Lái xe bồn chở xăng gây tai nạn thảm khốc ở Bình Phước có bị xử lý hình sự?

ANTD.VN -Như Báo ANTĐ đã đưa tin, 4h30 sáng 22-11, tại địa bàn xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, Bình Phước đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng giữa xe bồn chở xăng và xe ba gác khiến xe bồn bị lật làm cháy 19 căn nhà, 6 người tử vong, 2 lái xe bị thương.

Vụ việc trên đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ. Trước đó, vào ngày 15-9 tại huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu cũng xảy ra vụ tai nạn giao thông thảm khốc tương tự làm 16 người thương vong. Nguyên nhân là do xe bồn mất phanh đâm vào xe chở khách khiến cả 2 xe lao xuống suối. 

Phân tích vụ việc trên dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, đây là vụ tai nạn gây hậu quả rất nặng nề, làm thiệt hại vô cùng nghiêm trọng cả về người và tài sản.

Mặc dù đến thời điểm hiện tại chưa thể khẳng định nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn trên là gì, song theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, tốc độ cho phép ô tô chạy tối đa trong khu dân cư không có giải phân cách cứng là 50km/h.

Hiện trường vụ tai nạn

Nếu kết quả xác minh cho thấy lái xe bồn đã chạy quá tốc độ cho phép gây tai nạn thì lỗi thuộc về người lái xe bồn. Còn trong trường hợp lái xe ba gác dừng đỗ xe không đúng quy định khiến xe bồn đâm phải gây tai nạn thì lái xe này cũng phải chịu trách nhiệm.

Do cả 2 lái xe đều còn sống nên trong vụ việc xảy ra tại Bình Phước, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, lái xe bồn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 BLHS năm 2015.

Theo đó, người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ làm chết 3 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1.5 tỷ đồng trở lên thì bị phạt từ từ 7-15 năm.

Về trách nhiệm trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân trong vụ tai nạn, theo Luật sư Lê Hồng Vân, trách nhiệm này trước hết thuộc về người gây ra tai nạn. Nếu người gây ra tai nạn là người của pháp nhân, người làm công, học nghề thì pháp nhân đó phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Do đó, cần xem xét mối quan hệ pháp luật giữa người lái chiếc xe bồn với đơn vị vận tải (nếu có).

Trong vụ việc này, ngoài thiệt hại về tính mạng, sức khỏe còn có thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, đó là 19 căn nhà bị thiêu rụi. Chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường dân sự phải bồi thường cả những thiệt hại thực tế về tài sản theo quy định pháp luật.

Cũng theo Luật sư Lê Hồng Vân, để xử lý "đúng người, đúng tội, đúng pháp luật", cơ quan chức năng cần xác minh làm rõ một số nội dung: Tốc độ của chiến xe bồn vào thời điểm xảy ra tai nạn, điều kiện tham gia giao thông của chiếc xe này, danh tính, điều kiện, tiêu chuẩn của người lái xe.

Bên cạnh đó, nếu lái xe này thuộc quyền quản lý của một đơn vị vận tải thì cần kiểm tra việc giao xe và hoạt động điều hành quản lý của doanh nghiệp này. Nếu lãnh đạo của doanh nghiệp hoặc những người khác có liên quan có lỗi, là nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra vụ tai nạn thì tùy vào hành vi cụ thể, những người này sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh có liên quan...