Nhức nhối taxi dù tràn vào sân bay: Chẳng lẽ bó tay?

ANTD.VN - Cục Hàng không kiến nghị chính quyền địa phương, các xã (phường) lân cận cảng hàng không, sân bay giải quyết triệt để bãi tập kết taxi dù ở khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay.

Thỏa thuận miệng với khách hàng

Theo Cục Hàng không Việt Nam, hiện nay, các loại hình vận tải đang hoạt động tại các cảng hàng không, sân bay gồm có: Dịch vụ vận tải hành khách bằng taxi; xe dịch vụ hợp đồng; xe Limousine của các khách sạn; các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải các tuyến cố định từ sân bay đến các tỉnh, thành phố trong cả nước; xe taxi cá nhân (taxi dù): khách hàng sẽ thỏa thuận bằng miệng với lái xe về lộ trình và giá cước. Lái xe là lao động tự do, không chịu sự quản lý của bất kỳ doanh nghiệp nào nên khi có tiêu cực rất khó xử lý.

Tình trạng taxi dù hoạt động ở sân bay ngày càng phức tạp

“Loại hình taxi dù luôn là vấn đề bức xúc trong xã hội, do lái xe không chịu bất kỳ sự quản lý của doanh nghiệp nào, khi xảy ra tiêu cực rất khó truy tìm và xử lý. Chính vì vậy, việc chèo kéo, bắt khách, thu cước cao, lừa đảo, trộm cắp tài sản của hành khách... xảy ra rất nhiều và chủ yếu ở một số cảng hàng không quốc tế như Nội Bài, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất.

Taxi dù hoạt động mạnh nhất những khi có các chuyến bay hạ cánh vào sáng, chiều và đêm muộn. Có nhiều đối tượng cò taxi là các lái xe điện và những người sinh sống tại địa bàn lân cận quanh sân bay, xuất hiện hàng ngày tại nhà ga hành khách”, đại diện Cục Hàng không thông tin.

Phương thức hoạt động của cò taxi rất đa dạng, ngày càng tinh vi. Như taxi hoạt động trá hình theo kiểu đón người thân, đón khách hợp đồng, cầm biển tên hành khách cần đón và mời chào, chèo kéo khách tại các khu vực công cộng nhà ga hành khách, khu vực chờ đón xe hoặc các đối tượng lái xe điện tiếp cận, mời chào và thỏa thuận giá tiền đối với hành khách, sau đó các đối tượng này sẽ chở khách đến địa điểm taxi dù chờ sẵn, bàn giao khách cho lái xe đưa khách đến địa điểm mà khách yêu cầu.

Các xe taxi dù chủ yếu là những xe taxi loại Toyota Vios (5 chỗ ngồi) hoặc Toyota Innova (7 chỗ ngồi) không có logo, biển hiệu và mào taxi.

Cục Hàng không nhận định, taxi dù đã gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự tại cảng hàng không, lợi ích của hành khách và hình ảnh của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Riêng tại sân bay Tân Sơn Nhất, từ tháng 2 đến tháng đầu tháng 5-2018, Đồn Công an Cảng HKQT Tân Sơn Nhất đã phát hiện, tiếp nhận và xử lý 55 trường hợp taxi dù chèo kéo khách, bắt khách trong sân bay; phát hiện, tiếp nhận và xử lỷ 290 trường hợp xe ôm bắt khách trong khu vực Cảng HKQT Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, toàn bộ các trường hợp xe ôm này chỉ bị xử phạt với hành vi lấn chiếm lòng, lề đường gây cản trở giao thông.

Còn tại sân bay Nội  Bài, từ ngày 1-1-2017 đến 7-5-2018, Cảng vụ hàng không Miền Bắc đã yêu cầu lực lượng an ninh hàng không lập biên bản vi hạm và bàn giao cho Đồn Công an sân bay quốc tế Nội Bài xử lý theo quy định 383 trường hợp khai thác khách sai quy định.

Luân chuyển 3 tháng/lần nhân viên an ninh sân bay điều hành taxi

Cục Hàng không cho rằng, tình trạng taxi dù tràn vào sân bay ngày càng phức tạp có nguyên nhân một phần do chế tài xử lý của các cơ quan chức năng chưa đủ mạnh, không dứt điểm dẫn đến tình trạng một số đối tượng bị phát hiện vi phạm nhiều lần nhưng sau khi bị xử lý tiếp tục tái phạm.

Do vậy, Cục Hàng không kiến nghị chính quyền địa phương, các xã (phường) lân cận cảng hàng không, sân bay giải quyết triệt để bãi tập kết taxi dù ở khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay.

Đối với lực lượng an ninh hàng không, Cục Hàng không yêu cầu, nếu xuất hiện tiêu cực trong công tác quản lý của nhân viên phải có biện pháp xử lý nghiêm; luân chuyển 3 tháng/lần đối với các nhân viên trực tiếp tham gia điều hành taxi ra/vào bến bãi đón khách để tránh việc lợi dụng nhiệm vụ móc nối với cò taxi. Bên cạnh đó, cần kiểm soát chặt chẽ việc cấp thẻ cho xe ôtô ra vào sân đỗ ôtô tại cảng hàng không, sân bay…