Lợi nhuận giảm, taxi truyền thống ứng dụng công nghệ để cạnh tranh

ANTD.VN - Sự xuất hiện của taxi công nghệ (Uber, Grab) đã khiến taxi truyền thống hạn chế tăng giá cước.

Thúc đẩy ứng dụng công nghệ, mang lại lợi ích cho người dân -  Ảnh: Lam Thanh

Một số thành phố lớn của Việt Nam đang xuất hiện xu thế đưa ra các quy hoạch hay chính sách mang tính ứng phó đối với sự xuất hiện của taxi công nghệ như: cấm hoạt động, hạn chế số lượng (cấp hạn ngạch)… Cuộc tọa đàm  “Chính sách quy hoạch giao thông đô thị trong kỷ nguyên số” ngày 8-9 đã đưa ra các góc nhìn khác nhau về vấn đề này.

Thúc đẩy đổi mới công nghệ

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách cho hay, sự bùng nổ của taxi công nghệ (Uber, Grab) khiến nhiều lãnh đạo địa phương đánh giá, loại hình vận tải này phát triển quá nhanh. Vì vậy, trong quy hoạch đô thị cần có sự điều tiết. Một số cách thức quản lý được đưa ra là cấm hoạt động, cấp hạn ngạch…

Đánh giá về các chính sách này, TS Phạm Thế Anh - Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, taxi công nghệ cung cấp thêm sự lựa chọn mới cho người tiêu dùng. “Từ khi xuất hiện loại hình vận tải này thì hoạt động taxi cạnh tranh hơn hẳn. Taxi truyền thống trước đây dễ tăng giá, khó giảm giá, nhưng từ khi có taxi công nghệ, giá xăng tăng mà taxi truyền thống vẫn lưỡng lự, không tăng giá ngay. Quản lý chính sách cần đứng dưới góc độ người tiêu dùng, người quản lý và cả doanh nghiệp để ban hành chính sách phù hợp” - ông Phạm Thế Anh nói.

Đồng quan điểm, ông Đặng Quang Vinh (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) cho rằng, lợi nhuận các doanh nghiệp taxi truyền thống đang bị giảm. Song đáng chú ý là gần đây, nhiều hãng taxi truyền thống đã bắt đầu ứng dụng công nghệ để cạnh tranh. Họ cài các ứng dụng gọi xe nhanh, ứng dụng kết nối xe đi sân bay…

“Một mặt taxi truyền thống kêu gọi về chính sách, mặt khác họ lại đang chuẩn bị về công nghệ để cạnh tranh. Họ cũng hiểu rằng cuộc chơi này không thuận theo hướng của họ. Mặc dù vậy, họ vẫn không dễ nhả “miếng ăn ngon” của thị trường này. Hạn chế taxi công nghệ là hạn chế đổi mới sáng tạo, hạn chế cạnh tranh” - đại diện CIEM chia sẻ.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, ở các thành phố lớn, nhu cầu đi lại tăng mà lại hạn chế xe vận tải ứng dụng công nghệ thì các doanh nghiệp khác “quá sướng”. 

Nên khuyến khích ứng dụng công nghệ

Theo ông Đặng Quang Vinh, mục tiêu quản lý hoạt động vận tải bằng taxi là cân bằng sự phát triển, đảm bảo không đối tượng nào lạm dụng sức mạnh để gây hại cho đối phương. Tuy nhiên, chính sách quản lý nhằm hạn chế taxi công nghệ cho thấy một số địa phương chưa đánh giá thấu đáo, chi tiết để hội nhập kinh tế.

Mặt khác, với chỉ đạo phải tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam, nếu chính sách không cẩn trọng thì sẽ bỏ lỡ những chủ trương, cơ hội tốt. Đại diện CIEM băn khoăn: “Cấm taxi công nghệ hoàn toàn có thể làm được, nhưng hậu quả là gì thì nên tính toán kỹ”.

Tiến sĩ Phạm Thế Anh bình luận: “Taxi công nghệ là phép thử với định hướng thúc đẩy khoa học công nghệ trong thực tiễn đời sống với chính sách thúc đẩy cách mạng công nghiệp 4.0. Nếu ta từ chối taxi công nghệ và cho phép địa phương đặt ra rào cản thì thông điệp phát đi là: kêu gọi áp dụng khoa học công nghệ vào sản suất kinh doanh doanh nhưng thực tế không làm được. Đây là thông điệp không chỉ với lĩnh vực vận tải mà còn đối với nhiều lĩnh vực kinh tế khác”. 

Dưới góc độ của doanh nghiệp, ông Đỗ Hoài Nam - đại diện Up-Co Working Space nêu quan điểm, trong khi doanh nghiệp rất khó tiếp cận vốn thì việc cho phép phát triển taxi công nghệ có tác dụng huy động nguồn vốn dôi dư trong xã hội. “Tỷ lệ lấp đầy của taxi công nghệ là 75%, taxi truyền thống chỉ 23%. Càng ít phương tiện giao thông trên đường càng tốt. Vậy tại sao, thay vì hạn chế taxi công nghệ thì nên khuyến khích taxi truyền thống ứng dụng công nghệ” - ông Đỗ Hoài Nam gợi ý.