Lái xe có 12 năm cầm vô-lăng: Buồn ngủ là cơn ác mộng…

ANTD.VN - Vụ tai nạn giao thông kinh hoàng xảy ra lúc 2h10 (ngày 30-7-2018) tại Km 950+700 trên tuyến QL1A qua xã Điện Minh, thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) giữa xe khách chở đoàn người đi rước dâu với xe cotainer đã khiến 13 người tử vong, 4 người bị thương nặng. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do lái xe khách buồn ngủ, không làm chủ được tay lái. Một lái xe từng có 12 năm kinh nghiệm cầm vô-lăng đã chia sẻ quan điểm với PV Báo ANTĐ về sự việc.

Trong vụ tai nạn giao thông (TNGT) kinh hoàng giữa xe khách chở đoàn người đi rước dâu với xe container ở Quảng Nam rạng sáng 30-7, khiến 13 người tử vong và 4 người bị thương nặng, nhân chứng cho biết đã nhìn thấy xe khách có biểu hiện loạng choạng và lao thẳng vào xe container.

Nguyên nhân ban đầu hiện bị cho là do lái xe khách buồn ngủ, khi xe xuất phát lúc 23h hôm trước.

Vụ TNGT vô cùng thảm khốc khiến chiếc xe rước dâu biến dạng

Khi nhìn nhận về vụ TNGT đáng buồn nói trên, anh Trương V.T (SN 1988, trú tại Chương Mỹ, Hà Nội) đã thẳng thắn bày tỏ, việc để rơi vào tình trạng buồn ngủ và mất kiểm soát khi đang cầm lái hoàn toàn là vấn đề của lái xe, khi đã không chuẩn bị kỹ lưỡng.

“Là người từng có 12 năm làm nghề lái xe, đi qua tất cả các tỉnh miền Bắc với nhiều đường đèo quanh co, và đoạn đường cầm lái xa nhất là từ Hà Nội tới Quy Nhơn, tôi đã trải qua nhiều điều đáng nhớ với nghề, và những lái xe như tôi luôn coi cơn buồn ngủ là ác mộng của nghề này”, anh V.T bày tỏ.

Lái xe trên cho hay, khi nhận cuốc xe để chạy, người cầm lái phải chuẩn bị tâm lý thật sự thoải mái, không vướng mắc chuyện gì, và tham khảo trước lộ trình, cũng như giữ gìn sức khỏe (không dùng chất kích thích như bia, rượu, và tốt nhất là ngủ trước khi lên đường một giấc – dù ngắn nhưng rất quan trọng).

“Không có lái xe nào dám nói mạnh miệng về khả năng đối phó với cơn buồn ngủ, vì cá nhân tôi từng rơi vào tình trạng đó. Mắt mình vẫn mở, vẫn nhìn đường, và luôn nghĩ không vấn đề gì, nhưng thần kinh mệt mỏi khiến mình có thể lịm đi một cách vô thức”, anh V.T cảnh báo.

Do vậy, người lái xe trên quả quyết rằng, khi chớm cảm thấy dấu hiệu buồn ngủ, người cầm lái phải táp xe vào lề và nghỉ ngơi đôi chút, có thể chợp mắt hoặc ăn, uống một thứ gì đó giúp bản thân tỉnh táo hơn, bất chấp những rào cản hay phản ứng từ phía hành khách, vì đây là cách đảm bảo an toàn cho tất cả.

Muốn cầm lái an toàn, lái xe phải nghiêm túc chuẩn bị kỹ lưỡng trước chuyến đi, và có cách xử trí kịp thời nếu chớm nhận ra mình đang buồn ngủ

“Nếu muốn kéo dài thời gian cầm lái thì phải có người nói chuyện ở cạnh. Còn trong trường hợp khách trên xe đều ngủ và quá yên tĩnh, mà lái xe lại buồn ngủ và cố lái, thì quá nguy hiểm. Khi không có người nói chuyện, mà lại nghe tiếng hành khách ngáy, bản thân người lái càng dễ buồn ngủ hơn”, lái xe V.T chia sẻ thêm.

Cá nhân anh V.T từng có kỷ niệm khó quên khi cầm lái chở đoàn khách từ Hà Nội vào Quy Nhơn. Trên đường quay ra, anh đi một mình một xe, và đã rơi vào trạng thái buồn ngủ. Lập tức, lái xe này tấp vào lề và tự cho mình nghỉ ngơi khoảng 15 phút, sau đó anh mới đủ tỉnh táo để đi tiếp. Anh khẳng định nếu không có người trò chuyện ở cạnh giúp xua tan cơn buồn ngủ, mà vẫn cố chạy tiếp, thì sẽ không thể nói trước được điều gì.

“Tôi thấy sự chuẩn bị của lái xe trước chuyến đi là vô cùng quan trọng. Không được chủ quan, phải có tâm lí thoải mái, hạn chế tối đa bia rượu và ngủ ngay khi có thể là những điều cốt yếu để giữ được sự an toàn. Có lẽ lái xe nào cũng biết điều này, nhưng có thực hiện hay không lại là ý thức của mỗi người”, lái xe V.T nhấn mạnh.