Sao cứ bắt công nghệ đi làm vận tải?

ANTD.VN - Trong bối cảnh cả nước đang hối hả bước vào cuộc cách mạng công nghệ 4.0 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh vận tải mà Bộ GTVTchắp bút, trình Chính phủ mới đây dường như lại đi ngược xu hướng này. 
 

Các doanh nghiệp công nghệ đề nghị được định danh đúng với chuyên môn

Biến đổi bản chất của công nghệ

Nhiều lần, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã khẳng định, đối với lĩnh vực giao thông, Bộ sẽ cắt giảm tối đa các điều kiện kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Và các điều kiện kinh doanh chỉ có giảm mà không tăng. Tuy vậy, Dự thảo Nghị định 86 lại đang can thiệp quá sâu vào việc kinh doanh của doanh nghiệp. Cụ thể như, thay vì chấp nhận một loại hình dịch vụ mới như Grab, Uber, Fastgo… thì Bộ GTVT lại muốn “trói” lại, đưa về loại hình kinh doanh vận tải để dễ bề quản lý và cũng tránh phiền phức với taxi truyền thống.

Theo chuyên gia kinh tế, TS Ngô Trí Long, xoay quanh Dự thảo Nghị định 86 có 3 vấn đề cần trao đổi. Thứ nhất là cần phải đổi mới tư duy, quan niệm với nền kinh tế mới, kinh tế nền tảng. Trong nền kinh tế hiện đại, tất cả các doanh nghiệp đều tập trung vào 4.0, chuyên môn hóa, tìm cách nâng cao hiệu quả. Hiện nay trong ngàng vận tải đã và đang áp dụng công nghệ 4.0 như Grab, Uber và sắp tới là Go-Jek. Nội địa cũng có những doanh nghiệp bắt kịp xu thế, nhanh chóng gia nhập thị trường đầy sôi động này như VATO, Fastgo, T.NET... 

“Xu hướng hiện nay nhiều doanh nghiệp đều đầu tư vào việc phân khúc tiếp ứng vận tải mà không trực tiếp tham gia vào vận tải kinh doanh. Những công cụ này có thế mạnh là phát triển công nghệ phần mềm hiện đại, xử lý hệ thống dữ liệu lớn, kết hợp trí tuệ nhân tạo để đưa ra đề xuất kết nối giữa hành khách với phương tiện, tính hiệu quả rất cao. Thứ hai là giúp hành khách và người lái xe tiết kiệm thời gian trong các cuộc trao đổi về giá cả. Thứ ba là góp phần tiết kiệm điều tiết giao thông vận tải trong giờ cao điểm. 

Theo TS Ngô Trí Long, tại Dự thảo Nghị định quy định rằng, doanh nghiệp công nghệ phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh và điều kiện hoạt động như một doanh nghiệp vận tải. “Quyết định này làm biến đổi bản chất hoạt động của đơn vị cung cấp hoạt động và triệt tiêu lợi thế, hay nói cách khác bắt doanh nghiệp phải làm việc bằng tay trái, trong khi lợi thế của họ là tay phải”, TS Ngô Trí Long bày tỏ. Đáng lo ngại, theo TS Ngô Trí Long, một số quy định tại Dự thảo Nghị định này sẽ xóa bỏ kinh tế chia sẻ mà toàn cầu đang hướng tới. Trong khi đó, lý do mà Bộ GTVT đưa ra không thuyết phục. 

Đồng tình với nhận định này, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, các Công ty công nghệ như Uber, Grab hay Fastgo đều có chức năng riêng của nó, nếu bắt phải làm chức năng khác thì sẽ không hiệu quả, và tất nhiên doanh nghiệp sẽ không làm.

Quy định không hợp lý, triệt tiêu giá trị của công ty công nghệ

Còn theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico ít nhất phải bỏ được ½ các điều kiện về kinh doanh vận tải mà Dự thảo Nghị định đang đưa ra. Như vậy vừa giải quyết được vấn đề với xe công nghệ, vừa giải quyết được bức xúc của taxi truyền thống. “Mặc dù Bộ GTVT đã trình Dự thảo Nghị định lần thứ 4 rồi, nhưng vẫn phải làm lại chứ không thể duy trì những quy định cũ, nếu không ngành vận tải sẽ không thể phát triển được, xã hội sẽ phải trả giá. Hạ tầng là huyết mạch mà lạc hậu như vậy thì chúng ta có nguy cơ bị tắc nghẽn, tắc động mạch”, luật sư Trương Thanh Đức nhìn nhận.

Dưới góc độ doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, và cũng là đối tượng chịu tác động lớn của Dự thảo Nghị định, hầu hết các công ty công nghệ cung cấp ứng dụng kết nối dịch vụ đặt xe công nghệ đều cho rằng, với những quy định tại Dự thảo Nghị định của Bộ GTVT thì những doanh nghiệp có nền tảng công nghệ sẽ “bị trói”, bị “chụp mũ” là đơn vị kinh doanh vận tải và phải thực hiện tất cả các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải. Đây là quy định không hợp lý, bởi trái với định nghĩa trong Luật Giao thông đường bộ và định nghĩa trong Nghị định 86/2014/NĐ-CP hiện áp dụng. 

Hơn nữa, Dự thảo Nghị định có những quy định phủ nhận sự chuyên môn hóa trong chuỗi cung ứng dịch vụ, điều này là áp đặt và tạo thêm điều kiện kinh doanh trói buộc doanh nghiệp. Trong khi đó, Dự thảo Nghị định đã gỡ bỏ rất nhiều điều kiện và quy định kinh doanh đối với xe taxi, cũng như nâng cao quy định với xe hợp đồng điện tử để đảm bảo sự công bằng, bình đẳng trong điều kiện kinh doanh và quy định quản lý giữa 2 loại hình kinh doanh tương tự nhau. Thậm chí, xe hợp đồng điện tử còn đang được quản lý chặt chẽ hơn so với xe taxi truyền thống.