Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông:

Nhiều kỳ vọng cải thiện bộ mặt giao thông công cộng Thủ đô

ANTD.VN - Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của cả nước sắp sửa đưa vào vận hành thương mại. Đến thời điểm này, hầu hết mọi khâu chuẩn bị liên quan đã hoàn tất, chỉ chờ đến ngày tàu lăn bánh để người dân trải nghiệm một loại hình vận tải công cộng mới, hiện đại.

Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sử dụng công nghệ đóng đường động, đang được áp dụng cho các hệ thống metro hiện đại nhất thế giới

Đường sắt đô thị số 2A Cát Linh - Hà Đông do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, với nguồn vốn ODA vay từ Trung Quốc. Dự án có tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD vào năm 2008, trong đó vốn của Chính phủ Việt Nam là 133,86 triệu USD, vốn vay ưu đãi của Trung Quốc là 419 triệu USD. Tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là hơn 800 triệu USD, đội vốn 250 triệu USD.

Vào ngày 20-10-2015, Ban QLDA Đường sắt, Bộ GTVT đã cho trưng bày mẫu tàu điện Cát Linh - Hà Đông tại triển lãm Giảng Võ (Ba Đình - Hà Nội). Theo đó, tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông sẽ có 13 đoàn tàu (52 toa xe) với 4 toa xe/đoàn tàu. Chiều dài đoàn tàu 79m, chiều cao toa tàu tính từ mặt ray đến đỉnh tàu 3,8m, độ rộng lớn nhất toa tàu 2,8m, tốc độ tối đa 80km/h, tốc độ khai thác trung bình ≥ 35km/giờ. Năng lực vận chuyển tối đa khoảng 28.500 hành khách/giờ/hướng. Phía ngoài tàu được sơn màu xanh lá cây, đầu tàu được trang trí bằng biểu tượng Khuê Văn các và dòng chữ trắng ghi rõ tên tuyến Cát Linh - Hà Đông.

Điểm đầu của tuyến tại nút giao cắt đường Cát Linh - Giảng Võ, đi theo đường Hào Nam, qua phố Hoàng Cầu tới đường Láng, sau đó chạy ngang qua sông Tô Lịch, dọc theo trục đường Nguyễn Trãi - Trần Phú - Quang Trung và kết thúc tại Bến xe Yên Nghĩa. Tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông được trang bị 13 đoàn tàu với hệ thống cung cấp điện từ ray thứ 3, có độ an toàn và ổn định cao cũng như đảm bảo mỹ quan đô thị. Đầu tàu là loại cabin lái hai chiều và có thể đổi chiều mà không cần quay đầu. Chiều dài trung bình toa xe là khoảng 20m với 4 cửa mỗi bên.

Khổ ray tiêu chuẩn là 1.435mm, sử dụng công nghệ hàn liền để đảm bảo tốc độ chạy cao, chống ồn, chống rung và có thiết bị chống trật bánh. Hệ thống thông tin tín hiệu sử dụng công nghệ hiện đại nhất trên thế giới, có khả năng đáp ứng linh hoạt các yêu cầu về tổ chức vận hành tàu, đảm bảo an toàn và độ chính xác cao. Hệ thống đóng đường và điều khiển chạy tàu áp dụng công nghệ CBTC (Communication Based Train Control). Đây là công nghệ đóng đường động, giúp rút ngắn thời gian giãn cách giữa các tàu. Công nghệ này đang được áp dụng cho các hệ thống metro hiện đại nhất của châu Âu và thế giới.

Toàn tuyến Cát Linh - Hà Đông có tất cả 12 nhà ga, được xây dựng và thiết kế theo phong cách, màu sắc riêng biệt. Hình thái nhà ga sử dụng mái cong, phù hợp với khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều của Việt Nam, trong đó phần mái sử dụng vật liệu lấy ánh sáng tự nhiên với khả năng chống gió và giảm bức xạ mặt trời...  Riêng ga Cát Linh được thiết kế đặc biệt, mang phong cách hiện đại, đem lại tiện nghi sống cho cư dân quanh khu vực.

Tại các nhà ga có bố trí các thiết bị thang máy, thang cuốn, thang bộ, camera an ninh, thiết bị hỗ trợ người khuyết tật, hệ thống thu soát vé tự động AFC, hệ thống thông gió... Khả năng thoát hiểm trong trường hợp khẩn cấp được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo an toàn tối đa cho hành khách. Trên tàu có khu vực ngồi dành riêng cho trẻ em, phụ nữ, người già và người khuyết tật. Hệ thống bảng thông tin chỉ dẫn được sử dụng song ngữ Việt - Anh.

Một trong những điểm khác biệt lớn nhất giữa tàu của đường sắt Cát Linh - Hà Đông so với tàu của tuyến đường sắt quốc gia là sự hạn chế tối đa về tiếng ồn. Mặc dù trong quá trình vận hành, đoàn tàu vẫn phát ra những âm thanh nhất định, nhưng so với đường sắt truyền thống mà chúng ta đang sử dụng, rõ ràng đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã có sự đột phá lớn.

Cũng bởi vậy, tuyến đường sắt đô thị này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và được người dân Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung mong đợi. Qua nhiều lần “chốt” tiến độ thì hạn chót đưa ra là cuối tháng 4-2019 tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sẽ đi vào vận hành thương mại. Tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng, sớm nhất cũng phải giữa năm nay, tuyến đường sắt này mới có thể chính thức vận hành.