Lắp “hộp đen” cho vui?!

ANTĐ - Việc bắt buộc gắn thiết bị giám sát hành trình (GSHT- hộp đen) cho xe ô tô đã hoàn tất gần một năm nay, nhưng theo nhận định, phần lớn các doanh nghiệp mới chỉ dừng lại ở việc đối phó. “Hộp đen” chưa phát huy tính hữu ích, có mà như không.

Phần lớn ô tô gắn “hộp đen” với tâm lý đối phó

Tỷ lệ lắp đặt cao, sử dụng thấp

Theo Vụ Vận tải (Bộ GTVT), đến nay đã có 41.594 xe lắp đặt thiết bị GSHT, chiếm 94% số xe trong diện phải lắp. Ông Khuất Việt Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải cho biết, hiện có 96% xe chở khách chạy tuyến cố định, 94% số xe buýt và 93% số xe vận tải container đã gắn “hộp đen”. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra của Thanh tra Bộ GTVT tại 49 đơn vị kinh doanh vận tải, 11 bến xe trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Hải Phòng và Nghệ An cho thấy, hầu hết thiết bị GSHT không đáp ứng được các yêu cầu như theo dõi, trích xuất được đủ thông tin theo quy định mà chủ yếu là lắp để cho có.  Đáng nói, có tới 87% (43/49) đơn vị chưa thực hiện quản lý, khai thác thông tin từ thiết bị, tức là lắp đặt chỉ để đối phó với cơ quan chức năng.

Cụ thể, kết quả kiểm tra hoạt động vận tải của 11 đơn vị hoạt động vận tải trên địa bàn Hà Nội cho thấy, hầu hết các xe đều được lắp thiết bị GSHT nhưng không tác dụng như quy định. Điển hình như Công ty CP xe khách Thanh Xuân, thiết bị GSHT được lắp trên 12/12 xe không theo dõi, trích xuất được thông tin về lái xe theo quy định; 5/12 xe không trích xuất được thông tin bắt buộc. Ngoài ra, tại công ty, không có hồ sơ, tài liệu chứng minh việc khai thác, quản lý thông tin từ thiết bị; chưa thực hiện cập nhật, lưu trữ các thông tin bắt buộc theo quy định. Công ty CP Đầu tư Vinamotor, 67/67 thiết bị GSHT được lắp trên 67 phương tiện không đảm bảo; thiết bị GSHT của 6 nhà cung cấp chỉ để đối phó. Hay, có những đơn vị không cung cấp được mật khẩu, tài khoản của thiết bị GSHT đã lắp đặt trên xe.

Chi phí đổ đầu người tiêu dùng

Nhìn nhận về thực trạng này, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, cơ quan Nhà nước chuẩn bị cho việc lắp đặt này chưa đầy đủ, chi tiết, chưa hướng dẫn cho các đơn vị nên hiệu quả thấp: “Việc lắp đặt cũng được thực hiện ồ ạt trong khi lại không có hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp nên nhiều đơn vị lựa chọn thiết bị GSHT không đảm bảo chất lượng”. 

Tại dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đường sắt có quy định mới, phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với cá nhân, từ 6-10 triệu đồng đối với tổ chức không sử dụng phương tiện kinh doanh vận tải không gắn thiết bị GSHT hoặc gắn thiết bị không hoạt động, không đúng chuẩn theo quy định; không thực hiện cung cấp, cập nhật, lưu trữ, quản lý các thông tin từ thiết bị GSHT theo quy định. Nghị định số 91/2009/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định, từ 1-7-2012, tất cả các loại xe ô tô phải lắp đặt “hộp đen”. Ngày 1-7-2013, các DN kinh doanh vận tải chưa lắp sẽ bị xử phạt theo quy định.

Chi phí cho việc lắp đặt “hộp đen” là không rẻ, từ 5-7 triệu đồng/xe. Để lắp đặt theo quy định, các doanh nghiệp đã phải bỏ ra số tiền không nhỏ để đầu tư nhưng lại không phát huy tính hữu ích. Và tất nhiên, chi phí này lại đổ lên đầu người tiêu dùng!