Lái xe có sử dụng rượu bia rồi gây tai nạn, xử lý thế nào?

ANTD.VN - Không kiểm soát được xe khiến xe lao vào những người đi bộ, luống cuống đâm thẳng ô tô vào đám đông đang đứng chờ đèn đỏ tại ngã tư đông đúc, khiến cả người và xe cuốn vào gầm. Đó là những hình ảnh hãi hùng của hai vụ tai nạn giao thông vừa xảy ra, khiến dư luận bàng hoàng. Điểm chung ở 2 vụ là thủ phạm đều là nữ, có dấu hiệu uống rượu bia khiến họ không làm chủ được tay lái. Hình phạt nào dành cho những hành vi sử dụng rượu bia rồi lái xe gây tai nạn?

Như ANTĐ đưa tin, vào chiều tối 18-12-2018, tại đường Trích Sài đã xảy ra vụ TNGT liên hoàn nghiêm trọng khiến ít nhất 6 người phải nhập viện. Điều khiển chiếc Lexus là Nguyễn Thu Trang (SN 1989, ở Lò Sũ, Hoàn Kiếm, Hà Nội), khi đi qua số nhà 81 đường Trích Sài đã bất ngờ đâm vào 4 xe máy và 1 xe ô tô biển xanh đi cùng chiều.

Lái xe có sử dụng rượu bia rồi gây tai nạn, xử lý thế nào? ảnh 1 

Hiện trường vụ tai nạn nghiêm trọng trên đường Trích Sài - Hà Nội 

Hoảng hốt, người phụ nữ tục lùi vào 3 xe máy và 1 taxi. Có 6 người đi các xe máy bị thương, trong đó, một học sinh bị cuốn vào gầm ô tô bị thương nặng. Các nạn nhân đã được đưa đi cấp cứu ngay sau đó. Hiện trường vụ tai nạn với rất nhiều mảnh vỡ của các phương tiện khác nhau trên đường.

Tham gia công tác bảo vệ hiện trường, phân luồng giao thông, đại diện chỉ huy Đội CSGT số 2 cho biết: Khi chiếc xe gây tai nạn cho phương tiện cuối cùng, hệ thống máy của xe vẫn đang hoạt động. CSGT phải mở cửa tắt máy để lái xe tránh gây thêm hậu quả. Nữ lái xe có biểu hiện sử dụng bia, rượu khi nồng độ cồn đo được qua hơi thở cao hơn bình thường.

Hiện CAQ Tây Hồ đang xử lý vụ việc.

65-70% lái xe liên quan TNGT có uống rượu

Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia: “hiện có 65-70% người điều khiển phương tiện liên quan đến các vụ TNGT có vi phạm nồng độ cồn".

Kết quả một cuộc khảo sát do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thực hiện tại 10 tỉnh thành cách đây vài năm cho thấy tỉ lệ các vụ TNGT do rượu bia chiếm khoảng 40%.

Vi phạm quy định về tham gia giao thông xử lý thế nào

Lái xe có sử dụng rượu bia rồi gây tai nạn, xử lý thế nào? ảnh 2 

Nạn nhân P.H.B. (24 tuổi, quê Khánh Hòa) trong vụ tai nạn tại ngã tư Hàng Xanh bị gãy 1/3 xương đùi trái, đang điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định- TPHCM

Theo Luật sư Nguyễn Lệ Thủy - nguyên thẩm phán TAND TP.HCM - cho biết: Khoản 1 điều 260 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ như sau: người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ thuộc các trường hợp:

- Làm chết một người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho hai người với tỉ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%... thì phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Khoản 2 điều 260 này cũng quy định trường hợp có sử dụng rượu bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng thì bị phạt tù từ 3 đến 10 năm.

Hội đồng xét xử sẽ căn cứ vào hồ sơ vụ án, kết luận của cơ quan điều tra cùng với thẩm vấn tại phiên tòa để biết sự việc xảy ra ra sao, diễn biến như thế nào, tình tiết thu thập được trong quá trình điều tra tại cơ quan điều tra để có mức xử phạt cho phù hợp.

Lái xe uống rượu gây tai nạn có thể bị ngồi tù

Phạm tội trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng; Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn… thì bị phạt tù từ 3-10 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Lái xe có sử dụng rượu bia rồi gây tai nạn, xử lý thế nào? ảnh 3 

Chiếc xe gây tai nạn ở Ô Chợ Dừa – Hà Nội

Theo Điều 123 BLHS 2015 quy định, người nào giết người thuộc một trong các trường hợp: Thực hiện tội phạm một cách man rợ; Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp; Có tính chất côn đồ…, thì bị phạt tù từ 12-20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Phạm tội không thuộc các trường hợp trên thì bị phạt tù từ 7-15 năm.

Điều 590 BLDS 2015 nêu rõ, thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm gồm thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này; Chi phí hợp lý cho việc mai táng; tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích của họ. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Có độ cồn là khởi tố, không cần gây ra tai nạn

Theo Luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân – Học viện tư pháp TPHCM: các quy định về hành vi vi phạm trong luật hiện nay chưa đủ nghiêm, có những quy định hành vi vi phạm nhưng không kiểm soát được.

Ví dụ như tài xế lái xe đường dài, luật quy định thời gian lái xe nhưng thực tiễn không kiểm soát được để xử phạt dẫn đến họ sử dụng chất kích thích để chống buồn ngủ, mệt mỏi… Đó là một trong những nguyên nhân dễ gây tai nạn.

Một điều phải kể đến là ý thức của người dân tuân thủ pháp luật chưa cao.

Với tình trạng trật tự an toàn giao thông hiện nay, thiệt hại từ tai nạn giao thông quá lớn cho xã hội mà rượu bia là một trong những nguyên nhân thì luật nên quy định, chỉ cần uống rượu bia mà sau đó lái xe thì phải chịu trách nhiệm hình sự.

Có như vậy mới đủ sức răn đe, chứ không phải gây ra thiệt hại mới chịu trách nhiệm.