Mở lối thoát cho taxi công nghệ

ANTĐ - Trong khi các bộ, ngành và địa phương vẫn loay hoay tìm cách quản lý taxi ứng dụng công nghệ như Grab taxi, Uber taxi, Easy taxi… thì tốc độ phát triển của các loại hình này vẫn gia tăng chóng mặt, gây lộn xộn cho hoạt động vận tải khách.
Mở lối thoát cho taxi công nghệ ảnh 1

Bộ GTVT đã chính thức mở lối thoát cho loại hình vận tải khách thông qua công nghệ

Loay hoay xử lý vi phạm

Dù mới vào thị trường Việt Nam, nhưng sự có mặt của taxi Uber đã khiến các doanh nghiệp taxi truyền thống liêu xiêu. Hiệp hội taxi TP.HCM đã phải “cầu cứu” Bộ GTVT, Chính phủ vào cuộc kiểm tra, xử lý loại hình taxi mới này. Qua kiểm tra, Bộ GTVT cho biết, Uber chỉ có giấy phép đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ ở TP.HCM, không có chức năng kinh doanh vận tải.

 Tuy vậy, thông qua phần mềm có tên Uber, Công ty Uber Việt Nam đã tham gia vào hoạt động vận tải, điều động xe chở khách thông qua phần mềm này. Thời gian đầu, mỗi hành khách muốn sử dụng dịch vụ vận tải qua Uber phải mở tài khoản, thanh  toán phí chuyến đi bằng thẻ Visa nên lượng khách hạn chế, vì ở Việt Nam, thói quen tiêu dùng tiền mặt vẫn phổ biến.

Đến nay, hoạt động của taxi Uber vẫn còn gây tranh cãi. Ngày 21-8 vừa qua, Uber Việt Nam đã thử nghiệm thanh toán bằng tiền mặt tại TP.HCM và Hà Nội. Đại diện Uber cho biết, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á mà Uber thử nghiệm hình thức thanh toán này. “Chúng tôi thấy được sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường Việt Nam và đây có lẽ là thời điểm thích hợp để đem đến cho người dùng lựa chọn thanh toán bằng tiền mặt.

Từ đó, có thể đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của lượng người tiêu dùng đang ngày một tăng cao”, ông Douglas Ma, Giám đốc Phát triển kinh doanh châu Á Thái Bình Dương của Uber cho biết. Tuy vậy, đại diện Vụ Vận tải, Bộ GTVT thông tin, đến nay, Uber ở Việt Nam chưa có giấy phép hoạt động kinh doanh vận tải. Do đó, nếu doanh nghiệp này chấp nhận thanh toán bằng tiền mặt tức là đã vi phạm.

Cùng với taxi Uber, mới đây, Grab taxi đã cho ra đời loại hình taxi siêu rẻ, chỉ 6.000 đồng/km, trong khi taxi truyền thống trung bình từ 9.000 đồng -11.000 đồng/km. Đáng nói, loại taxi siêu rẻ này sử dụng đội xe không thuộc doanh nghiệp taxi nào nên đã bị các doanh nghiệp taxi “tố” là taxi dù. 

Sẽ hợp pháp hóa 

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Công ty TNHH Grab taxi Việt Nam cho biết, đội ngũ xe taxi siêu rẻ là xe tư nhân, tham gia vào hoạt động chở khách như xe hợp đồng và Grab taxi Việt Nam vừa được Bộ GTVT cho phép thí điểm loại hình chở khách này. 

Theo đó, như một lối mở sau thời gian loay hoay tìm cách quản lý loại hình vận tải chở khách thông qua kết nối công nghệ, Bộ GTVT đã trình Chính phủ xin thí điểm thực hiện đề án “Triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng” của Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam. Bộ GTVT nhìn nhận, thời gian gần đây, ở Việt Nam đã xuất hiện một số ứng dụng phần mềm hỗ trợ việc kết nối giữa hành khách và đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải hành khách như  Grab, Uber... Tuy nhiên, loại hình này cũng bộc lộ một số bất cập như có trường hợp phần mềm hỗ trợ kết nối được cung cấp bởi một tổ chức nước ngoài, không đăng ký hoạt động ở Việt Nam.

Phần mềm hỗ trợ kết nối chủ yếu được ứng dụng cho loại hình vận tải hành khách bằng xe taxi và hợp đồng, nhưng cá biệt vẫn có trường hợp xe chưa được cấp phù hiệu “xe hợp đồng” cũng sử dụng phần mềm để hoạt động kinh doanh vận tải hành khách. Điều này là chưa phù hợp với quy định hiện hành về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ áp dụng thí điểm tại các đơn vị có giấy phép kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô theo hợp đồng (khai thác với xe ô tô dưới 9 chỗ được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và cấp phù hiệu xe hợp đồng) tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa. “Việc hành khách tải ứng dụng kết nối, đăng ký tài khoản và thao tác nhấn nút đặt xe ô tô có giá trị thay cho hợp đồng vận tải bằng văn bản giữa hành khách và đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng.

Các nội dung cơ bản của hợp đồng vận tải hành khách sẽ được thể hiện rõ trong quá trình khách hàng tải ứng dụng kết nối, đăng ký tài khoản và đặt xe”, đại diện Bộ GTVT cho hay. Thời gian đề nghị thực hiện thí điểm từ năm 2015 đến tháng 12-2018.