Những lỗi lái xe hay mắc phải, dẫn đến tai nạn đáng tiếc

ANTD.VN - Tai nạn giao thông xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có sự cố liên quan đến lái xe như chủ quan, say rượu, chạy quá tốc đô%3ḅ…

Chủ quan - nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn giao thông

Số vụ tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt nghiêm trọng vẫn còn ở mức cao, đặc biệt là những vụ tai nạn do xe khách gây ra khiến nhiều người chết, bị thương... Đáng chú ý, nguyên nhân chủ yếu gây ra những vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng là do lỗi chủ quan của người điều khiển phương tiện.

Chủ quan là điều các lái xe cần tránh (Ảnh minh họa: Internet)

Những lỗi chủ quan thường gặp nhất của người điều khiển phương tiện giao thông để xảy ra tai nạn là: cố gắng lái xe trong khi mệt mỏi, buồn ngủ. Người phóng nhanh tin vào khả năng lái xe của mình. Người nói chuyện điện thoại nghĩ mình có thể kiểm soát được tay lái... Khi tai nạn xảy ra họ có hối tiếc thì cũng đã muộn.

Theo phân tích của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trên 90% nguyên nhân của những vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng từ đầu năm đến nay là do chủ quan của người lái xe. Các biểu hiện điển hình là: xử lý tình huống không tốt, lái xe liên tục nhiều giờ nên mệt mỏi, ngủ gật, chạy quá tốc độ, lấn làn, lấn đường...

Đáng lưu ý, những vụ tai nạn nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đều do lái xe có kinh nghiệm gây ra. Khi cầm lái họ thường thao tác theo bản năng, tin vào kinh nghiệm lái xe của mình mà lơ là mất cảnh giác, gây TNGT.

Không sử dụng gương chiếu hậu bên

Phần lớn các dòng xe đều được trang bị gương chiếu hậu hai bên. Gương chiếu hậu đặt trong xe cũng có thể giúp tài xế quan sát phía sau nhưng chưa đủ để loại bỏ tất cả điểm mù. Do đó, việc sử dụng kết hợp mới đem đến một góc nhìn toàn cảnh.

Không dự đoán tình hình giao thông 

Không chú ý quan sát và chủ quan, tài xế rất dễ gây tai nạn (Ảnh minh họa: Internet)

Không ít người có thói quen nhấn ga và phóng nhanh khi thấy phía trước không có nhiều phương tiện đang lưu thông hoặc nghĩ rằng sẽ không có ai bất ngờ xuất hiện trên đường, ngay cả khi băng qua những đoạn giao nhau, đặc biệt khi trời tối.  Do đó, hầu hết các vụ tai nạn thường xảy ra vào ban đêm hoặc thời điểm sáng sớm do người lái không dự đoán trước được luồng giao thông đang tới. 

Nếu thường xuyên lái xe trên những tuyến đường quen, tài xế có thể chủ động hơn do lường trước được những tình huống có thể xảy ra. Ngược lại, ở những tuyến đường mới, tốt hơn hết nên điều khiển phương tiện một cách “điềm đạm” để kịp thời xử lý. 

Lái xe không tín hiệu

Hệ thống tín hiệu như đèn, còi… là một trong những phương tiện “giao tiếp” cơ bản giữa các xe ô tô đang lưu thông trên đường, chúng sẽ thông báo cho các tài xế để tránh những “hiểu nhầm” gây ra hậu quả không đáng có. Do vậy, việc lái xe với một thiết bị tín hiệu không hoạt động có thể là một sai lầm chết người. 

Không chấp hành tín hiệu đèn giao thông

Đây là hành động xấu trong văn hóa giao thông, và là hành vi nguy hiểm dẫn đến nhiều vụ TNGT đáng tiếc.

Chính vì vậy, mới đây đã có quy định về tăng mức phạt lỗi vượt đèn vàng nhằm xây dựng văn hóa giao thông và giảm thiểu tai nạn không đáng có.

Đi xe đường đèo

Đi xe đường đèo nguy hiểm nếu lái xe không có kinh nghiệm (Ảnh minh họa: Internet)

Để lái xe lên dốc, đổ đèo an toàn không chỉ đòi hỏi các tài xế phải am hiểu địa lý, thao tác linh hoạt mà kỹ năng lái xe cũng rất quan trọng.

Khi xuống đèo, xuống dốc lao nhanh và chạy theo quán tính. Xe trọng tải càng nặng, tốc độ càng nhanh thì quán tính của xe càng lớn. Hơn nữa nếu chạy bằng số càng cao thì quán tính của xe khi xuống dốc càng lớn.

Khi xuống dốc nhanh vượt quá ý muốn, theo trực giác nếu chúng ta phanh càng nhiều thì má phanh càng nóng dẫn tới cháy má phanh làm mất tác dụng phanh.

Má phanh cũ, đã bị mòn nhiều thì chất lượng càng kém hoặc má dán lỗi khi phanh gấp bong cả má gây nguy hiểm.

Ngoài ra có một số lỗi cơ bản khác như lái xe sau khi uống rượu bia, sử dụng điện thoại di động, không chấp hành nghiêm luật giao thông như đi sai làn đường, phóng nhanh, vượt ẩu…