Lái xe ngồi nhà cũng có giấy khám sức khỏe

ANTĐ -Ông Nguyễn Quốc Mạnh, Chủ tịch Hiệp hội ô tô Điện Biên thẳng thắn chỉ ra, việc khám sức khỏe lái xe hiên nay chỉ mang tính hình thức. Lái xe ngồi nhà cũng có giấy khám sức khỏe, một người đi khám cho nhiều người...

Tại Hôi nghị tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải diễn ra sáng 11-3, ông Nguyễn Quốc Mạnh, Chủ tịch Hiệp hội ô tô Điện Biên thẳng thắn chỉ ra, việc khám sức khỏe lái xe chỉ mang tính hình thức, quy định dù mới ban hành nhưng đã tỏ ra lạc hậu, sự phối hợp giữa ngành y tế với ngành GTVT trong vấn đề sức khỏe cho lái xe còn lỏng lẻo.

“Việc khám sức khỏe hầu như chỉ mang tính hình thức. Thậm chí, lái xe ở nhà cũng khám được sức khỏe, một người đi khám cho nhiều người. Chỗ thì 150.000 đồng/ lần khám, chỗ thì 1,5 triệu đồng/ lần khám, chỗ thì đo huyết áp, chỗ thì không đo. Thậm chí nhiều doanh nghiệp có thể đi mua thoải mái giấy khám sức khỏe cho lái xe với giá rẻ”, ông Mạnh thông tin.

Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội ô tô Điện Biên thì việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình- GPS đến nay chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng, độ tinh cậy chưa cao trong khi trình độ công nghệ thông tin còn thấp nên bộc lộ rất nhiều bất cập.

“Tôi tin rằng, rất nhiều doanh nghiệp biết nhưng không nói. Việc ngắt thiết bị GPS đối với các doanh nghiệp là thường xuyên. Nếu để kiểm soát thời gian làm việc của lái xe thì 1 lái xe có thể thay cho 100 lái xe khác vì dữ liệu hộp đen không cập nhật được việc này. Căn cứ vào thiết bị GPS để kiểm soát thời gian làm việc của lái xe và tốc độ chạy xe không được phản ánh thực chất”, ông thẳng thắn cho hay. Tất cả những bất cập trên đều được Hiệp hội ô tô Điện Biên gửi văn bản kiến nghị đến Sở GTVT Điện Biên. Và, Sở GTVT Điện Biên đã có một số văn bản kiến nghị gửi đến Tổng cục Đường bộ nhưng chưa thấy “hồi âm”. 

Giấy khám sức khỏe lái xe có thể mua dễ dàng với giá rẻ?

Ông Lê Thanh Hà, Chánh Thanh tra Bộ GTVT thừa nhận, thời gian qua, lực lượng thanh tra GTVT phát hiện rất nhiều giấy khám sức khỏe giả và đã chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra.

 Năm 2014, Bộ GTVT đã yêu cầu đồng loạt các Sở GTVT tổ chức khám sức khỏe lái xe cho các lái xe của DN vận tải trên địa bàn. Kết quả kiểm tra phát hiện 526 trường hợp lái xe nghiện ma túy và 1.500 trường hợp không đủ sức khỏe để lái xe.

Cũng tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sáng nay, không ít doanh nghiệp, Hiệp hội vận tải đã bày tỏ Bộ GTVT “nới” tay trong vấn đề xử lý xe quả tải đối với nhóm vật liệu xây dựng. Bên cạnh đó, việc xử lý xe quá tải trọng cũng gây ra sự “ganh tị” trong cộng đồng các doanh nghiệp vận tải.

Ông Nguyễn Xuân Trường, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô tỉnh Hà Nam cho biết, hiện nay vận tải vật liệu xây dựng (đá, cát, sỏi) đang là thực trạng “nóng” nhất của tỉnh. Các loại xe howo (hay còn gọi là xe Hổ vồ) của Trung Quốc trước đây khi chưa có việc kiểm soát trọng tải thì trung bình mỗi xe chở được hơn 20m3 vật liệu ây dựng. Tuy nhiên, hiện nay do chủ trương kiểm soát tải trọng xe thì xe tải 3 chân chỉ được phép chở 6m3 vật liệu, xe 4 chân được chở 8m3.

“Tỉnh Hà Nam chủ yếu cung cấp vật liệu xây dựng cho cho Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Hà Nội, nhưng mỗi xe chở 6-8m3 thì khi sang đến đấy giá vận chuyển sẽ là bao nhiêu? Đây thực sự là khó khăn của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay. Chúng tôi mong muốn Bộ GTVT sẽ cho phép nâng tải trọng lên mức hợp lý. Cụ thể như xe tải 3 chân được phép chở 15 tấn, xe 4 chân chở 18 tấn để các doanh nghiệp không bị lỗ”, ông Trường đề xuất.

Còn ông Thái Văn Chung, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa TP.HCM thì bức xúc về việc có phân biệt trong hành vi chở hàng quá tải.

Cụ thể, cùng một hành vi chở quả tải trọng nhưng mức xử phạt cá nhân chỉ bằng một nửa so với tư cách pháp nhân gây ra sự bất bình đẳng. Điều này theo ông Chung sẽ dẫn đến hiện tượng vô tình cổ súy cho tư nhân phát triển mạnh hơn.

Bên canh đó, ông Chung cũng đề nghị đưa đối tượng chủ hàng vào việc xử phạt chở quá tải vì theo ông Chung thì đây là đối tượng gây ảnh hưởng đến người xếp dỡ, lái xe cũng như chủ xe.

“Hiện nay, mức xử phạt người xếp dỡ rất thấp, chỉ bằng 1/15 so với chủ xe. Tôi đề nghị bình đẳng 4 đối tượng: lái xe, chủ xe, người xếp dỡ, chủ hàng trong xử lý vi phạm tải trọng để triệt tận gốc việc này”, ông Chung nói.