Quy hoạch điểm đỗ xe "chết yểu", giao thông tĩnh bao giờ được cải thiện?

ANTD.VN - Từ năm 2003 Hà Nội đã có quy hoạch bãi đỗ xe trên địa bàn thành phố nhưng đến nay thì “phá sản”. Sở GTVT Hà Nội vừa tiếp tục trình quy hoạch bãi đỗ xe đến năm 2030 tầm nhìn 2050 nhưng liệu có đi vào vết xe cũ?

Quy hoạch điểm đỗ xe "chết yểu", giao thông tĩnh bao giờ được cải thiện? ảnh 192% phương tiện trên địa bàn Hà Nội không có chỗ để xe

Quy hoạch nhiều thực hiện được bao nhiêu?

Theo Quy hoạch số 165/2003/QĐ-UB năm 2003 (Quy hoạch 165) về mạng lưới các điểm đỗ xe, bãi đỗ xe trên địa bàn thành phố đến năm 2020 sẽ xây dựng 13 bãi đỗ xe phục vụ các khu công nghiệp lớn với diện tích 17,8ha; 11 bãi đỗ xe phục vụ thể dục thể thao, vui chơi giải trí với diện tích 30.1ha; 2 bãi đỗ xe gắn theo các công trình công cộng khác diện tích 4ha; 2 bãi đỗ xe chuyên dụng diện tích 2ha. 

Về điểm đỗ xe, Quy hoạch 165 năm 2003 cũng đưa ra, sẽ mở rộng phát triển và khu phát triển xây dựng mới là hơn 500ha, bao gồm bãi đỗ xe là gần 62ha, quỹ đất điểm đỗ cho cả 3 khu vực là 441ha.

Cũng theo quy hoạch này, đến năm 2020 Hà Nội sẽ dành tổng quỹ đất cho giao thông tĩnh là 796,82ha. Nhưng trên thực tế, đến hết năm 2016 mới bố trí được 91,16ha, chiếm 0,21% đất xây dựng đô thị. Bởi vậy Hà Nội rơi vào cảnh thiếu điểm, bãi đỗ xe tĩnh nghiêm trọng. Và cũng từ tình trạng thiếu mà nảy sinh việc bát nháo, “chặt chém” trông giữ phương tiện, sinh ra những bãi, điểm trông giữ xe trái phép, gây mất an ninh trật tự. 

Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, từ khi có Quy hoạch 165, 95 dự án bãi đỗ xe lớn đã được đề xuất thực hiện, nhưng sau 14 năm mới chỉ có 21 dự án hoàn thành, 15 dự án đang thi công, còn 59 dự án vẫn nằm trên giấy tờ.

Riêng 7 quận nội thành: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Thanh Xuân, Cấu Giấy, Tây Hồ, Ba Đình có 34 dự án thì 26 dự án đã chuyển đổi công năng hoặc chưa triển khai đầu tư. Đối với những điểm trông giữ xe cỡ vừa và nhỏ trong trung tâm thành phố, hiện thống kê được 728 điểm; trong đó 654 điểm được cấp phép, 74 điểm không phép hoặc hết hạn sử dụng. 

Dự án điểm, bãi đỗ xe biến tướng

Theo tính toán, diện tích đất dành cho giao thông tĩnh của Hà Nội mới chỉ đáp ứng được từ 8-10% nhu cầu đỗ xe, 90-92% số phương tiện có nhu cầu đỗ hiện nay đang đỗ tại các điểm đỗ xe của chung cư, khu đô thị, sân cơ quan, công sở, thậm chí là lòng đường, vỉa hè. Đáng nói, các vị trí này đều không được cấp phép và rất nhiều điểm có vi phạm về trật tự, an ninh xã hội, ATGT và vệ sinh môi trường.  

Ông Dương Đức Tuấn, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm đánh giá: “Quy hoạch 165 đã thực sự không còn phù hợp với thực tế, đặc biệt là từ sau khi thành phố mở rộng địa giới hành chính”.

