Phạt nặng vi phạm về nồng độ cồn khi lái xe là cần thiết, vì sức khỏe, tính mạng của con người

ANTD.VN - Theo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia 2019, từ 1-1-2020 nghiêm cấm người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt cũng giữ nguyên quan điểm này. Theo đó, các hành vi vi phạm về nồng độ cồn bị phạt lên tới 40 triệu đồng.

Sau hơn 1 tuần các văn bản trên có hiệu lực thi hành, hiện có nhiều cá nhân có quan điểm trái chiều về quy định nói trên. Họ viện cớ rằng, dù không uống rượu bia, nhưng nồng độ cồn có thể vẫn cao do trước đó người điều khiển giao thông sử dụng một số loại hoa quả, thực phẩm, thuốc... Vì vậy, nếu kiểm tra nồng độ cồn sẽ cho kết quả thiếu chính xác, dẫn đến nguy cơ không ít người tham gia giao thông bị phạt tiền “oan”…

Phạt nặng vi phạm về nồng độ cồn khi lái xe là cần thiết, vì sức khỏe, tính mạng của con người ảnh 1CSGT kiểm tra nồng độ cồn của người đi đường

Bao biện để chống đối

Theo các chuyên gia y tế, có một số thực phẩm khi sử dụng có thể làm tăng nồng độ cồn trong cơ thể như quả vải, sầu riêng, xoài, dứa... Tuy vậy, nồng độ cồn trong các loại thực phẩm này đều không cao và sẽ bay hơi sau một thời gian ngắn. Khi sử dụng các loại thực phẩm, thuốc có chứa ethanol, mỗi cá nhân nên nghỉ ngơi ít nhất từ 15-30 phút mới tham gia giao thông.

Đối với việc sử dụng rượu bia khi lái xe, một số cá nhân hiện chỉ tập trung vào việc làm sao để uống và không bị phạt mà phớt lờ những mục tiêu tốt đẹp, quan trọng của Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia. Đó là sự cảnh báo về tác hại và tiến tới giảm dần việc sử dụng rượu bia để giảm bệnh tật, tử vong và những hệ luỵ xấu cho xã hội từ bia rượu. Sự phớt lờ đó là không thể chấp nhận được”. 

Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội

Theo bác sỹ Nguyễn Thanh Hải (Đại học Y Hải Phòng), thời gian để không còn nồng độ cồn trong máu phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như liều lượng, loại rượu uống, nồng độ rượu, tình trạng sức khỏe, bệnh lý của người sử dụng… Song, để chuyển hóa hết hoàn toàn một đơn vị cồn, cơ thể phải mất 1-2 giờ (một đơn vị cồn khoảng 10 gram cồn nguyên chất, tương đương với 2/3 lon bia 330ml nồng độ 5%, một ly rượu vang 100ml có nồng độ cồn 13%, một chén rượu 30ml có nồng độ cồn 40%).

“Việc ban hành Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP là cần thiết và rất kịp thời, vì sức khỏe, tính mạng của con người. Bởi bất kể nồng độ cồn là bao nhiêu thì cũng đều ảnh hưởng tới hệ thần kinh của người sử dụng, dẫn tới nguy cơ lái xe không an toàn. Để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh, người dân không nên sử dụng rượu bia trước và trong khi tham gia giao thông” - Bác sỹ Hải nhấn mạnh.

Gần đây nhất, Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng - Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) cũng khẳng định, không có chuyện ăn hoa quả hay uống siro mà bị xử phạt. Cục CSGT đã quán triệt tới các đơn vị, nếu lái xe trình bày vừa ăn hoa quả hoặc uống siro thì sẽ cho họ uống nước hoặc 5 phút sau kiểm tra lại. Kết quả thông báo không có nồng độ cồn thì không xử lý, ngược lại, nếu chính xác có nồng độ cồn thì phải xử lý theo quy định.

Ngoài ra, lực lượng CSGT được trang bị camera giám sát, khi kiểm tra nồng độ cồn phải quay toàn bộ quá trình làm việc nên rất khó xảy ra tiêu cực. Được biết, quy trình kiểm tra, xét nghiệm nồng độ cồn của lực lượng CSGT hiện nay rất chính xác, rất khó để xảy ra trường hợp “xử oan”. Thực tế từ trước đến nay cho thấy chưa có trường hợp nào ăn hoa quả trước khi điều khiển phương tiện phát sinh nồng độ cồn mà bị phạt. Chỉ có những người viện cớ, chống đối người thi hành công vụ... mới đưa ra lý do đó.

Phạt nặng vi phạm về nồng độ cồn khi lái xe là cần thiết, vì sức khỏe, tính mạng của con người ảnh 2Số ca bệnh nhập viện do sử dụng rượu bia giảm đáng kể sau khi Nghị định 100 có hiệu lực

Nghị định 100 không mâu thuẫn với Luật Giao thông đường bộ

Về hành vi sử dụng rượu bia trước và trong khi lái xe, Nghị định 100/2019/CP-NĐ quy định, người điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn sẽ phạt tiền tối đa từ 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 22 - 24 tháng nếu nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/1 lít khí thở. Người điều khiển xe mô tô bị phạt tới 8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng. Thậm chí, người điều khiển xe đạp, xe thô sơ nếu vi phạm về nồng độ cồn cũng sẽ bị phạt tiền cao nhất là 600.000 đồng.

Sau khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, một số cá nhân cho rằng, văn bản này mâu thuẫn với Luật Giao thông đường bộ 2008. Bởi Luật Giao thông đường bộ chỉ nghiêm cấm người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50ml/100ml máu hoặc 0,25mg/1 lít khí thở. Nghĩa là, Luật Giao thông đường bộ không hề cấm đối với người đi xe máy có nồng độ cồn chưa vượt quá 50mg/100ml máu hoặc 0,25mg/1 lít khí thở và cũng không hề có quy định cấm người đi xe đạp có nồng độ cồn.

Phân tích quy định trên dưới góc độ pháp lý, luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, thời gian qua, số lượng các vụ tai nạn giao thông do lái xe uống rượu bia ngày càng tăng. Do đó, việc Luật Phòng chống tác hại của rượu bia 2019 được áp dụng chắc chắn sẽ giảm đáng kể tai nạn giao thông, đảm bảo ANTT xã hội. Mặt khác, quy định tại Nghị định 100 về xử phạt nồng độ cồn không hề mâu thuần với Luật Giao thông đường bộ bởi khoản 1, Điều 35 Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia 2019 đã sửa đổi, bổ sung khoản 8, Điều 8 của Luật Giao thông đường bộ 2008 thành “nghiêm cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Do vậy, quy định tại Nghị định 100 là hoàn toàn phù hợp với Luật Giao thông đường bộ (sau khi đã được sửa đổi bởi Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia). 

“Thời gian qua, một số quy định mới được ban hành ban đầu khó được người dân chấp nhận như quy định người ngồi trên xe gắn máy bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, quy định này đã nhanh chóng đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả rất tích cực trong việc giảm thiểu tai nạn giao thông, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người đi đường. Đối với việc sử dụng rượu bia khi lái xe, một số cá nhân hiện chỉ tập trung vào việc làm sao để uống và không bị phạt mà phớt lờ những mục tiêu tốt đẹp, quan trọng của Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia. Đó là sự cảnh báo về tác hại và tiến tới giảm dần việc sử dụng rượu bia để giảm bệnh tật, tử vong và những hệ luỵ xấu cho xã hội từ bia rượu. Sự phớt lờ đó là không thể chấp nhận được” - luật sư Lê Hồng Vân nhận định.

Tạo lập nên hệ thống chế tài phù hợp và nghiêm minh

Phạt nặng vi phạm về nồng độ cồn khi lái xe là cần thiết, vì sức khỏe, tính mạng của con người ảnh 3

Chúng ta ban hành và đưa vào áp dụng Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ đã tạo lập nên một hệ thống chế tài tương đối phù hợp nghiêm minh, đủ sức răn đe đối với các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về trật tự ATGT đường bộ, đường sắt nói chung. Đặc biệt là nhóm hành vi có nguy cơ cao dẫn đến TNGT như vi phạm quy định về nồng độ cồn, hành vi vi phạm về tốc độ, điều khiển phương tiện vào đường cấm, lùi xe hay đi ngược chiều trên cao tốc… hay một số hành vi vi phạm về tín hiệu giao thông. 

Sau khoảng 10 ngày thực hiện, số lượng những hành vi vi phạm pháp luật về ATGT nói chung giảm, số vụ  TNGT, đặc biệt là số người chết do TNGT giảm rất sâu so với bình quân của năm 2019. Thống kê 6 ngày đầu tiên khi Nghị định 100 đi vào cuộc sống cho thấy, toàn quốc xảy ra 137 vụ TNGT, chết 103 người, bình quân có 17 người chết/ngày. Trong khi đó, năm 2019 bình quân có 21 người  chết/ngày vì TNGT. Đây là cái chúng ta nhận được từ sự tác động trực tiếp của quy định này. Đánh giá về dư luận, chúng tôi thấy đại đa số người dân ủng hộ, đặc biệt rất ủng hộ chế tài tăng nặng với hành vi vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông.

Hãy nhớ lại năm 2007, thời điểm thực hiện bắt buộc người dân đi mô tô, xe máy phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Khi chúng tôi tổng kết 10 năm thực hiện quy định này, Quỹ Phòng chống thương vong châu Á, Tổ chức Y tế thế giới đều đưa ra con số rất xúc động như giảm 15.000 người chết, giảm 500.000 vụ chấn thương đầu, giảm thiệt hại kinh tế cho Việt Nam khoảng 3,5 tỷ USD. Chúng tôi có kỳ vọng mạnh mẽ trong việc chuyển biến ý thức của người dân nói chung, người tham gia giao thông nói riêng, giúp kéo giảm hành vi vi phạm pháp luật về ATGT, kéo giảm số vụ TNGT, đồng thời góp phần quan trọng trong việc kéo giảm hành vi vi phạm pháp luật có nguồn gốc từ rượu  bia gây ra, hơn nữa giảm tác hại của việc lạm dụng rượu bia đối với sức khỏe người dân.

Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia

Uống 1 lon bia bị phạt 7 triệu đồng vẫn là quá nhẹ so với tính mạng con người

Phạt nặng vi phạm về nồng độ cồn khi lái xe là cần thiết, vì sức khỏe, tính mạng của con người ảnh 4

Mấy ngày nay, trên cộng động mạng xôn xao về Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2020. Trong đó, không ít ý kiến cho rằng, mức xử phạt là quá nặng tay. Tôi cho rằng, mức xử phạt như vậy chẳng có gì là quá khi so sánh với mạng người phải đánh đổi nếu xảy ra tai nạn. Đối với những người tham gia giao thông, đã uống rượu bia là không cầm lái. Đó là hành động tôn trọng những người xung quanh và tôn trọng chính bản thân mình. Những vụ tai nạn đau lòng như cái chết bất ngờ của nữ nhân viên phục trang Nhà hát Kịch Việt Nam hay cái chết thương tâm của cô gái vừa tốt nghiệp Đại học từ Singapore về đều có chung một nguyên nhân là lái xe gây ra tai nạn có nồng độ cồn trong máu. Tương lai vời vợi của cô gái trẻ hay sự mong ngóng của những đứa con thơ chờ mẹ trở về đã hoàn toàn sụp đổ chỉ vì… rượu bia. Vậy thì, uống 1 lon bia bị phạt tới 7 triệu đồng vẫn là quá nhẹ. Tôi mong các chế tài mạnh tay của pháp luật sẽ đi vào cuộc sống và đủ sức răn đe với những người có thói quen lái xe khi đã uống rượu bia. 

Nhà biên kịch Chu Thơm - nguyên Phó phòng phụ trách Phòng Nghệ thuật, Cục Nghệ thuật Biểu diễn 

Miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời

Phạt nặng vi phạm về nồng độ cồn khi lái xe là cần thiết, vì sức khỏe, tính mạng của con người ảnh 5

Có muôn vàn lý do để bao biện cho việc lái xe khi đã làm vài chén rượu hay vài lon bia. Nên khi Luật Phòng chống tác hại của rượu bia chính thức có hiệu lực đã làm nhiều người cảm thấy bực bội, khó chịu vì… không quen và bị kìm hãm một thói quen, một thú vui rất cố hữu của người Việt. Tôi vẫn nhớ, trước đây Nhà nước cấm sản xuất và đốt pháo đã làm nhiều người cảm thấy luyến tiếc vì cho rằng, như thế sẽ mất đi nét đẹp ngày xuân. Nhưng sau thời gian thực hiện, suy nghĩ này đã thay đổi. Không có pháo, ngày Tết còn trọn vẹn hơn vì không xảy ra các vụ tai nạn đau lòng. Và lần này, tôi cũng tin Luật Phòng chống tác hại của rượu bia sẽ phát huy được hiệu quả như vậy. Với tác nhân làm cho con người trở nên chuếnh choáng và không làm chủ được bản thân, làm chủ tốc độ khi tham gia giao thông, rượu, bia cần được loại bỏ đối với các chủ phương tiện. Hay nói cách khác, khi đã có hơi men thì không cầm lái. Như các cụ vẫn nói “miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời”, luật phải nghiêm mới đủ sức răn đe với người dân. Tôi hoàn toàn ủng hộ Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100 vừa có hiệu lực. 

Ông Triệu Trung Kiên - quyền Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam

Giảm tai nạn giao thông do rượu bia là điều cả xã hội mong muốn

Phạt nặng vi phạm về nồng độ cồn khi lái xe là cần thiết, vì sức khỏe, tính mạng của con người ảnh 6

Là bác sĩ, chúng tôi rất đau xót khi chứng kiến nhiều cái chết bắt nguồn từ việc người điều khiển phương tiện say rượu rồi gây tai nạn cho người khác hoặc cho chính họ. Đằng sau những cái chết đó còn là hệ lụy nghiêm trọng cho xã hội, là nỗi đau không thể nào nguôi của gia đình các nạn nhân. Chính vì thế, chúng tôi rất kỳ vọng vào quy định mới xử phạt nặng vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Thông thường, số ca tai nạn giao thông có liên quan đến sử dụng rượu bia luôn tăng vọt vào dịp lễ Tết. Vì thế, dịp Tết tới đây chính là bài test để kiểm chứng và đánh giá sự tác động của quy định nói trên. Sau Tết, Bệnh viện Bạch Mai sẽ có tổng hợp số liệu cụ thể về các ca ngộ độc rượu, các ca tai nạn liên quan đến rượu bia nhập viện cấp cứu, tử vong và có so sánh với số liệu cùng thời điểm các năm trước. Cá nhân tôi tin rằng, khi người dân hạn chế rượu bia, chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ thì tai nạn sẽ giảm.

TS.BS Dương Đức Hùng - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai