Không sơn vết nứt hầm Hải Vân để tiếp tục theo dõi

ANTD.VN - Sau sự việc các vết nứt tại hầm đường bộ Hải Vân được các cơ quan truyền thông phản ánh, Đoàn công tác của Bộ GT-VT đã trực tiếp kiểm tra và yêu cầu không sơn lại vỏ hầm để tiếp tục theo dõi.

Không sơn vết nứt hầm Hải Vân để tiếp tục theo dõi ảnh 1Bộ GT-VT trực tiếp kiểm tra hiện trạng vết nứt, bong tróc lớp sơn vỏ bê tông hầm Hải Vân

Đoàn do Thứ trưởng Bộ GT-VT Lê Đình Thọ chủ trì cùng lãnh đạo Vụ Khoa học công nghệ, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GT-VT), các chuyên gia hầm, tư vấn giám sát…

Tại hiện trường, đoàn công tác trực tiếp ghi nhận, đánh giá các vị trí xuất hiện vết nứt vỏ hầm được đơn vị chức năng theo dõi, đánh dấu.

Ông Đỗ Văn Nam, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả, Giám đốc Ban QLDA hầm Hải Vân cho biết, vết nứt xuất hiện khi đưa công trình hầm vào khai thác. Thời điểm nhận bàn giao quản lý hầm Hải Vân 1 (từ tháng 1-2016), Công ty đã thuê tư vấn của Nhật Bản và CHLB Đức dùng thiết bị quét tự động, đánh giá hiện trạng toàn bộ hầm.

Kết quả cho thấy, trong hầm tồn tại khoảng hơn 300 vết nứt. Trong đó, chủ yếu là vết nứt nhỏ (phải dùng kính lúp mới có thể quan sát khe nứt) và 8 vết nứt ở trạng thái bất lợi được đánh giá là có rủi ro về an toàn. 8 vết nứt này đã được chủ đầu tư sửa chữa ngay cuối năm 2016.

“Theo dõi những tháng qua, tất cả các vết nứt này đều không có diễn biến bất thường, không có biểu hiện tăng thêm, và hoàn toàn không gây nguy hiểm cho kết cấu vỏ hầm và cho an toàn giao thông”, ông Nam khẳng định.

Đại diện chủ đầu tư kiến nghị Bộ GT-VT cho phép được khắc phục, sơn phủ lại toàn bộ vỏ hầm theo quy trình duy tu, bảo dưỡng. Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Đình Thọ chỉ đạo giữ nguyên trạng không sơn lại vỏ hầm để tiếp tục theo dõi, quan trắc, đánh giá các diễn biến liên quan đến vỏ hầm, hiện trạng nứt vỏ hầm.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho hay, các báo cáo khoa học, kỹ thuật đợt kiểm tra mới đây và ghi nhận thực tế tại hiện trường cho thấy, vết nứt xuất hiện cục bộ một số vị trí hầm Hải Vân không ảnh hưởng đến an toàn vận hành của hầm.

“Kết cấu chịu lực của hầm chính là vòm đá cùng giải pháp neo gia cố để tạo sự ổn định, bền vững cho hầm. Vỏ bê tông hoàn toàn không phải là kết cấu chịu lực”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ thông tin.

Thứ trưởng Bộ GT-VT yêu cầu: “Nhà đầu tư phải cử ra 1 tổ thường xuyên liên tục và theo dõi vết nứt này trên toàn diện của hầm. Phía Bộ với vai trò Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cũng sẽ cử một số chuyên gia, đoàn công tác độc lập để khảo sát, đánh giá đảm bảo độ an toàn trong khai thác, vận hành hầm”.