Hay như quận Ba Đình, theo Quy hoạch 165, đến năm 2020 phải xây dựng xong 7 bãi đỗ xe với diện tích 2,6ha, nhưng 14 năm sau khi ban hành quy hoạch, mới xây dựng được 2 bãi đỗ. Còn tại quận Cầu Giấy, bãi đỗ xe trên phần cống hoá mương Nghĩa Đô, đoạn từ công viên Nghĩa Đô - đường Hoàng Quốc Việt đúng theo Quy hoạch 165 nhưng lại biến tướng thành cửa hàng, xưởng sửa chữa…

Hoặc bãi đỗ xe tại 5 lô đất số: DX1, DX2, DX3, DX4, CX2, Khu đô thị Đông Nam Trần Duy Hưng, có 2 lô DX3, DX4 đã bị chủ đầu tư biến thành nhà hàng, quán ăn. Hoặc quận Đống Đa cũng có điểm đỗ xe trên đường Nguyễn Chí Thanh với quy mô 15.840m2 sàn đỗ nhưng hiện tại đã biến thành chung cư M5 và chỉ có tầng hầm để đỗ xe cho cư dân của toà nhà thay vì một bãi đỗ xe công cộng 5 tầng.

Ngoài ra cũng có một số nguyên nhân chủ quan khiến việc thu hút đầu tư, triển khai các dự án bến, bãi đỗ xe chậm chạp, thiếu hiệu quả.

Cụ thể như: giải phóng mặt bằng, thu hồi đất gặp nhiều khó khăn vướng mắc; đầu tư lớn, tốc độ thu hồi vốn chậm, không hấp dẫn nhà đầu tư. Đặc biệt, năng lực tài chính của một số nhà đầu tư hạn chế nhưng vẫn đề xuất nghiên cứu dự án để giữ đất chứ chưa thực sự triển khai.

Đơn cử như Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương, đã đề xuất dự án bãi đỗ xe ngầm vườn hoa Vạn Xuân từ năm 2005 nhưng đến nay vẫn trong quá trình “điều chỉnh lại phương án thiết kế kỹ thuật”; dự án điểm đỗ xe ngầm tại Trung tâm thương mại và dịch vụ Ngọc Khánh (Ba Đình) đã được Công ty Cổ phần Vật tư và Dịch vụ kỹ thuật Hà Nội đề xuất từ năm 2010 nhưng đến nay vẫn vướng giải phóng mặt bằng chưa thể thực hiện…

Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn thẳng thắn nhìn nhận, các cơ quan chuyên môn chưa làm tốt công tác dự báo, đánh giá tình hình thực tế; chưa kịp thời tham mưu, đề xuất để UBND TP có những điều chỉnh phù hợp đối với Quy hoạch 165, nhất là từ sau khi mở rộng địa giới Thủ đô.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương nhiều nơi vẫn chưa chú tâm vào kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch, để xảy ra nhiều sai phạm trong sử dụng đất… “Cũng bởi vậy mà công trình sai quy hoạch cứ đua nhau mọc trên đất dành cho giao thông tĩnh, khiến quỹ đất vốn đã eo hẹp lại càng chậm tăng trưởng. Trong khi phương tiện giao thông của Hà Nội tăng trưởng trên 10%/năm thì quỹ đất dành cho giao thông tĩnh tăng trưởng chưa đến 1%/năm. Có thể nói, Quy hoạch 165 đã thực sự thất bại cả về mục tiêu định hướng lẫn thực tế triển khai”, Phó Giám đốc sở GTVT Hà Nội bày tỏ.

Quy hoạch mới có đi vào thực tiễn?

