Không xử mạnh tay, sẽ không dẹp được

ANTD.VN - Cách đây không lâu, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM đã bác đơn kháng cáo và tuyên y án 2 năm tù đối với Nguyễn Trí Dũng (32 tuổi, ở quận Thủ Đức, TP.HCM) về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. 

CSGT ra quân xử phạt xe tự chế ngày 25-9-2016

Nguy cơ chết người

Dù không có giấy phép lái xe nhưng Dũng điều khiển xe ba gác chở 4 cây sắt dài 12m băng qua đường. Do trời tối, anh Trần Văn S không nhìn rõ đã điều khiển xe máy đâm vào 2 cây sắt trên ngã xuống đường và tử vong tại chỗ. 

Trước đó, tại TP Đà Nẵng, 2 nữ sinh viên Trịnh Thị Tố U và Lê Thị Nguyên H (cùng SN 1994) cũng đã thiệt mạng khi tham gia giao thông trên đường Điện Biên Phủ. Bị một xe máy chở hàng cồng kềnh va quệt, 2 sinh viên trên đã ngã xuống đường và bị xe tải cán phải.

Với lý do tương tự, mới đây, ở huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk xảy ra một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Nguyễn Chí Công (SN 1979) trú tại xã Yang Mao, huyện Krông Bông điều khiển xe máy do chở hàng cồng kềnh đã va quệt vào xe máy do bà Nguyễn Thị M (SN 1950) điều khiển đi cùng chiều khiến bà Mạo ngã, bị thương nặng.

Mặc dù là nguyên nhân gây ra không ít vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, song xe máy, xích lô, xe ba bánh chở quá khổ, quá tải vẫn xuất hiện khá nhiều trên các tuyến đường nội đô. Điều đáng nói là hầu hết phương tiện chở hàng khá cũ, không có đầy đủ các bộ phận để đảm bảo an toàn song lại bị “cơi nới” quá mức để chở càng nhiều càng tốt.

Trong khi đó, không ít người điều khiển xe tuy chở hàng hóa cồng kềnh nhưng lại chằng buộc rất sơ sài, thậm chí còn dùng 1 tay để giữ hàng. Việc chở theo hàng hóa cồng kềnh có kích thước lớn đã khiến khả năng quan sát đường của lái xe và những người tham gia giao thông khác bị hạn chế.  Người chở hàng rất dễ bị mất lái, khó có thể xử lý kịp được những tình huống phát sinh trên đường nên đã gây nguy hiểm cho chính bản thân họ và người khác.

Hy vọng sau một thời gian, những vi phạm này sẽ không còn tái diễn

Cần xử lý nghiêm

“Khoản 1 Điều 20 Luật Giao thông đường bộ 2008 đã nêu rõ, khi lưu thông trên đường, hàng hóa xếp trên xe phải gọn gàng, chằng buộc chắc chắn, không để rơi vãi dọc đường, không kéo lê hàng hóa trên mặt đường và không cản trở việc điều khiển xe”, Luật sư Nguyễn Thành Trung - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.

Còn theo Điều 18 Thông tư 07/2010/TT-BGTVT quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ, lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ… thì chiều rộng xếp hàng hóa cho phép trên phương tiện giao thông cơ giới đường bộ là chiều rộng của thùng xe theo thiết kế của nhà sản xuất, chiều dài xếp hàng hóa cho phép không được lớn hơn 1,1 lần chiều dài toàn bộ xe theo thiết kế của nhà sản xuất và không quá 20m.

 Xe mô tô, xe gắn máy không được xếp hàng hóa, hành lý vượt quá bề rộng giá đèo hàng theo thiết kế của nhà sản xuất về mỗi bên 0,3m, vượt quá phía sau giá đèo hàng là 0,5m.

Chiều cao xếp hàng hóa tính từ mặt đường xe chạy là 2m. Xe thô sơ không được xếp hàng hóa phía trước và phía sau vượt quá 1/3 chiều dài thân xe; không được vượt quá 0,4m về mỗi bên bánh xe, không vượt phía trước và phía sau xe quá 1m.

Nếu vi phạm, có thể bị phạt tiền từ 200.000-400.000 đồng theo quy định tại Nghị định 171/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Cũng theo luật sư Thành Trung, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.

Theo đó, người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác thì bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng-5 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Không có giấy phép hoặc bằng lái xe; Gây tai nạn rồi bỏ hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn… thì bị phạt tù từ 3-10 năm.

“Để tránh xảy ra những vụ việc đáng tiếc tiếp theo, UBND các tỉnh, thành phố cần nhanh chóng chỉ đạo các ban ngành liên quan quản lý chặt chẽ phương tiện thô sơ, cơ giới ba bánh, sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm siết chặt hoạt động vận tải của các phương tiện này, đồng thời tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đối với các phương tiện chở hàng cồng kềnh, quá khổ, quá tải gây mất an toàn trên các tuyến đường”, luật sư Thành Trung kiến nghị.

Chị Ngô Thanh Hoàn (ở nhà CT5 khu đô thị Xa La, quận Hà Đông, Hà Nội): Thấy xe chở cồng kềnh tốt nhất tránh xa

Hầu như ngày nào đi làm tôi cũng gặp những chiếc xe máy, xe ba bánh chở hàng cồng kềnh lạng lách, phóng nhanh, vượt ẩu trên đường. Vào giờ cao điểm, khi mật độ người và xe qua lại đông đúc, những phương tiện này rất dễ gây ra va quệt, tai nạn.

Nguy hiểm nhất là những chiếc xe chở sắt thép, tôn, kính cồng kềnh nhưng chỉ được chằng buộc qua loa, đến các khu vực ngã tư, nếu xảy ra sự cố rơi hàng hóa, hậu quả sẽ khôn lường. Do vậy, để đảm bảo an toàn cho bản thân, mỗi khi nhìn thấy các loại phương tiện này, tôi thường đi chậm lại hoặc tránh xa.

Mặc dù một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do gánh nặng mưu sinh của một số người, song nếu vì thế mà họ bất chấp hiểm nguy, coi thường tính mạng của mình và người khác thì đó là điều không thể chấp nhận được.

Anh Nguyễn Quang Hưng (khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội): Trách nhiệm của chính quyền và lực lượng chức năng cơ sở ở đâu?

Thành phố đã cấm xe Lambro, công nông, ba bánh tự chế hoạt động. Mặc dù vậy, các loại phương tiện trên vẫn chở hàng cồng kềnh, quá tải lưu thông trên nhiều tuyến đường gây tai nạn nghiêm trọng. Điều này cho thấy sự  buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương và lực lượng chức năng ở cấp cơ sở.

Không thể để tình trạng quy định đã có, còn thực thi hay không lại là… chuyện khác. Đã đến lúc thành phố cần đánh giá, thống kê số vụ tai nạn liên quan đến các phương tiện bị cấm hoạt động gây ra, địa bàn nào xảy ra nhiều vụ tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng, lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm, tránh tình trạng “mất bò vẫn chưa lo làm chuồng”.