Lộn xộn trong đào tạo, sát hạch lái xe: Thanh tra đến mới bổ sung giấy tờ

ANTD.VN - Công tác đào tạo, sát hạch lái xe bị buông lỏng quản lý dẫn tới chất lượng lái xe đi xuống, ảnh hưởng lớn tới an toàn giao thông.

Đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe quyết định lớn đến chất lượng lái xe

Thời gian qua, Bộ GTVT cũng như Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có nhiều biện pháp cũng như quy định để siết chặt đào tạo, sát hạch cấp Giấy phép lái xe (GPLX). Bộ câu hỏi dành cho học viên học lái xe đã tăng lên 450 câu, bài sát hạch cũng tăng thêm độ khó và đưa camera vào quản lý, giám sát. Dù vậy, mỗi lần thanh tra, kiểm tra, Tổng cục Đường bộ, Thanh tra Bộ GTVT vẫn phát hiện hàng loạt các vi phạm tại các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe trên khắp cả nước.

Thiếu thốn đủ thứ

Bộ GTVT vừa hoàn tất việc thanh tra công tác đào tạo, sát hạch lái xe tại 6 địa phương gồm Hà Giang, Lào Cai, Nam Định, Sóc Trăng, Tây Ninh, Lâm Đồng. Theo đó, đại diện đoàn thanh tra Bộ GTVT nhìn nhận, trong công tác quản lý, một số địa phương như Sở GTVT Nam Định, Sóc Trăng, Tây Ninh còn lỏng lẻo, tạo “kẽ hở” để các cơ sở đào tạo, sát hạch lách.  Trong khi đó, việc giám sát, hậu kiểm của Sở GTVT đối với các kỳ thi, cơ sở sát hạch còn quá ít.

Tại 6 địa phương này, số cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe cùng số học viên không quá nhiều so với các tỉnh, thành phố khác nhưng hệ thống phòng học tại các cơ sở đào tạo còn tồn tại nhiều vấn đề. Đơn cử, Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe cơ giới thuộc Công ty CP Vận tải Lào Cai thiếu phòng học chuyên môn; Trung tâm tư thục Thiên Phúc Đức (Lâm Đồng) có diện tích sân tập lái không đủ diện tích tối thiểu nên chưa đủ hình bài tập; thậm chí không đáp ứng cho đào tạo lái xe đến hạng D, E theo quy định những vẫn tổ chức sát hạch; sân sát hạch tại Trung tâm đào tạo lái xe, tàu Sóc Trăng và cơ sở 3 trường cao đẳng nghề số 9 (Sóc Trăng ) thiếu bài số 3 và số 8… 

Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, việc kiểm tra của Bộ GTVT chỉ mang tính “răn đe” là chính, bởi các loại hình đào tạo, sát hạch lái xe của các đơn vị, ngành nghề hiện trong tình trạng “trăm hoa đua nở” nên rất khó quản lý.

Về xe tập lái, đoàn kiểm tra cũng phát hiện Trung tâm dạy nghề lái xe Thành Đạt (Tây Ninh) có số lượng xe ô tô tập lái không đáp ứng lưu lượng đào tạo được cấp phép theo quy định. Tại Nam Định, trường công nghiệp GTVT Nam Định sử dụng một số ô tô tập lái có giấy phép xe tập lái hết hạn để dạy thực hành lái xe, không đúng quy định. 

Đặc biệt, công tác tuyển sinh cũng có nhiều bất cập. Hồ sơ học viên thiếu, bổ sung giấy tờ rất lộn xộn. Nhiều cơ sở đào tạo khi biết tin đoàn thanh tra đến làm việc mới vội vàng bổ sung giấy tờ hồ sơ còn thiếu…

Chấn chỉnh ngay các vi phạm

Về công tác đào tạo, Thanh tra Bộ GTVT cho biết, hầu hết các đơn vị thực hiện ghi chép nội dung lên lớp, giáo án, lý thuyết, giáo án thực hành và sổ theo dõi thực hành lái xe còn sơ sài, mang tính hình thức. Có trường sử dụng giáo trình đào tạo một số môn lý thuyết lái xe ô tô không phải giáo trình hiện hành hoặc thực hiện không đúng nội dung, chương trình đào tạo đối với xe tập lái số tự động hạng B theo quy định. 

Trước thực trạng trên, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ yêu cầu các Sở GTVT khắc phục ngay các tồn tại, thiếu sót trong đào tạo, sát hạch lái xe. Kết quả gửi về thanh tra Bộ trước ngày 15-4. Đặc biệt, Bộ GTVT yêu cầu Sở GTVT Hà Giang phải thu hồi giấy phép xe tập lái của 3 xe ô tô tập lái hạng C đã cấp cho Trung tâm dạy nghề và sát hạch lái xe Bình Vàng.

Sở GTVT Sóc Trăng cần ban hành văn bản cảnh cáo đối với Trung tâm đào tạo lái xe, tàu Sóc Trăng; chỉ đạo Thanh tra Sở GTVT Sóc Trăng xử phạt vi phạm đối với Trung tâm Đào tạo lái xe, tàu Sóc Trăng và Cơ sở 3 - trường Cao đẳng nghề số 9. Đối với Sở GTVT Lâm Đồng, đoàn thanh tra cũng yêu cầu xử thu hồi hạng đào tạo lái xe hạng D, E trong giấy phép đào tạo đã cấp do không đủ điều kiện...

Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, việc kiểm tra của Bộ GTVT chỉ mang tính “răn đe” là chính, bởi các loại hình đào tạo, sát hạch lái xe của các đơn vị, ngành nghề hiện trong tình trạng “trăm hoa đua nở” nên rất khó quản lý. Nếu địa phương còn lỏng lẻo, dễ dãi trong khâu cấp phép, giám sát, sẽ còn nhiều khoảng trống để các cơ sở này lách luật, theo đó, chất lượng đào tạo lái xe cũng rất khó cải thiện.