Để quy hoạch lại điểm, bãi đỗ xe từ nay đến 2030, tầm nhìn 2050, Sở GTVT Hà Nội đưa ra, tỷ lệ đất dành cho cho giao thông tĩnh/diện tích đất xây dựng đô thị đạt từ 2-4%. Trong đó, mạng lưới bãi đỗ xe sẽ có khoảng 1.830ha (1.222 ha làm bãi đỗ xe công tập trung, 17,7ha làm bãi đỗ xe trung chuyển, và hơn 590ha làm bãi đỗ xe buýt và xe tải). 

Sở GTVT Hà Nội đưa ra một số giải pháp để thực hiện quy hoạch, như kêu gọi đầu tư, xã hội hóa đồng thời kiểm soát, thẩm định chặt chẽ năng lực của các nhà đầu tư đề xuất xây dựng bãi đỗ xe. Ngoài ra, Sở GTVT cũng kiến nghị, trong quá trình xem xét, thảo thuận quy hoạch cũng cân nhắc lồng ghép một tỷ lệ nhất định trong khu đất xây dựng bãi đỗ xe dành cho các dịch vụ tiện ích đi kèm nhưng đảm bảo không thay đổi chức năng cơ bản của ô đất, cũng như công suất khai thác nhằm khuyến khích hỗ trợ nhà đầu tư; có cơ chế riêng về giá trông giữ xe tại các bãi đỗ xe được xã hội hóa đầu tư theo từng khu vực đặc thù riêng nhằm tạo điều kiện nhà đầu tư sớm hoàn vốn. 

Thực tế hiện nay, Sở GTVT cho biết, kinh phí đầu tư ban đầu cho các bãi đỗ xe là khá lớn trong khi đó giá trông giữ phương tiện theo quy định hiện tại là khá thấp, đặc biệt là khu vực các quận nội thành. Ưu tiên đầu tư các bãi đỗ xe ngầm, cao tầng thông minh để tận dụng, khai thác tối đa quỹ đất hiện có; có cơ chế khuyến khích, ưu đãi các nhà đầu tư trong việc áp dụng khoa học công nghệ trong quản lý, khai thác và vận hành các bãi đỗ xe.

Để tránh tình trạng bãi đỗ xe xây dựng lên phải cạnh tranh với các bãi đỗ xe trái phép hay bãi đỗ xe tạm bợ, Sở GTVT đề xuất xung quanh các khu vực đã được đầu tư bãi đỗ xe theo quy hoạch trong phạm vi bán kính khoảng 500m không cho phép khai thác sử dụng các bãi đỗ xe, điểm đỗ xe tạm thời trên lòng đường hoặc vỉa hè. 

Tuy vậy, các chuyên gia giao thông đô thị cho rằng, không phải bây giờ Hà Nội mới có quy hoạch về bến, bãi đỗ xe, mà từ 14 năm trước Quy hoạch 165 đã ra đời nhưng “chết yểu”. Bởi vậy, cốt yếu vẫn là xây dựng quy hoạch và giám sát việc thực thi ra sao thì mới hy vọng tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông tĩnh được cải thiện.

Tốc độ phương tiện gia tăng cao, 10%/năm với ô tô, 5% với xe máy trong khi giao thông tĩnh chỉ tăng 1% năm. Hà Nội đang thiếu trầm trọng các bãi, điểm đỗ xe nhưng nhiều lần quy hoạch đều bị phá quy hoạch, bãi đỗ xe thành nhà cao tầng.

“Do nhiều yếu tố khách quan như: các dự án bến, bãi đỗ xe trong Quy hoạch 165 mới chỉ mang tính định hướng và chưa có quy hoạch chi tiết; thay đổi địa giới hành chính (năm 2008), thay đổi quy hoạch chung xây dựng Thủ đô (năm 2011), công bố quy hoạch GTVT Thủ đô (năm 2016)… nên Quy hoạch 165 gặp rất nhiều khó khăn trong triển khai thực tế”.

Ông Trần Đức Hoạt, (Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội)