Phải đặt tính mạng hành khách lên cao

ANTĐ - Tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến xe khách giường nằm ngày một gia tăng. Nhiều chuyên gia, nhà quản lý đã kiến nghị cần có điều kiện lưu hành đối với loại xe này, đặc biệt là hoạt động về ban đêm trên đường đèo dốc, nhưng chưa được cơ quan chức năng quan tâm. 

Cần phải có các điều kiện quy định an toàn đối với xe khách giường nằm

Đã cảnh báo nhưng bị phớt lờ

Do thuận tiện cho hành khách nghỉ ngơi, lại thường chạy vào ban đêm nên xe giường nằm thu hút được lượng khách khá lớn. Hiện, cả nước có 4.500 xe khách giường nằm, khoảng một nửa số xe này có các tuyến chạy qua khu vực miền núi. Công ty Quản lý Bến xe Hà Nội cho biết, bến xe Mỹ Đình hiện có 130 xe; Bến xe Giáp Bát 50 xe. Tại bến xe Nước Ngầm, khoảng 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ có một chuyến xe khách giường nằm xuất bến.

Đáng nói, tỷ lệ TNGT liên quan đến loại xe này cũng tăng cao trong những năm gần đây. Ước tính, trong năm 2013, 90% số vụ TNGT xe khách có liên quan đến xe giường nằm. Thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam cho thấy, từ đầu năm 2013 đến nay, đã có 22 vụ TNGT liên quan đến xe khách giường nằm. Trong đó, 19/22 vụ xảy ra trong khoảng thời gian từ 21 giờ tối đến 7  giờ sáng;  30% số vụ tai nạn xảy ra trên đường đèo núi. Ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, tất cả các xe gây tai nạn đều được đăng kiểm, đảm bảo góc nghiêng, trọng tâm. Tuy nhiên, khi xảy ra nhiều vụ tai nạn liên quan đến xe giường nằm, Cục Đăng kiểm sẽ siết chặt điều kiện hoạt động của xe này như giảm số giường, có lối thoát hiểm....

Trước thực trạng báo động về TNGT liên quan đến xe khách giường nằm, năm 2013, ông Nguyễn Hoàng Hiệp khi ấy đang là Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia (hiện là Phó Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn) đã kiến nghị, cần đưa ra các điều kiện quy định an toàn khi lưu hành xe giường nằm. Thứ nhất, điều kiện an toàn của xe giường nằm 2 tầng có phù hợp với cơ sở hạ tầng của Việt Nam hay không? Thứ hai, cần xem xét lại các điều kiện để chạy loại xe này, ví dụ như độ tuổi và kinh nghiệm của lái xe, tốc độ tối đa của loại xe này là bao nhiêu, thời gian, cung đường nào xe này được chạy…. 

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội từng nghi ngờ về trọng tâm của xe khách giường nằm khi bị hoán cải, lắp ráp, xếp hàng hóa  ở gầm gây lệch trọng tâm. “Tôi không tin tưởng vào trọng tâm của các loại xe giường nằm được hoán cải khi vào cua hoặc chạy đường đồi núi, đèo cao. Nếu lái xe tay nghề không vững lại thêm yếu tố lạ đường sẽ rất nguy hiểm”.

Sẽ cấm xe giường nằm chạy đường núi quanh co

Năm 2013, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã yêu cầu Tổng cục Đường bộ nghiên cứu đề xuất các quy định quản lý xe giường nằm, xe chạy đêm. Tuy vậy, Bộ GTVT vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô nhưng không có nội dung quy định cụ thể đối với loại xe khách giường nằm. Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết: “Chúng tôi đang yêu cầu các cơ quan chức năng tổng hợp lại các vụ TNGT liên quan đến xe khách giường nằm. Phân tích, đánh giá cụ thể về điều kiện tham gia giao thông khi xảy tai nạn, điều kiện hạ tầng, kết cấu đường… để quy định chi tiết về điều kiện tham gia giao thông của xe khách giường nằm”.

Tại cuộc họp sáng 3-9, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho rằng, vụ tai nạn xe khách giường nằm đặc biệt nghiêm trọng tại Lào Cai ngày 1-9 là dịp cơ quan chức năng rút ra nhiều bài học. Đó là phải sửa đổi các quy định về xe khách giường nằm. Ông Đinh La Thăng yêu cầu sửa đổi quy định theo hướng, xe giường nằm không được hoạt động trên đường miền núi quanh co vì rất dễ đổ. Bên cạnh đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải rà soát toàn bộ hộ lan trên Quốc lộ 4D đoạn Sa Pa - Lào Cai, bởi qua quan sát tại hiện trường cho thấy, hộ lan được làm bằng sắt khá yếu và thấp. “Phải thử tải hộ lan nơi đèo dốc nguy hiểm. Những đoạn hộ lan trên đường 4D cho thấy, đơn vị thi công chỉ cố tiêu tiền chứ không lo tính mạng người dân”, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhận định.

Để đảm bảo an toàn cho loại xe giường nằm, các nước trên thế giới đã đưa ra các biện pháp quản lý chặt chẽ lái xe, thời gian được phép cầm lái, yêu cầu hành khách sử dụng dây đai an toàn khi đi xe... Ngoài ra, còn khuyến nghị hạn chế việc vận hành xe vào ban đêm, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 2-5 giờ sáng để hạn chế khả năng buồn ngủ hoặc phản ứng chậm, không tỉnh táo của người lái; sử dụng lái xe có kinh nghiệm và quen đường để lái xe khách trên các tuyến đường dài. 

Điểm lại những vụ tai nạn xe giường nằm chấn động

- Đêm 7-4-2014, xe khách giường nằm chất lượng cao của nhà xe Phương Trang mang BKS: 54B-05795 chạy tuyến Đà Lạt-TP.HCM bị lật tại Km 211+800, trên đường cao tốc Liên Khương-Prenn Đà Lạt, đoạn qua xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng). Vụ tai nạn làm 13 người bị thương. 

- Rạng sáng 26-12-2013, tại Km359+400 Quốc lộ 6 (đoạn lưng đèo Pha Đin, thuộc địa phận xã Mường É, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La), xe khách giường nằm loại 29 chỗ BKS: 27B-000.46 chạy tuyến Hà Nội - Điện Biên, lái xe đã đâm thẳng vào taluy, rơi xuống vực sâu khoảng 70m. Một hành khách đã tử vong ngay tại chỗ và 5 người khác bị thương nặng.

- Khoảng 2h sáng 23-12-2013, xe giường nằm BKS: 77B-007.88 chạy hướng Nam - Bắc đến địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã đâm vào xe tải BKS: 77C-042.82 chạy chiều ngược lại. Phụ xe giường nằm chết tại chỗ, 2 lái xe giường nằm và xe tải bị thương rất nặng.

- Tháng 6-2013, xe khách giường nằm BKS: 30X-8957 đang lưu thông trên Quốc lộ 1A, hướng từ Tam Kỳ về Đà Nẵng, khi tới đường tránh Vĩnh Điện, huyện Điện Bàn, Quảng Nam, xe lật xuống ruộng khiến 3 người chết, hơn 20 người bị thương.