Nhức nhối ATGT đường sắt: Càng kiểm tra càng ra vi phạm

ANTĐ - Trong hơn 20 ngày đầu tháng 8 triển khai kế hoạch tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm về kết cấu hạ tầng, trật tự ATGT đường sắt, hàng loạt vi phạm đã bị lực lượng chức năng xử lý. Điển hình trong số đó phải kể tới đường ngang dân sinh trái phép mở tràn lan. 

Nhức nhối ATGT đường sắt: Càng kiểm tra càng ra vi phạm ảnh 1Nhiều nơi người dân còn canh tác sát cả đường tàu gây nguy hiểm ATGT

Nóng với đường ngang dân sinh trái phép

Cung đường sắt tuyến Bắc-Nam từ ga Hà Nội đến huyện Phú Xuyên dài hơn 47km, được xem là một trong 6 tuyến đường sắt quan trọng nhất của Hà Nội. Đây cũng là tuyến được đầu tư khá lớn, nhất là hệ thống hành lang ATGT đường sắt, phòng ngừa tai nạn.

Theo đánh giá của Trung tá Lê Văn Tiến-Đội trưởng Đội CSGT số 14, Phòng CSGT đường bộ-đường sắt CATP Hà Nội: Kể từ khi có hệ thống hàng rào hộ lan đường sắt này, trật tự ATGT trên dọc tuyến đường sắt đi qua địa bàn đã được nâng cao. Tình trạng người dân, phương tiện vượt qua đường sắt tại những  điểm giao cắt, các khu vực dân cư, nhà dân đã giảm rõ rệt. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều đoạn, khu vực dân cư, hệ thống hàng rào hộ lan trên đã bị xâm hại nghiêm trọng. 

Qua ghi nhận của PV, trên suốt chiều dài gần 50km đường sắt từ ga Hà Nội đến hết địa phận huyện Phú Xuyên, tại những khu vực đi qua khu dân cư, tình trạng mất cắp hàng rào hộ lan diễn ra khá phổ biến. Điển hình tại khu vực Ngọc Hồi; Thiếu tá Vũ Văn Hoài - Đội trưởng Đội Khám nghiệm, tuyên truyền Luật Giao thông, Phòng CSGT đường bộ-đường sắt cho biết: Rất nhiều đoạn hàng rào hộ lan đã bị mất cắp. Điều trùng hợp là những vị trí hàng rào hộ lan bị mất trộm thiết bị đều nằm đối diện với các hộ dân sinh sống ở phía trong sát với đường sắt. Có điểm dù hàng rào không bị lấy đi, song đã bị tháo tung đinh vít, buộc lại sơ sài bằng các dây để thuận tiện cho việc đi lại của những hộ dân này.

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Sửu, Phó Trưởng CAH Thanh Trì, dọc tuyến đường sắt Bắc-Nam đoạn từ Km7+200 đến Km8+600 thuộc địa bàn thị trấn Văn Điển, các hộ dân đã xây dựng nhà ở, cửa hàng kinh doanh, buôn bán, tập kết hàng hóa, nguyên vật liệu xây dựng cũng như tự làm các lối mở dân sinh qua đường sắt. Tại một số đoạn đường sắt đi qua địa bàn các xã Vĩnh Quỳnh, Ngọc Hồi và thị trấn Văn Điển, các hộ dân trồng rau, dọc theo đường sắt.  

Kiến nghị nhiều, giải quyết chẳng bao nhiêu

Là địa bàn có tuyến đường sắt Hà Thái đi qua, quận Bắc Từ Liêm đang gặp khó khăn trong công tác đảm bảo ATGT đường sắt. Thượng tá Nguyễn Hữu Tâm, Phó Trưởng CAQ Bắc Từ Liêm cho hay, tại một số nút giao do người dân ở phường Cổ Nhuế 2 tự mở đã ảnh hưởng đến hoạt động đi lại của đoàn tàu cũng như tiềm ẩn nguy cơ TNGT đường sắt. CAQ Bắc Từ Liêm đã rất nhiều lần kiến nghị các cơ quan chức năng, ngành đường sắt cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống biển báo, rào chắn, xử lý kiên quyết đường ngang dân sinh trái phép song đến nay kết quả vẫn còn khá khiêm tốn.

Trên địa bàn huyện Gia Lâm, vi phạm về hành lang ATGT đường sắt khá phổ biến. Qua thống kê, trong tổng số 23 đường ngang giao cắt với đường sắt chỉ có 10 điểm hợp pháp, còn lại 13 đường ngang dân sinh mở trái phép. Đáng chú ý, toàn bộ hệ thống giao thông đường sắt đi qua 2 thị trấn, 5 xã trên địa bàn huyện Gia Lâm đều không có hàng rào bảo vệ. Trong nhiều năm qua, vi phạm hành lang ATGT đường sắt đoạn đi qua thị trấn Trâu Quỳ, Gia Lâm luôn là vấn đề nhức nhối.

Thông tin với PV, đại diện Phòng CSGT đường bộ-đường sắt cho biết: trong vòng 2 tháng (từ 20-5 đến 20-7), trên địa bàn thành phố đã xảy ra 9 vụ TNGT đường sắt, làm 7 người chết, 2 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2014, TNGT đã tăng 6 vụ, tăng 4 người chết, 2 người bị thương. Còn so với thời gian liền kề, TNGT đường sắt tăng 4 vụ, tăng 4 người chết. Những con số trên đã phần nào phản ánh sức ”nóng” của TNGT đường sắt cũng như hậu quả nặng nề từ việc vi phạm hành lang ATGT đường sắt.

Đề cập đến những giải pháp phòng ngừa TNGT đường sắt, từ cấp quận, huyện đến Phòng CSGT đều đã kiến nghị rất nhiều tới các cơ quan chức năng; như điều chỉnh giờ hoạt động của tàu, lắp đặt thêm hệ thống gác chắn, giải quyết dứt điểm những tồn tại, vi phạm hành lang ATGT đường sắt trên 6 tuyến... nhưng hồi âm từ phía cơ quan chức năng rất ít.

Đơn cử như Phòng CSGT đã kiến nghị ngành đường sắt bố trí người cảnh giới gác chắn ở 61 điểm, nhưng đến nay mới chỉ có 17 điểm được giải quyết. Chỉ huy Phòng CSGT khẳng định: Theo quy định, trách nhiệm quản lý hệ thống hành lang ATGT đường sắt thuộc về UBND quận, huyện, thị xã và các đơn vị thuộc ngành đường sắt. Tuy nhiên, sự quan tâm của những đơn vị trên trong công tác đảm bảo ATGT đường sắt còn rất hạn chế. Nếu cứ dồn hết mọi việc đảm bảo ATGT đường sắt cho lực lượng CSGT thì chắc chắn mục tiêu kiềm chế, làm giảm TNGT đường sắt sẽ rất khó khả thi.