Lái xe gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn bị phạt như thế nào?

ANTD.VN - Vụ lật xe khách ở Sapa khiến nhiều người thương vong, lái xe rời khỏi hiện trường gây bức xúc dư luận. Vậy hình phạt thích đáng nào dành cho tài xế này.

Lái xe gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn bị phạt như thế nào? ảnh 1

Vụ lật xe khách ở Sapa 

Báo Lao Động đưa tin, Liên quan đến vụ lật xe khách xảy ra khoảng 11h ngày 6-1-2019 trên QL4D khiến 1 người đi xe máy tử vong và nhiều hành khách khác bị thương ở Lào Cai. Tối cùng ngày, Phòng CSGT Công an tỉnh Lào Cai thông tin, nạn nhân được xác định là Châu A Mão (SN 2002) trú tại thôn Chu Lìn 1, xã Trung Chải, huyện Sa Pa. 

Tại hiện trường, chiếc xe khách lật nghiêng trên mặt đường, ngay khúc cua, chiếc xe máy hư hỏng nặng nằm lọt  thỏm dưới rãnh thoát nước bên đường phía taluy dương.

Vụ tai nạn làm tuyến Quốc lộ 4D bị ùn tắc, lực lượng CSGT đang khẩn trương điều tiết giao thông.

Theo xác định của cơ quan chức năng, trên chiếc xe gặp nạn có 14 hành khách và 1 lái xe. Qua xác minh đây là xe hợp đồng chở khách đi du lịch. Ngay sau khi xảy ra tai nạn, chủ xe đã điều một xe khác đến chở hành khách, còn lái xe rời khỏi hiện trường.

Hiện, vẫn chưa rõ những người này được đưa đi đâu và đại diện chủ xe cũng chưa tới cơ quan điều tra phối hợp giải quyết. Pháp luật cũng đã quy định xử lý nghiêm các trường hợp này.

Lái xe gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn bị phạt ra sao?

Theo quy định tại Nghị định 46 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, có hiệu lực thi hành từ 1-8-2016 thì hành vi gây tai nạn giao thông rồi bỏ chạy được quy định rất cụ thể.

Theo đó, tại Điểm b, Khoản 7, Điều 5 thì người điều khiển, người được chở trên ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, cấp cứu người bị nạn thì sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 6 triệu đồng.

Lỗi tương tự, tại Điểm c, Khoản 7, Điều 6 Nghị định quy định người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy sẽ bị phạt từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng.

Hành vi này khi áp dụng đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng sẽ bị phạt từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng, quy định tại Điểm b, Khoản 6, Điều 7 Nghị định.

Đối với người điều khiển, người ngồi trên xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ khác thì mức phạt sẽ từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng, quy định tại Điểm c, Khoản 4, Điều 8 Nghị định.

Theo báo Pháp Luật, việc gây tai nạn rồi bỏ trốn còn là một tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự nếu vụ tai nạn đó có dấu hiệu cấu thành tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông. Cụ thể, Điều 202 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định:

Điều 202. Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ

1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;

b) Trong tình trạng có sử dụng rượu bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng;

c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn...