: có mào xe, có đồng hồ tính tiền... là không hợp lý"- ông Ngô Trí Long nói. 

Cụ thể, nếu thực hiện, điều này sẽ biến hàng chục nghìn xe hợp đồng đang sử dụng ứng dụng trung gian thành xe taxi và triệt tiêu phần lớn những ưu điểm mà các dịch vụ kết nối mang lại; Thêm vào đó, các đơn vị vận tải hợp đồng không được hưởng thành quả tiến bộ của công nghệ mới để tiết kiệm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh của mình. 

Ngược lại, nếu bắt taxi truyền thống thực hiện kê khai giá cũng là vô lý, bởi lẽ thị trường cạnh tranh thực sự thì nên để thị trường tự quyết định, Nhà nước không nên can thiệp, tạo thêm rào cản cho doanh nghiệp. 

"Tại thời điểm này, càng chuyên môn hóa bao nhiêu càng hiệu quả bấy nhiêu. Uber, Grab chỉ là 1 công đoạn, làm dịch vụ kết nối tốt thì để họ làm. Tuy nhiên, taxi truyền thống cũng đang bị ràng buộc quá nhiều, và người tiêu dùng phải chịu. Cần xóa bỏ tư duy cũ"- ông Ngô Trí Long nhấn mạnh.

Đồng quan điểm này, ông Phan Đức Hiếu- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, không cởi mở với xu hướng mới thì không được. Theo ông Phan Đức Hiếu, các nước có quan điểm khác nhau về Uber, Grab, Việt Nam cũng có quan điểm riêng.

"Bản chất của kinh doanh truyền thống là 1 người đi kinh doanh phải chấp hành pháp luật, phải có tài sản, người đi kinh doanh phải là cán bộ công nhân viên... Nhưng giờ xu hướng mới là nhà đầu tư không kinh doanh từ đầu đến cuối, người ta chỉ chọn 1 hoặc 1 số công đoạn.

Uber chỉ kinh doanh dịch vụ kết nối, sau có nhà đầu tư sẽ mua taxi, thuê các lái xe. Tiếp cận quy định kinh doanh trong lĩnh vực này là chấp nhận người ta kinh doanh đến đâu thì mình điều chỉnh đến đấy. Không phải người ta chỉ kinh doanh kết nối mà mình bắt người ta chịu trách nhiệm cả về lái xe, không bắt chịu trách nhiệm về những khâu mà người ta không làm. 

Tuy nhiên, cũng cần thấy quy định hiện nay với taxi truyền thống, kinh doanh từ đầu tới cuối là quá nhiều, điển hình như: quy định kiểm định đồng hồ, tần số, khám sức khỏe... Những điều kiện này với taxi truyền thống nên nhìn nhận ở góc độ từ khi Uber, Grab chưa xuất hiện để bãi bỏ, tạo môi trường kinh doanh công bằng, bình đẳng"- ông Phan Đức Hiếu nêu quan điểm. 

"Điều kiện kinh doanh làm khó doanh nghiệp": Thông tư nhiều khi chính là điều kiện kinh doanh. Ngôn từ trong thông tư không nói là điều kiện nhưng rất nhiều trở ngại cho doanh nghiệp. Có doanh nghiệp bỏ ra gần 20 tỷ đồng mua 15 chiếc ô tô, nhưng về lại đắp chiếu hàng năm trời để đợi đăng ký vào tuyến, chấp thuận tuyến mới được phép hoạt động... 

Cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, xóa bỏ triệt để cơ chế xin- cho. Quy định nào chuyển sang hậu kiểm được thì chuyển sang hậu kiểm, bỏ hẳn tiền kiểm càng tốt"- Ông Nguyễn Văn Thanh- Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam.