Máy bay Vietjet hạ cánh nhầm đường băng: Phi công quá yếu kém về nghiệp vụ!

ANTD.VN -Liên quan đến vụ việc hạ cánh nhầm đường băng ở Cam Ranh và tàu bay Vietjet air rơi bánh ở sân bay Buôn Ma Thuột vừa qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đánh giá, do năng lực phi công quá yếu kém.

Thông tin cụ thể về các sự cố này, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết, về sự cố tàu bay Vietjet air rơi bánh lái khi hạ cánh tại sân bay Buôn Ma Thuột, qua phân tích cho thấy, tổ lái đã tiếp đất không theo phương thức chuẩn.

“Trong trường hợp này, có thể do bánh phía mũi tiếp đất trước, trong khi đó, thiết kế mũi máy bay không phải nơi chịu lực khi tiếp đất. Bên cạnh đó, có thể do tổ bay ngắt chế độ lái tự động hơi sớm, về quy trình thì không sai, nhưng không nên như vậy. Hơn nữa, khi phát hiện không chuẩn, tổ bay hoàn toàn có thể thực hiện bay lại để tiếp đất nhưng trong tích tắc thì tàu bay đã đâm mũi xuống”- ông Thắng phân tích.

Hiện nay, tàu bay gặp sự cố này vẫn đang nằm ở sân bay Buôn Ma Thuột để chờ sữa chữa. Dự kiến, mất khoảng 5-6 tháng mới xong để đưa vào khai thác.

Bộ trưởng Bộ GTVT đánh giá, tổ lái hạ cánh nhầm máy bay xuống đường băng chưa được khai thác là quá yếu kém về nghiệp vụ

Còn về sự cố tàu bay hạ cánh nhầm đường băng chưa đưa vào khai thác ở Cam Ranh, ông Thắng thông tin, khi tàu bay Vietjet vừa cất cánh thì có cảnh báo sụt giảm áp suất càng trước, tổ lái đã xin hạ cánh.

Trong trường hợp này, theo đánh giá của Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, phương án tốt nhất là tổ bay nên bay về Tân Sơn Nhất vì cách nhau không quá xa, trong khi điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng lại tốt hơn.

Đáng nói, khi tổ lái quyết định hạ cánh trở lại sân bay Cam Ranh thì đã bay vòng chờ trên khu vực đài chỉ huy không lưu để đánh giá sự cố.

Đặc biệt, trong quá trình bay chờ trên không, tổ lái không hề tham vấn ý kiến dưới mặt đất mà tự đánh giá và quyết định. Do đó, tổ lái đã không đánh giá đúng tình huống sự cố.

Hơn nữa, trong quá trình hạ cánh, phi công lái chính (người Philippines đã có 11.000 giờ bay, công tác tại Vietjet air 1,5 năm) lại quá chú trọng vào buông lái mà không quan sát, để tâm vào việc tiếp đất. Thêm vào đó là yếu tố tác động tâm lý nên có thể đã nhầm sang đường băng chưa được đưa vào khai thác.

Tuy vậy, ông Thắng cũng cho rằng, đường băng này do chưa đưa vào khai thác nên chưa đánh dấu ký hiệu, chưa có hệ thống đèn Mapi  bật dẫn đường.

Đặc biệt, kiểm soát viên không lưu do phát hiện có vấn đề trong quá trình hạ cánh lại của tàu bay, đã hai lần nhắc lại tổ lái hỏi, nhưng tổ lái đều khẳng định chuẩn.

“Trong trường hợp này, lỗi hoàn toàn thuộc về tổ lái, nhận định tình huống không chuẩn và xử lý tình huống chưa tốt. Lỗi này hoàn toàn khác với lỗi tổ lái tàu bay của Vietnam Airlines cũng hạ cánh nhầm đường băng Cam Ranh vào cuối tháng 4-2018 vừa qua”- Cục trưởng Cục Hàng không đánh giá.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, đường băng chưa được đưa vào khai thác mà vẫn cho máy bay đáp xuống là sai, đồng thời phải đặt vấn đề, có phải do phi công đã bị sa thải ở các hãng hàng không nước ngoài sau đó về Việt Nam lái hay không?

“Phi công quá kém về nghiệp vụ, trình độ cũng quá kém. Kiểm soát viên không lưu đã hai lần nhắc hỏi lại mà vẫn khẳng định đúng. Tôi yêu cầu Cục Hàng không phải kiểm tra, đánh giá lại toàn bộ đội ngũ phi công của tất cả các hãng hàng không nội địa hiện nay. Bởi yếu tố con người là rất quan trọng, quyết định đến an toàn bay”- Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu.