"Làn sóng" ô tô giá rẻ từ ASEAN vào Việt Nam

ANTD.VN - Người tiêu dùng trong nước đang khấp khởi hy vọng giá xe ô tô sẽ giảm do ô tô nhập khẩu nguyên chiếc từ khu vực ASEAN có thể hưởng thuế suất 0%, đồng nghĩa với việc giá ô tô nhập khẩu về Việt Nam có thể giảm từ 23-25% so với hiện hành. 

Thị trường ô tô đang đầy sôi động sau khi hàng nhập khẩu giá mềm từ các nước ASEAN vào Việt Nam

Xe Thái Lan cập cảng, Indonesia chuẩn bị

Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ về tình hình triển khai Nghị định 116/2017 và Thông tư 03/2018, liên quan đến ô tô nhập khẩu. Có 2 phương án được đưa ra, một là bỏ thủ tục Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại, sửa đổi phương thức kiểm tra theo từng lô, đối với ô tô nhập khẩu nguyên chiếc quy định tại Nghị định 116/2017/NĐ-CP. Cùng với đó là kiến nghị sửa đổi Thông tư 03/2018. Hai là, tiếp tục thực hiện nghiêm mọi quy định tại Nghị định 116 và Thông tư 03 một thời gian nữa. Nếu thực sự có vướng mắc, bất cập, đúng như phản ánh của các doanh nghiệp thì sẽ sửa đổi, bổ sung.

Theo nhiều chuyên gia, mục đích của việc đòi cấp Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại là để hạn chế ô tô nhập khẩu nguyên chiếc hưởng thuế suất 0% từ các nước ASEAN tràn vào Việt Nam. Tuy nhiên mới đây, Bộ GTVT Việt Nam đã công nhận Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại do Thái Lan cấp. Lô hàng ô tô nhập khẩu từ Thái Lan đầu tiên đã cập cảng Việt Nam. Sự kiện này cũng mở ra tương lai tươi sáng cho thị trường ô tô trong nước. Bởi nếu Thái Lan đã thông qua ải của Nghị định 116 thì sẽ còn nhiều nước nữa được chấp nhận trong thời gian tới.

Lô hàng ô tô đầu tiên từ Thái Lan về cũng đã được kiểm tra chất lượng và khí thải. Khá bất ngờ, bởi ban đầu các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô đều cho rằng, sẽ mất khoảng 2 tháng mới qua ải này và chi phí có thể lên tới hàng chục nghìn USD cho mỗi lô kiểm định, sẽ làm đội chi phí bán xe ra thị trường. Tuy vậy, hơn 2.000 xe ô tô nhập nguyên chiếc từ Thái Lan về, quá trình kiểm tra diễn ra rất nhanh, chỉ mất khoảng 2 tuần và chi phí kiểm định theo lô bình quân khoảng 800.000 đồng/xe - một mức giá quá rẻ cho một chiếc xe hơi hưởng thuế suất 0%. 

Một thông tin đáng chú ý nữa là Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô từ Indonesia cũng đã được đưa lên Bộ GTVT. Giấy chứng nhận này cũng tương tự như giấy của Chính phủ Thái Lan, vì vậy, nhiều khả năng sẽ sớm được chấp thuận. Từ giới nhập khẩu xe đến người tiêu dùng đều đang hy vọng về diễn biến thị trường xe hơi trong nước sẽ đầy sôi động trong thời gian tới. Theo tính toán, với mức thuế suất 0%, xe nhập khẩu nguyên chiếc về Việt Nam có thể giảm từ 23-25% giá bán lẻ.

Giảm giá vẫn chỉ là dự tính 

Thực tế để được nhập khẩu ô tô, các doanh nghiệp còn phải đáp ứng một số thủ tục, điều kiện như: kiểm tra theo lô, đảm bảo các cơ sở bảo hành bảo dưỡng theo đúng tiêu chuẩn. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đông Phong, Phó trưởng Phòng Chất lượng xe cơ giới - VAQ (Cục Đăng kiểm Việt Nam) cho biết: “Vấn đề khó nhất đối với các doanh nghiệp vẫn là Giấy chứng nhận kiểu loại vì quy định pháp luật ở mỗi nước có sự khác nhau. Đối với điều kiện về trung tâm bảo hành bảo dưỡng, hiện hầu hết các doanh nghiệp lớn đã đáp ứng được”.

Mặc dù thị trường ô tô trong nước đang đầy hứa hẹn song theo một số đơn vị chuyên nhập khẩu ô tô thì mức giảm giá 23-25% hay 15% cũng mới chỉ là dự tính, bởi chưa biết Chính phủ có ban hành thêm quy định nào nữa không. Tổng cục Hải quan cũng vừa yêu cầu tăng cường việc kiểm tra các thủ tục tại hải quan nên chắc chắn thời gian hoàn thành các thủ tục cũng sẽ bị kéo dài hơn.

Từ ngày 1-1-2018, ô tô sản xuất lắp ráp trong nước được giảm thuế nhập khẩu bộ linh kiện về mức 0% (dành cho các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô có quy mô sản lượng lớn). Song, điều này cũng chỉ giúp cho một số mẫu xe giảm từ 12-15%, chưa thể cạnh tranh với xe từ ASEAN tràn vào với mức giảm giá có thể lên tới gần 30% so với trước.

Bằng chứng là Bộ GTVT vừa yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam rà soát toàn bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành và các văn bản liên quan thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ phục vụ quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa đối với ô tô nhập khẩu và sản xuất lắp ráp trong nước và có đề xuất lộ trình sửa đổi, bổ sung đảm bảo phù hợp yêu cầu quản lý Nhà nước về tăng cường quản lý chất lượng ô tô, đồng thời phải phù hợp với thông lệ quốc tế. 

Bên cạnh đó, Cục Đăng kiểm chỉ đạo các bộ phận chuyên môn tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp thực hiện các thủ tục kiểm tra, thử nghiệm và cấp giấy chứng nhận chất lượng trong sản xuất, nhập khẩu ô tô, góp phần giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp; lên kế hoạch trang bị, nâng cấp trang thiết bị hiện đại cho các Trung tâm thử nghiệm an toàn VMTC, thử nghiệm khí thải NETC và đầu tư xây dựng trung tâm thử nghiệm khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tại khu vực miền Nam nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh ở các khu vực xa Hà Nội thực hiện Nghị định số 116/2017/NĐ-CP.

Theo Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 3-2018, có 2.327 ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ được nhập về Việt Nam, nâng số lượng tính từ đầu năm 2018 lên 2.357 chiếc. So với cùng kỳ năm 2017, số lượng và kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ giảm mạnh. Điều đáng chú ý là vào thời điểm cùng kỳ năm 2017, lượng ô tô nhập từ Ấn Độ tăng mạnh và là một trong những thị trường chủ yếu cung cấp dòng xe 9 chỗ ngồi.

Nhưng, từ đầu năm đến nay, ô tô nhập từ Ấn Độ vắng bóng, xe từ Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc về Việt Nam có số lượng hạn chế. Ô tô nguyên chiếc nhập khẩu về Việt Nam vài năm gần đây chủ yếu đến từ ASEAN, trong đó nhiều nhất là Thái Lan nhưng trong 2 tháng qua cũng vắng bóng cho đến khi lô hàng 2.000 chiếc vừa cập cảng đầu tháng 3. 

Ô tô sản xuất lắp ráp trong nước khó cạnh tranh

Toyota là doanh nghiệp nhập khẩu ô tô từ Indonesia về Việt Nam nhiều nhất thị trường. Trong đó, Toyota  Fortuner luôn đứng trong top 10 mẫu xe bán chạy nhất những năm gần đây. Năm 2017, đã có hơn 13.000 chiếc Fortuner được người tiêu dùng lựa chọn. Theo Nghị định 116 của Chính phủ và Thông tư 03 của Bộ GTVT hướng dẫn thực hiện Nghị định 116, do chưa đáp ứng được các thủ tục mà cụ thể là Giấy chứng nhận chất lượng và kiểu loại nên từ đầu năm đến nay, Toyota Việt Nam không thể nhập khẩu mẫu xe này. Song, hiện vấn đề này đã được giải quyết và Toyota đang hoàn tất các thủ tục để nhập khẩu ô tô từ Indonesia và Thái Lan về Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp khác đã hoàn tất các thủ tục để nhập khẩu ô tô từ các nước trong nội khối ASEAN.

Theo Văn phòng Chính phủ, thị trường ô tô Việt Nam đang ở giai đoạn tăng trưởng mạnh và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới do người dân có nhu cầu lớn. Chính phủ giao các bộ, ngành, địa phương có liên quan chủ động tìm hiểu, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, đồng thời nghiên cứu để hoàn thiện hơn các chính sách về phát triển công nghiệp ô tô. 

Theo đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong những tháng tới, những mẫu xe mới như Toyota Wigo, Suzuki Celerio, những dòng xe giá rẻ trong khu vực ASEAN sẽ được các doanh nghiệp nhập về Việt Nam. Với lợi thế từ thuế suất nhập khẩu 0%, thuế tiêu thụ đặt biệt giảm 5% so với trước nên giá xe về Việt Nam đã được điều chỉnh giảm khá nhiều so với năm 2017. Cụ thể, lô hàng gần 2.000 xe của Honda nhập về từ Thái Lan đã giảm giá đến gần 30% so với trước. Và không chỉ có Honda, xe nhập của các hãng khác như Toyota, Ford, Chevrolet, Suzuki cũng sẽ giảm trong thời gian tới. 

Trong khi đó, với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước, từ 1-1-2018, được giảm thuế nhập khẩu bộ linh kiện về mức 0% (dành cho các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô có quy mô sản lượng lớn). Song, điều này cũng chỉ giúp cho một số mẫu xe giảm từ 12-15%, chưa thể cạnh tranh với xe từ ASEAN tràn vào. Dự báo, thời gian tới sẽ là khó khăn với xe sản xuất lắp ráp trong nước nếu như không có sự can thiệp từ cơ chế, chính sách.