Lái xe gây tai nạn, chủ xe có thể trở thành bị đơn dân sự

ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Lái xe công ty tôi gây tai nạn chết người và thiệt hại lớn về tài sản… Mới  đây, công ty tôi nhận được giấy triệu tập của tòa án phải tham dự phiên tòa với tư cách bị đơn dân sự. Xin hỏi luật sư bị đơn dân sự là gì? Chúng tôi có quyền gì và phải làm những gì khi ra tòa? Nguyễn Thanh Phong (Hải Dương)

Lái xe gây tai nạn, chủ xe có thể trở thành bị đơn dân sự ảnh 1Lái xe gây tai nạn nghiêm trọng, tòa án có quyền triệu tập đại diện cơ quan chủ quản với tư cách bị đơn dân sự

Luật sư trả lời: Theo Điều 64 - Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, bị đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức mà pháp luật quy định phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Trong các vụ án liên quan đến tai nạn giao thông mà phương tiện gây tai nạn là ô tô, nhất là ô tô tải, ô tô chở khách, nếu người lái xe không phải là chủ phương tiện thì thông thường chủ phương tiện sẽ được triệu tập tham gia tố tụng với tư cách là bị đơn dân sự. 

Sở dĩ có việc đó là vì theo quy định tại Điều 601 - Bộ luật Dân sự 2015, ô tô (phương tiện giao thông vận tải cơ giới) được coi là nguồn nguy hiểm cao độ. Khoản 2, điều luật này quy định: “Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. Bên cạnh đó, khoản 4 của điều luật cũng quy định: “Khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại”. Từ những quy định này nên cơ quan tố tụng sẽ triệu tập đại diện công ty của bạn để làm rõ xem ai sẽ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nạn nhân, là công ty của bạn hay là lái xe, hay cả hai phải liên đới bồi thường.

Lái xe gây tai nạn, chủ xe có thể trở thành bị đơn dân sự ảnh 2Luật sư Giang Hồng Thanh (VPLS Giang Thanh; Địa chỉ: Số 197 phố Đặng Tiến Đông, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội)

Khi bị triệu tập đến cơ quan pháp luật để làm việc, cơ quan bạn (lúc này được coi là bị đơn dân sự) có các quyền sau: Chấp nhận hoặc bác bỏ một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn dân sự; Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; Yêu cầu giám định, định giá tài sản theo quy định của pháp luật; Được thông báo kết quả điều tra, giải quyết vụ án có liên quan đến việc đòi bồi thường thiệt hại; Đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật; Tham gia phiên tòa; trình bày ý kiến, đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi người tham gia phiên tòa; tranh luận tại phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn; xem biên bản phiên tòa; Tự bảo vệ, nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình; Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; Kháng cáo bản án, quyết định của tòa án về phần bồi thường thiệt hại.

Đồng thời với việc có các quyền, bên bạn cũng phải có nghĩa vụ: Có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; Trình bày trung thực những tình tiết liên quan đến việc bồi thường thiệt hại; Chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng… Đây là quy định tại khoản 2, khoản 3, Điều 64 - Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.