Phụ huynh "sơ ý" dạy con coi thường luật giao thông

ANTĐ - Giữa những cuồng quay của cuộc sống thị thành, thật dễ dàng để bắt gặp hình ảnh những người cha, người mẹ vội vã chạy xe xuống phố, tặc lưỡi bỏ quên bao quy tắc an toàn giao thông cần tuân thủ, rồi cứ thế bỏ quên luôn khối nhận thức non nớt, lẫn sự an toàn tính mạng của đứa trẻ phía sau xe. Có lẽ đây cũng chính là một phần lý do khiến học sinh Thủ đô luôn “ngây thơ vô số tội” khi tham gia giao thông.

Trước mặt con, cha mẹ vô tư phạm luật

Nếu chỉ là những lỗi hiếm gặp, phụ huynh có thể ngụy biện rằng do vội vàng không để ý, hay lâu ngày quên luật,… Thế nhưng, không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, lạng lách,… là những lỗi chỉ có cố tình mới vi phạm được, thì cha mẹ lại rất thường xuyên mắc phải trước mặt con.

Chị Nguyễn Thị Mai ở Cổ Nhuế, Từ Liêm thẳng thắn chia sẻ: “Công việc của tôi khá bận rộn, trường học của con trai lại chỉ cách nhà tầm hơn 1km, nên nhiều khi vội vàng đưa con đến trường cũng chẳng đội mũ bảo hiểm. Tôi nghĩ đơn giản là chỉ đi một đoạn thì không đội cũng chẳng sao”.

Không riêng gì chị Mai, rất nhiều ông bố bà mẹ khác cũng đang viện cớ và vi phạm luật, bất chấp ánh mắt tò mò học hỏi của các con.

Theo Điều 6 Nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013, trẻ em từ 6 tuổi phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Thế nhưng rất ít phụ huynh thực hiện điều này.

Phụ huynh "sơ ý" dạy con coi thường luật giao thông ảnh 2Em học sinh này không còn quá nhỏ để thanh minh rằng "chưa đến 6 tuổi ", nhưng vẫn không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.
Phụ huynh "sơ ý" dạy con coi thường luật giao thông ảnh 3

Dường như hầu hết phụ huynh vẫn xem nhẹ việc đội mũ bảo hiểm cho con

Không chỉ trẻ em, đến phụ huynh cũng "quên" không đội mũ bảo hiểm
Phụ huynh "sơ ý" dạy con coi thường luật giao thông ảnh 5Rất có thể vài năm nữa, các cháu lớn lên, được sắm xe điện và cũng không cần đến mũ bảo hiểm khi ra đường
Phụ huynh "sơ ý" dạy con coi thường luật giao thông ảnh 6
Phụ huynh vẫn trò chuyện vui vẻ với con, không chút áy náy vì bản thân đang vi phạm luật

“Sao y bản chính” từ hành vi của phụ huynh

Bởi vì chỉ đi một quãng gần nên cha mẹ cho phép bản thân và con không cần đội mũ bảo hiểm. Vì sắp muộn giờ học của con, quá giờ làm của bố mẹ nên vượt dăm ba giây đèn đỏ, lách một chút sang làn xe khác cũng không sao,… Những lý do hoàn toàn là ngụy biện đó của cha mẹ, vô tình ngấm dần vào nhận thức của con cái, rồi bỗng dưng biến thành "chính đáng" lúc nào không hay.

Chia sẻ về việc bố mẹ vi phạm luật giao thông, em Hoàng Thu Phương – Lớp 11D2, trường THPT Cầu Giấy cho biết: “Em cũng không ít lần thấy bố mẹ đi sai luật. Chỉ là những lỗi nhỏ như không đội mũ bảo hiểm, hoặc đôi khi thấy đường không đông, lại có nhiều người vượt lên trước, nên bố em đã vượt đèn đỏ”.

Bởi vì bố mẹ và người lớn xung quanh đã “vượt lên trước”, nên có lẽ khi tự mình tham gia giao thông, nhiều em học sinh cũng cho rằng, “những lỗi nhỏ” hoàn toàn có thể chấp nhận được.

Học sinh không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ba, vừa lái xe vừa trêu đùa vui vẻ

Rất nhiều học sinh THCS, THPT điều khiển xe máy và không đội mũ bảo hiểm

Cẩu thả trong chấp hành luật là cẩu thả với tương lai của con cái

Nói về việc giáo dục ý thức chấp hành luật giao thông cho con, anh Hoàng Công Cường, giảng viên Học viện Tài chính chia sẻ: “Vừa là một người thầy, vừa là cha của 2 đứa con, tôi luôn cố gắng nêu gương cho các con học tập. Bằng hành động cụ thể, những lần đưa đón con đi học, phải nghiêm chỉnh chấp hành tín hiệu giao thông. Dù nhà gần trường nhưng đều đội mũ bảo hiểm nghiêm chỉnh, dù đường vắng cũng không vượt đèn đỏ,… Giáo dục bằng phương pháp trực quan như vậy không hề khó, chỉ cần chú ý một chút là có thể tác động rất tích cực đến nhận thức và hành vi của các con. Tôi nghĩ đây là điều mà mọi ông bố bà mẹ nên làm”.

Đúng vậy! Một đứa trẻ có phát triển lành mạnh cả về thể chất và tinh thần hay không, phần nhiều phụ thuộc vào gia đình, đặc biệt là ảnh hưởng từ người cha, người mẹ. Ý thức tuân thủ luật giao thông cũng giống như nết ăn nết ở, chỉ cần được uốn nắn, làm gương từ nhỏ, ắt sẽ trở thành lề lối, thói quen.

 Lớp học về an toàn giao thông cho trẻ nhỏ ở Hàn Quốc rất đáng để học hỏi. Ảnh: Chương trình truyền thực tế The return of superman, Hàn Quốc

Hơn thế nữa, vi phạm các quy tắc an toàn giao thông có thể dẫn tới những hậu quả đau lòng. Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, hàng năm Việt Nam có tới 2.000 trẻ em tử vong vì tai nạn giao thông, trong đó việc trẻ không được đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong.

Như vậy, giáo dục con cái tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông, không chỉ để hướng các con trở thành những công dân tốt, mà hơn hết còn là để đảm bảo an toàn cho thế hệ tương lai. Thiết nghĩ mỗi bậc phụ huynh, chở con cái trên xe mà hành xử cẩu thả, thì chẳng khác nào đem cả nhân cách, cả mạng sống trong tương lai của con mình buông thả vào những vội vã và vị kỷ của bản thân!