Nhập ô tô không đủ tiêu chuẩn khí thải Euro 4: Doanh nghiệp sẽ buộc phải tái xuất

ANTD.VN - Thủ tướng Chính phủ yêu cầu không lùi thời hạn áp dụng lộ trình khí thải Euro 4 đối với ô tô chạy bằng động cơ xăng được sản xuất, lắp ráp từ năm 2017.

* Dán nhãn năng lượng không làm tăng giá xe

Từ 1-3-2017, xe ô tô lưu thông mới phải đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4

Dù Quyết định 49/2011/QĐ-TTg (Quyết định 49) đã ra đời từ năm 2011 và đưa lộ trình khá dài để các doanh nghiệp áp dụng, nhưng cuối năm 2016, đầu năm 2017, hàng loạt doanh nghiệp lắp ráp, nhập khẩu ô tô đã kiến nghị Chính phủ lùi thời hạn áp dụng quy định này. 

Trong thời gian chờ đợi câu trả lời từ Chính phủ, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục nhập ô tô động cơ tiêu chuẩn khí thải chỉ ở mức Euro 2 và 3. Đặc biệt, một số doanh nghiệp nhập khẩu hồi đầu năm 2017 đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam tạo điều kiện cho giải tỏa xe về kho của doanh nghiệp, giải phóng kho bãi tại cảng biển. Dư luận đặt nghi vấn, phải chăng Cục Đăng kiểm đã “tiếp tay” cho doanh nghiệp nhập khẩu xe không còn phù hợp với quy định về nước lưu hành. 

Vẫn nhập xe dưới tiêu chuẩn Euro 4

Là doanh nghiệp đã nhập khẩu hơn 100 xe ô tô tải nhãn hiệu CHENLONG của Trung Quốc động cơ Euro 2 và 3 được ký kết từ cuối năm 2016 nhằm phục vụ khách hàng đầu năm 2017, ông Hoàng Văn Thuận, đại diện Công ty TNHH Thương mại Tài chính Hải Âu cho biết, những dòng xe mà công ty nhập về nằm trong thời gian theo lộ trình khí thải áp dụng.

Theo ông Hoàng Văn Thuận, một lô hàng từ cửa khẩu nhập về làm thủ tục khoảng 10-15 ngày. Trong thời gian chờ đợi giải quyết kiến nghị sửa đổi Quyết định 49, để giảm các chi phí đặt hàng, kho bãi, nhân công, lãi suất…, doanh nghiệp tạm thời xin cơ quan chức năng mang hàng về bảo quản, chưa thực hiện kiểm duyệt, thông quan.

“Các xe dù được đưa về ở sân bãi của công ty nhưng vẫn trong diện giám sát của phía hải quan. Công ty chỉ xin Cục Đăng kiểm Việt Nam tạm cấp sổ đăng ký kiểm tra để đưa hàng về bảo quản kho bãi tốt hơn, giảm chi phí và an ninh, bảo hành, bảo dưỡng xe… Nếu đề xuất của doanh nghiệp không được chấp nhận, chúng tôi sẽ chấp hành và tái xuất lô hàng”, đại diện Công ty TNHH Thương mại Tài chính Hải Âu thông tin. 

Trả lời câu hỏi về việc vì sao doanh nghiệp vẫn cố tình nhập khẩu xe không đạt tiêu chuẩn khí thải dù Quyết định 49 đã có từ lâu, đại diện Công ty TNHH Thương mại Tài chính Hải Âu trần tình, căn cứ vào điều kiện thực tế, đến nay Việt Nam vẫn chưa có các trạm nhiên liệu đáp ứng được tiêu chuẩn khí thải Euro 4. Hơn nữa, thời gian qua, doanh nghiệp cũng “nghe ngóng” động thái của các bộ, ngành cũng như Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam nên mới quyết định vẫn ký nhập khẩu lô xe về. 

 “Trong quá trình kiểm soát chất lượng, không chỉ về khí thải, các lô hàng xe không đạt tiêu chuẩn theo quy định sẽ phải tái xuất”. 

Ông Đặng Việt Hà,Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam

Nhiều công ty nhập khẩu, lắp ráp, sản xuất ô tô cũng có hành động tương tự. Mới đây, Công ty cổ phần Ô tô TMT cũng đã có kiến nghị Bộ GTVT xem xét lô hàng của đơn vị này ký kết nhập khẩu từ cuối năm 2016 và về nước vào đầu năm 2017.  Băn khoăn lớn nhất mà các doanh nghiệp ô tô đưa ra là Việt Nam chưa có tiêu chuẩn về nhiên liệu, nhiên liệu tương đương khí thải Euro 4 đến nay chưa bộ, ngành nào chỉ ra được. 

Chỉ tạo điều kiện giải tỏa lô hàng về kho

Trước nghi ngờ của dư luận, đại diện Công ty TNHH Thương mại Tài chính Hải Âu phủ nhận việc doanh nghiệp “đi đêm” với Cục Đăng kiểm Việt Nam để xin được giải tỏa lô hàng về kho bãi của công ty, sau đó sẽ tìm cách “tuồn” số xe không đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4 ra ngoài. “Điều này là không thể thực hiện được vì ngoài cơ quan đăng kiểm còn có các khâu kiểm duyệt từ hải quan. Không doanh nghiệp nào nhập ô tô tiêu chuẩn khí thải Euro 2 về nâng cấp lên Euro 4 để bán cho khách hàng vì không vượt qua được các quy định khắt khe của Cục Đăng kiểm, Hải quan”, ông Hoàng Văn  Thuận cho biết. 

Liên quan đến những nghi vấn xung quanh việc giải quyết các lô ô tô đã nhập khẩu không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải Euro 4 của doanh nghiệp, ông Đặng Việt Hà, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam khẳng định: “Không có chuyện Cục Đăng kiểm “bắt tay” hoặc có tiêu cực trong việc cấp chứng nhận đăng kiểm cho doanh nghiệp nhập các loại xe dưới tiêu chuẩn khí thải “thông hành”.

Theo lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, Bộ GTVT chỉ đạo Cục Đăng kiểm triển khai nghiêm Quyết định 49 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, trách nhiệm của cơ quan quản lý là kiểm định chặt chẽ các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp tồn đọng hàng hóa, không có sản phẩm ôtô Euro 2 được đưa ra thị trường tại thời điểm này.

Theo ông Đặng Việt Hà, cơ quan đăng kiểm, hải quan có trách nhiệm phối hợp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bằng biện pháp tạm giải phóng hàng ở cửa khẩu, thực chất đây không phải là thông quan, hay làm thủ tục đăng kiểm cho lô hàng. “Trong quá trình kiểm soát chất lượng, không chỉ về khí thải, các lô hàng xe không đạt tiêu chuẩn theo quy định sẽ phải tái xuất. Cục Đăng kiểm không hề có tiêu cực trong việc cấp chứng nhận đăng kiểm cho các loại xe dưới tiêu chuẩn khí thải nhập về Việt Nam”, lãnh đạo Cục Đăng kiểm nhấn mạnh.

Bắt buộc phải dán nhãn năng lượng

Trong một diễn biến khác, mới đây Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký quyết định về danh mục phương tiện phải dán nhãn năng lượng. Nhóm ô tô 9 chỗ trở xuống sẽ bắt buộc thực hiện từ 1-1-2018 và xe máy bắt buộc từ 1-1-2020.

Nhiều người tiêu dùng bày tỏ sự lo lắng, liệu quy định này có gây phiền hà cho người dân và liệu có ảnh hưởng đến giá xe? Trả lời vấn đề này, các hãng xe tại Việt Nam cho biết việc dán thêm nhãn năng lượng không làm tăng giá vì chi phí cho mỗi tem rất thấp, không đủ lớn để cộng thêm vào giá. Người mua không phải thực hiện bất cứ nghĩa vụ nào. Thực tế, nhãn năng lượng đã áp dụng với xe 7 chỗ trở xuống từ năm 2015, là một nhãn nhỏ dán bên hông xe, ghi thông tin về loại xe, loại nhiên liệu, mức tiêu thụ nhiên liệu trong và ngoài đô thị.

Có hai loại nhãn giống nhau về nội dung nhưng khác nhau về màu sắc là nhãn xanh và nhãn vàng. Trong đó, nhãn xanh do Cục Đăng kiểm cấp, số liệu trên nhãn do Cục này trực tiếp thử nghiệm. Nhãn vàng có thông tin do hãng xe tự thử nghiệm, Cục Đăng kiểm chỉ kiểm tra bộ hồ sơ và phương pháp thử nghiệm mà không tiến hành đo đạc thực tế. Khi nhãn năng lượng trở thành bắt buộc, hãng phải dán nhãn này thì Cục Đăng kiểm mới cấp Giấy chứng nhận lưu hành cho ô tô.

Nói cách khác, nếu không dán nhãn thì không thể bán xe trên thị trường. Với người sử dụng ô tô, nhãn năng lượng là một căn cứ lý thuyết để so sánh giữa các xe khi có ý định mua xe, nhằm tìm kiếm loại xe “uống” ít xăng hơn, mức khí thải theo đó cũng ít hơn. Còn đối với các xe đang lưu thông hiện hành không nằm trong quy định này.

Nhãn năng lượng là khâu bắt buộc ở hầu hết các nước phát triển, nhằm quản lý mức tiêu thụ nhiên liệu và khí thải ra môi trường. Nhưng cũng bởi nhãn năng lượng mà nhiều hãng vướng vào vòng lao lý khi bị phát hiện gian lận con số cung cấp trên nhãn năng lượng. Volkswagen, Mitsubishi là những hãng lao đao vì bị phát hiện gian lận khí thải, hay Renault, Peugeot cũng từng bị điều tra.